Trúng mùa, được giá
Đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân La Tình gồm 4 chiếc và 1 chiếc của ngư dân Nguyễn Quê mang số hiệu BĐ 96776 TS cùng ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn-Bình Định) đã đồng loạt cập bến tại Cảng cá Quy Nhơn với những khoang tàu trĩu nặng cá.
Riêng tàu của ngư dân Nguyễn Quê đánh bắt được 50 con, 4 tàu trong đội tàu của ngư dân La Tình đánh bắt được 150 con, bình quân mỗi tàu đánh bắt được 50 con.
Theo các chủ tàu, trong chuyến biển vừa rồi, những tàu đánh bắt cá ngừ đại dương gặp nhiều gian nan do gặp phải cơn bão số 4, tuy nhiên, với đặc thù biển càng động, nước càng lạnh thì cá ngừ đại dương xuất hiện càng nhiều nên tàu nào cũng đánh bắt được nhiều cá...
Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 400 tàu cá công suất lớn đang đánh bắt kết hợp theo kiểu vừa hành nghề câu mực kết hợp đánh bắt cá ngừ đại dương; hoặc vừa hành nghề vây ánh sáng kết hợp câu cá ngừ đại dương. Ngoài ra còn có 500 tàu khác chuyên nghề đánh bắt cá ngừ đại dương thay nhau vươn khơi bám biển.
Ngư trường chính khai thác cá ngừ đại dương chủ yếu là khu vực thuộc 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vùng biển giữa Trường Sa và Hoàng Sa. Từ cuối tháng 11 đến nay, mỗi ngày có khoảng 100 tàu khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định cập bến, bình quân mỗi tàu khai thác được từ 1,5 đến 2 tấn sản phẩm.
Không chỉ ngư dân mới có niềm vui được mùa, các cơ sở hậu cần nghề cá hiện cũng đang vui cùng niềm vui với ngư dân vì bán chạy hàng. Tất cả các điểm thu mua cá ngừ đại dương ở Cảng cá Quy Nhơn đang hoạt động hết công suất.
Hoạt động thu mua cá ngừ đại dương tại Cảng cá Quy Nhơn
“Chúng tôi đang hợp tác với các nước để đào tạo nguồn nhân lực chuyên lĩnh vực thủy sản. Trước mắt sẽ đưa chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, ngư dân tiếp tục sang tập huấn tại Nhật để về đánh bắt, chế biến sâu cá ngừ đại dương đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu XK”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay. |
Tất bật thu mua sản phẩm rồi cấp tốc chở đi giao ngay cho khách hàng. Những cây xăng, nhà máy SX nước đá hoạt động liên tục, hối hả phục vụ cho những chiếc tàu. Tàu cập cảng, sau khi chuyển cá lên cân là tiếp ngay nhiên liệu, nước đá, dầu, nước ngọt, lương thực thực phẩm để mở chuyến biển mới.
Ông Đào Xuân Thiện, GĐ Cảng cá Quy Nhơn, cho biết: “Nhờ dịch vụ hậu cần nghề của cảng cá đáp ứng kịp yêu cầu của ngư dân, nên số lượng tàu cá cập cảng để bán sản phẩm ngày càng nhiều, nguồn thu từ dịch vụ hậu cần nghề cá nhờ đó cũng tăng đáng kể”.
Mở rộng thị trường
Đội tàu tham gia mô hình thí điểm khai thác, thu mua và XK cá ngừ đại dương theo chuỗi, áp dụng bộ thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương kiểu Nhật của 2 ngư dân La Tình và Nguyễn Quê mới cập bờ cách đây vài ngày, tuy sản lượng đánh bắt đạt cao, nhưng do gặp cơn bão số 4, tàu phải tìm nơi trú bão nên thời gian trên biển kéo dài vượt quá quy định, cá mất chất lượng, số cá đủ tiêu chuẩn đi Nhật rất ít không đủ chuyến hàng.
Theo bà Cao Thị Kim Lan, GĐ Công ty CP thủy sản Bình Định (Bidifisco), sau khi kiểm tra chất lượng cá, lãnh đạo Sở NN - PTNT Bình Định, Bidifisco và Cty Kato Hitoshi General Office Co. Ltd (Kato Office) đã quyết định không XK lô hàng nói trên sang thị trường Nhật Bản vào đầu tháng 12 như dự kiến.
Tuy số cá nói trên không đủ tiêu chuẩn đi Nhật nhưng Công ty Bidifisco cũng đã thu mua giá 110.000đ/kg, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, bên cạnh XK sang Nhật Bản, Bình Định còn đang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá ngừ tươi sống ở các cửa hàng Nhật tại Việt Nam và XK sang Nga, châu Âu. Hiện tại, một số DN Nhật Bản đã đặt vấn đề với Bình Định đầu tư nhà máy chế biến thủy sản XK quy mô lớn tại đây.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết thêm, tỉnh đang mời gọi DN trong và ngoài nước đầu tư vào cụm công nghiệp chế biến chuyên sâu thủy sản để mở rộng đầu ra cho cá ngừ đại dương.