| Hotline: 0983.970.780

Miệt mài mở cửa nông sản trong sóng gió Covid-19

Thứ Sáu 01/01/2021 , 09:10 (GMT+7)

Bất chấp những đứt gãy, gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam vẫn được miệt mài triển khai trong năm 2020.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm và kiểm tra công tác sản xuất, chuẩn bị xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc tại Công ty Yến sào Khánh Hòa (tháng 7/2020). Ảnh: Kim Sơ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm và kiểm tra công tác sản xuất, chuẩn bị xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc tại Công ty Yến sào Khánh Hòa (tháng 7/2020). Ảnh: Kim Sơ.

Năm 2020, ngành chăn nuôi Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, hướng ra mục tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động đàm phán, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại cũng như xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi bị ngưng trệ.

Trong bối cảnh đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục Thú y tiếp tục nỗ lực duy trì, kết nối đàm phán, mở cửa thị trường bằng các hình thức linh hoạt và tranh thủ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Lần đầu Trung Quốc thẩm định trực tuyến đối với sản phẩm nhập khẩu

Về hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm tổ yến: Năm 2019, Cục Thú y đã nộp hồ sơ đề nghị Trung Quốc mở cửa thị trường tổ yến. Đến nay, Tổng cục Hải quan (TCHQ) Trung Quốc đã hoàn thành việc thẩm định hồ sơ và chuẩn bị cho bước kiểm tra thực tế.

Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp nên các chuyên gia của TCHQ Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam để kiểm tra thực tế. 

Ngày 7/9/2020, Cục Thú y đã tham mưu Bộ NN-PTNT có thư đề nghị TCHQ Trung Quốc tổ chức thẩm định thực tế hệ thống sản xuất và quản lý chất lượng tổ yến của Việt Nam bằng hình thức trực tuyến. Ngày 6/11/2020, TCHQ Trung Quốc đã có thư đồng ý phương án kiểm tra trực tuyến theo đề nghị của Bộ NN-PTNT Việt Nam.

Theo TCHQ Trung Quốc, đây là lần đầu tiên, chưa có trong tiền lệ, TCHQ Trung Quốc đã tạo điều kiện linh hoạt nhất và đồng ý cho thẩm định bằng hình thức trực tuyến đối với sản phẩm nhập khẩu (tổ yến của Việt Nam).

Bộ NN-PTNT đã giao Cục Thú y đẩy nhanh việc chuẩn bị, xúc tiến ký Nghị định thư, Chứng thư kiểm dịch và cấp mã số cho các cơ sở sản xuất để xúc tiến xuất khẩu sản phẩm tổ yến sớm nhất trong năm 2021.

Hiện Cục Thú y đang phối hợp với Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm việc với Cục An toàn thực phẩm Xuất nhập khẩu (TCHQ Trung Quốc) để thống nhất thời gian và nội dung kiểm tra trực tuyến vào tuần cuối tháng 12/2020, cố gắng hoàn tất các thủ tục để có thể ký Nghị định thư và xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc vào đầu năm 2021.

Năm 2020, doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được gà giống với số lượng 206.244 con (tăng tuyệt đối so với 2019).

Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật vẫn tăng 16% đạt (105 nghìn tấn); sản phẩm từ mật ong tăng 38% (đạt trên 50 nghìn tấn); sản phẩm từ sữa tăng 56% (đạt trên 32 nghìn tấn); xuất khẩu trứng chim cút đóng lon đạt gần 500 tấn, tăng 32% so với 2019…

Mở toang cửa nhiều sản phẩm chăn nuôi sang thị trường tỉ dân

Về hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm sữa: Kể từ khi Nghị định thư về xuất khẩu sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào tháng 4/2019, đến nay đã có 5 nhà máy thuộc 4 công ty sản xuất sữa của Việt Nam đã được TCHQ Trung Quốc cấp mã xuất khẩu các sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa chua, sữa đặc, phô mai các loại sang Trung Quốc (bao gồm: nhà máy TH True Milk, nhà máy sữa Thống Nhất và nhà máy sữa Sài Gòn của Vinamilk; nhà máy sữa Hanoimilk và nhà máy của Bel Việt Nam).

Trong năm 2020, Cục Thú y đã hướng dẫn và hỗ trợ thêm 11 nhà máy sản xuất sữa của Việt Nam nộp hồ sơ cho TCHQ Trung Quốc và đang chờ TCHQ Trung Quốc phê duyệt (bao gồm 7 nhà máy của Vinamilk, 1 nhà máy của Mộc Châu Milk, 1 nhà máy của Nutifood và 2 nhà máy của Cô gái Hà Lan).

Cục Thú y cũng đã tham mưu Bộ NN-PTNT có Công hàm gửi TCHQ Trung Quốc đề nghị cấp phép thêm cho một số nhà máy sữa của Việt Nam đã nộp hồ sơ và đáp ứng yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (bìa trái) thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị xuất khẩu sữa sang Trung Quốc tại Công ty sữa Mộc Châu. Ảnh: Lê Bền.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (bìa trái) thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị xuất khẩu sữa sang Trung Quốc tại Công ty sữa Mộc Châu. Ảnh: Lê Bền.

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây (ngày 8/12/2020) giữa Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và ông Nghê Nhạc Phong, Tổng cục trưởng Hải quan Trung Quốc, phía Trung Quốc đã hứa trong thời gian tới sẽ chấp thuận thêm một số nhà máy sữa đạt yêu cầu của Việt Nam.

Bên cạnh tổ yến, sữa và sản phẩm sữa, trong năm 2020, một số mặt hàng sản phẩm chăn nuôi khác Việt Nam cũng đã được phía Trung Quốc xem xét, cam kết tạo điều kiện mở cửa hoặc tăng cường xuất khẩu sang nước này.

Năm 2020, phía Việt Nam cũng đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh để phổ biến các điều kiện và thủ tục đăng ký xuất khẩu thịt gia cầm và trứng gia cầm sang thị trường Trung Quốc nhằm xúc tiến mở cửa nhóm sản phẩm này sang thị trưởng tỉ dân trong thời gian tới.

Cụ thể với sản phẩm bột cá và dầu cá: Từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu bột cá của Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 100.000 tấn bột cá và dầu cá sang thị trường Trung Quốc.

Hiện có 14 doanh nghiệp sản xuất bột cá và dầu cá của Việt Nam được TCHQ Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu.

Ngoài 14 doanh nghiệp đang xuất khẩu, Cục Thú y đã hướng dẫn và hỗ trợ 18 doanh nghiệp mới chuẩn bị hồ sơ đăng ký xuất khẩu bột cá và dầu cá sang thị trường Trung Quốc.

Ngày 7/12/2020, Cục Thú y có thư gửi Vụ Kiểm dịch động thực vật của TCHQ Trung Quốc kèm theo danh sách và hồ sơ của 18 doanh nghiệp đăng ký mới.

Phía TCHQ Trung Quốc cho biết đang xem xét hồ sơ của các doanh nghiệp và sẽ cấp phép thêm cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc trong thời gian tới.

Đối với sản phẩm lông vũ: Cục Thú y đàm phán xong mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu lông vũ từ Việt Nam sang Trung Quốc từ tháng 1/2020.

Hiện tại, đã có 20 doanh nghiệp Việt Nam được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu lông vũ sang thị trường này. Cục Thú y vẫn đang tiếp tục phối hợp với Cơ quan Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc làm việc với TCHQ Trung Quốc để thúc đẩy quá trình xem xét và cấp phép thêm cho các doanh nghiệp đăng ký mới xuất khẩu lông vũ từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Nhiều sản phẩm chăn nuôi khởi động vươn thị trường quốc tế

Không chỉ thị trường chủ lực Trung Quốc, năm 2020, Cục Thú y cũng đã duy trì kết nối, xúc tiến mở cửa cho nhiều sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Thịt gà là sản phẩm đã và đang mở ra nhiều triển vọng xuất khẩu trong năm 2020 cũng như những năm tới. Ảnh: TL.

Thịt gà là sản phẩm đã và đang mở ra nhiều triển vọng xuất khẩu trong năm 2020 cũng như những năm tới. Ảnh: TL.

Cục Thú y đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu thịt gà chế biến của Công ty C.P Việt Nam gửi cho Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga xem xét.

Theo đó, cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm thịt gà chế biến từ Việt Nam. Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (chi nhánh Nhà máy chế biến sản phẩm thịt gà tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là doanh nghiệp đầu tiên được Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cấp phép cho xuất khẩu các sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường này.

Song song đó, Cục cũng chuẩn bị hồ sơ mới gửi Cục Thú y Nhật Bản đề nghị cấp phép nhập khẩu cho nhà máy C.P tại Bình Phước; hồ sơ đánh giá lại hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm trong giết mổ và chế biến thịt gà theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm Nhật Bản. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký xuất khẩu thịt gà gửi Cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc đánh giá rủi ro nhập khẩu...

Trong năm, Cục Thú y cũng đã hoàn thành quá trình đàm phán thống nhất các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu các sản phẩm thịt tiệt trùng từ Việt Nam sang Hàn Quốc.

Hoàn thành việc đăng ký tài khoản trên hệ thống truy xuất nguồn gốc của EU (TRACES NT) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mật ong và lông vũ vào thị trường EU. Đến nay, đã xác nhận được cho 4 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu mật ong và sáp ong sang EU…

Kịp thời nhập khẩu, hạ nhiệt giá lợn

Năm 2020, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ NN-PTNT về đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn và lợn sống nhằm bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu thiếu hụt tạm thời nguồn cung thịt lợn trong nước, hàng loạt các giải pháp đã được Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Thú y triển khai.

Việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan đã kịp thời góp phần 'hạ nhiệt', bình ổn giá thịt lợn trong năm 2020. Ảnh: TL

Việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan đã kịp thời góp phần "hạ nhiệt", bình ổn giá thịt lợn trong năm 2020. Ảnh: TL

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tháng 6/2020, Cục Thú y và Tổng cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan đã có cuộc họp trực tuyến song phương nhằm thảo luận, thống nhất các thủ tục, điều kiện nhằm sớm cho phép nhập khẩu lợn thịt (lợn sống) từ Thái Lan về Việt Nam giết mổ.

Theo đó, hai bên đã thảo luận và cơ bản thống nhất các nội dung, điều khoản chi tiết về yêu cầu vệ sinh thú y, thủ tục kiểm dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch đối với lợn thịt từ Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam…

Đến hết năm 2020, nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để giết mổ đạt 308 ngàn con (tăng tuyệt đối so với 2019); nhập khẩu thịt lợn làm thực phẩm từ nhiều quốc gia về nước đạt 212.409 tấn (tăng 255,74% so với cùng kỳ 2019).

Cùng với việc đảm bảo khống chế dịch bệnh trong nước và tái đàn lợn nhanh chóng, việc kịp thời nhập khẩu lợn sống, thịt lợn làm thực phẩm đã góp phần quan trọng nhằm “hạ nhiệt” thị trường thịt lợn trong nước. Từ chỗ giá lợn hơi có lúc lên trên 100 nghìn đồng/kg đầu năm 2020, hiện giá lợn hơi đã quay về ổn định xoay quanh 65 nghìn đồng/kg…

Nỗ lực không mệt mỏi mở cửa thị trường nông sản

Bên cạnh các sản phẩm chăn nuôi, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị của Bộ NN-PTNT như Cục BVTV, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ NN-PTNT đã tiếp tục nỗ lực duy trì các hoạt động đàm phán, mở cửa thị trường cho các sản phẩm trồng trọt xuất khẩu.

Tiêu biểu có thể kể tới nỗ lực của Cục BVTV trong việc phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp sang Lục Ngạn (Bắc Giang) kiểm tra hệ thống xử lý khử trùng vải thiều và xuất khẩu các lô vải thiều đầu tiên sang Nhật Bản.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra tình hình sản xuất và phát động xuất khẩu lô thạch đen chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc, ngày 15/12/2020 tại Lạng Sơn. Ảnh: Minh Phúc

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra tình hình sản xuất và phát động xuất khẩu lô thạch đen chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc, ngày 15/12/2020 tại Lạng Sơn. Ảnh: Minh Phúc

Đối với thị trường Trung Quốc, Cục BVTV đã liên tục duy trì kết nối các hoạt động đàm phán, mở cửa xuất khẩu đối với một số sản phẩm còn dang dở trong đàm phán mở cửa do dịch bệnh Covid-19 từ cuối năm 2019 như thạch đen, khoai lang, một số trái cây như sầu riêng, bưởi, chanh leo…

Mới đây nhất, ngày 8/12/2020, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sản phẩm thạch đen Việt Nam sang Trung Quốc, đồng thời đã xuất khẩu những lô hàng thạch đen đầu tiên theo diện chính ngạch sang thị trường này.

Bộ NN-PTNT cũng đã giao Cục BVTV chủ trì triển khai và đề nghị phía Trung Quốc xem xét áp dụng linh hoạt hình thức kiểm tra trực tuyến hoặc qua video đối với các sản phẩm sầu riêng, khoai lang, đề nghị ưu tiên cấp phép thêm cho sản phẩm bưởi và chanh leo phía Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ để sớm mở cửa xuất khẩu trong thời gian tới…

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết bên cạnh thị trường Trung Quốc, trong năm 2020, Cục đã tiến hành đàm phán với 19 nước, tập trung vào 10 loại quả Việt Nam có lợi thế để xuất khẩu. Mặc dù rất khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng tiến độ đàm phán cũng như mở cửa thị trường và kết quả đạt được rất khả quan.

Cùng với quả vải đã được xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản, Cục đã chuẩn bị xong hồ sơ để xúc tiến đàm phán mở cửa xuất khẩu sang thị trường Mỹ; xúc tiến xuất khẩu quả thanh long ruột đỏ sang Hàn Quốc…

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia tăng lợi thế cạnh tranh

GEARS@VIETNAM giúp doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.