Đối với bà Susan Eapen, một bệnh nhân tiểu đường từ năm 2008 thì việc kiểm soát lượng đường trong máu luôn là một thách thức hằng ngày. Mặc dù bà đã thử áp dụng cả chế độ ăn kiêng keto ít carb, nhiều chất béo nhưng cũng phải từ bỏ vì liên tục bị chóng mặt.
Và sau đó bà quyết định cắt giảm lượng carbohydrate, chỉ sử dụng bột hạnh nhân thay vì bột mì và bổ sung các bữa ăn với trứng và rau xanh. Nhưng theo bệnh nhân này, để chuẩn bị các bữa ăn hàng ngày phù hợp với nhu cầu bản thân quả thật không phải là điều dễ dàng và chứng bệnh vẫn hành hạ vì thường xuyên phải đi tiểu.
“Tôi cảm thấy quá mệt mỏi mỗi khi phải cố gắng chuẩn bị các bữa ăn cho mình,” bà chủ ngân hàng đã nghỉ hưu ở bang Kerala (Ấn Độ) cho biết thêm.
Cuộc sống của Eapen đã thay đổi vào năm 2018 sau khi đọc một bài báo trên trang Jackfruit365, một khởi nghiệp trong nước chuyên sản xuất bột chế từ quả mít xanh thành phẩm. James Joseph, chủ doanh nghiệp này giờ đây chính là người đang thay đổi nhận thức về việc trồng mít ở khắp bang Kerala.
Ông Joseph cho biết, đã thực hiện một nghiên cứu lâm sàng vào năm 2016 với Đại học Sydney (SUGiRS), một trong những cơ sở nghiên cứu tốt nhất thế giới về chỉ số đường huyết đã chứng minh bột mít xanh có giá trị làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn so với các loại thực phẩm khác. Hơn nữa với vị trung tính và không có mùi, bột mít xanh rất dễ sử dụng trong các món ăn.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với 30g bột mít xanh- sản phẩm đã chế biến của công ty Jackfruit365, có chỉ số đường huyết thấp hơn (17) so với một bát cơm (29) hoặc hai lát banh mì dẹt của Ấn Độ (27).
“Bột mít xanh đã giúp tôi kiểm soát lượng đường trong máu mà không cần nỗ lực nhiều. Không giống như bột hạnh nhân, loại này có giá cả phải chăng và lại còn dễ mua. Hơn nữa việc chuẩn bị bữa ăn không còn là một cực hình nữa”, bà Eapen cho biết và tiết lộ đã ngừng dùng thuốc tiểu đường từ năm 2018.
Nữ bệnh nhân này cho biết: “Giờ đây lượng đường của tôi đã được kiểm soát. Tôi không còn mệt mỏi hay thức dậy sau nửa đêm nữa”.
Hồi tháng 6 năm nay, nhóm nghiên cứu của ông Joseph đã thực hiện một nghiên cứu khác và đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành Diabetes của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, liên quan đến bệnh nhân tiểu đường typ 2. Theo đó, những người tham gia nghiên cứu đã dùng 30g bột mít xanh mỗi ngày để thay thế cho một lượng tương đương gạo hoặc bột mì. Kết quả sau 90 ngày, lượng đường trong máu của họ đã giảm đáng kể.
Oommen V Oommen, 71 tuổi, giáo sư sinh học đã nghỉ hưu ở Đại học Kerala, người mắc chứng tiểu đường trong 15 năm qua, cũng phải thừa nhận rằng bột mít rất hữu ích trong việc hạ thấp hàm lượng glucose.
“Tôi đã dùng trong ba tháng bằng cách cho một thìa bột mít xanh vào đồ uống thảo dược hàng ngày của mình và các chỉ số đã giảm đáng kể. Kết quả là tôi đã hạ được liều lượng insulin, từ 14 xuống còn 10 đơn vị vào buổi sáng và từ 10 xuống 8 đơn vị vào buổi tối. Nó không phải là một loại thuốc, nhưng là một thực phẩm bổ sung, giúp kiểm soát bệnh tiểu đường”, ông Oommen cho biết thêm.
Vinu Nair, một vận động viên marathon đến từ Chennai, bang Tamil Nadu, đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra mình có lượng đường trong máu cao khi đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Và anh đã bắt đầu dùng bột mít xanh do vợ pha chế trong các món ăn, sau ba tháng, chỉ số đường huyết của anh ta đã giảm đáng kể.
Nair nói: “Điều đó thúc đẩy tôi tiếp tục. Không chỉ kiểm soát được lượng đường trong máu và chất béo trung tính; hàm lượng chất xơ cao của bột mít xanh đã giúp tôi duy trì được thể trạng”. Và đến tháng 5, anh Nair đã ngừng uống thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
Tiến sĩ Thomas Varughese, chuyên gia tư vấn cao cấp về phẫu thuật ung thư tại bệnh viện Renai Medicity, ở bang Kerala, cho biết bột mít xanh cũng đã được thử nghiệm thêm vào chế độ ăn của bệnh nhân ung thư. Kết quả cho thấy loại thực phẩm chức năng này đã hỗ trợ các bệnh nhân vượt qua quá trình hóa trị rất tích cực và được cộng đồng thừa nhận, đưa vào thư viện Y học Quốc gia.
Ông Varughese đã kê 30g bột mít xanh mỗi ngày cho những bệnh nhân ung thư của mình trong một nhóm nghiên cứu và đi đến kết luận: “Các sang chấn lớn nhất của bệnh nhân ung thư chính là những phản ứng phụ của giai đoạn hóa trị liệu bởi thuốc hóa trị liệu rất độc. Chúng di chuyển trên các tế bào và phân chia nhanh đến khắp cơ thể, dẫn đến số lượng tiểu thể huyết cầu thấp, gây rụng tóc, loét miệng và cổ họng, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm nấm và tiêu chảy ”.
Những người ăn bột mít xanh không bị giảm số lượng bạch cầu và niêm mạc ruột của họ được bảo vệ, ông Varughese nói. Tuy nhiên, bột mít không thể ngăn ngừa được chứng rụng tóc hoặc nôn trớ sau hóa trị nhưng dù sao nó cũng giúp bệnh nhân sớm phục hồi và chi phí điều trị sẽ giảm.
Jyothi Rajeev, một người sống sót sau căn bệnh ung thư vú được ông Varughese kê đơn thuốc này cho biết: “Quá trình hóa trị của tôi diễn ra suôn sẻ đến mức tôi không biết mình đã trải qua 6 lần hóa trị như thế nào. Ngoại trừ bị rụng tóc, tôi không có vết loét ở miệng, cũng không buồn nôn hoặc chán ăn. Tôi có thể đi bộ 5km mỗi ngày”, bà Jyothi Rajeev nói.
Ông Varughese cho biết, ý tưởng sử dụng bột mít là một “khám phá tình cờ” sau khi ông nhận thấy rằng hai bệnh nhân của mình không bị tác dụng phụ trong quá trình hóa trị. “Họ nói với tôi về việc đã dùng bột mít xanh trong chế độ ăn uống của họ để kiểm soát bệnh tiểu đường. Và tôi quyết định thử nó với những bệnh nhân khác vì tin rằng nó có gốc thực vật vô hại và cho thấy tăng khả năng miễn dịch”, ông Varughese kể.