| Hotline: 0983.970.780

Mở rộng ứng dụng công nghệ sinh thái

Thứ Năm 28/04/2016 , 06:07 (GMT+7)

Mô hình công nghệ sinh thái (CNST) trồng hoa trên bờ ruộng lúa thu hút thiên địch phòng trừ dịch hại là thiết kế lại đồng ruộng với mục đích nhằm khôi phục lại sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái. 

Đảm bảo môi trường tự nhiên, giữ mật số dịch hại ở mức thấp nhất không gây ra sự mất mát về năng suất và hạn chế tối đa việc xử lý thuốc trừ sâu.

Tại An Giang, mô hình “Cộng đồng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa bằng công nghệ sinh thái” là một tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trên lĩnh vực BVTV được ứng dụng rộng rãi trên nền tảng các chương trình đã triển khai trên cây lúa trước đây: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và gieo sạ theo lịch đồng loạt né rầy... giúp giảm chi phí đầu tư, lợi nhuận cao, nâng chất lượng nông sản và thân thiện với môi trường, cần thiết trong việc tổ chức trồng lúa theo hướng GAP.

Ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục BVTV An Giang) cho biết: Từ năm 2010, Chi cục phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) triển khai ứng dụng CNST nhằm giảm số lần phun thuốc trừ sâu rầy mà vẫn quản lý tốt dịch hại trên ruộng. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn được môi trường tự nhiên cho các loại thiên địch sinh sống, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng ở mức cao.

CNST trồng hoa trên bờ ruộng thu hút thiên địch phòng trừ dịch hại trên ruộng lúa lần đầu tiên triển khai tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành trong vụ HT 2010. Diện tích mô hình thực hiện 30 ha với sự tham gia của nhóm 15 nông dân cùng trồng hoa bên bờ ruộng bao quanh cánh đồng “1 phải 5 giảm”.

Đến vụ TĐ 2010, tiếp tục triển khai thực hiện 2 mô hình áp dụng CNST tại 2 huyện Thoại Sơn và Châu Thành với sự tự nguyện tham gia nhiệt tình của nông dân và sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV.

Từ vụ ĐX 2010 - 2011, Chi cục BVTV An Giang đã triển khai ứng dụng tại 11 huyện, thị, thành tại các điểm triển khai huấn luyện mô hình “1 phải 5 giảm” cho 33 ha tại vùng SX GlobalGAP tại xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn.

Trong vụ lúa ĐX năm 2016 toàn tỉnh có 164 mô hình SX theo CNST với 3.091 nông dân áp dụng với diện tích 2.368,9 ha và đang mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Riêng tại huyện An Phú là địa phương có diện tích áp dụng CNST khá lớn trong tỉnh nhiều năm qua đã đem lại kết quả tốt cho nông dân, bằng cách là tăng thu nhập giảm chi phí trong vụ mùa.

nh-2-cnst093808631
Ứng dụng CNST giúp giảm chi phí tăng lợi nhuận

ThS. Nguyễn Minh Bửu, Trưởng Trạm BVTV huyện An Phú cho biết: Kết quả điều tra mô hình CNST cho thấy việc trồng cây có hoa như sao nhái, hướng dương, mè… trong mô hình đã làm tăng số loài thiên địch có lợi trong ruộng lúa so với ruộng ngoài mô hình. Chủng loại thiên địch xuất hiện nhiều và phong phú hơn so đối chứng.

Để góp phần vào sự thành công hơn nữa, mô hình này cần được triển khai ở quy mô cộng đồng với sự tham gia của nhiều đơn vị, thành phần... nhằm giúp nông dân SX lúa theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường qua việc hạn chế phun thuốc trừ sâu không cần thiết trên đồng ruộng, góp phần tạo cảnh quan môi trường ở nông thôn xanh, sạch, đẹp và trong lành.

Trong mô hình thu thập được 11 loài thiên địch và so với ngoài mô hình thu được 8 - 9 loài vào giai đoạn lúa làm đòng, đến giai đoạn lúa trổ trong mô hình thu được 13 loài và ngoài mô hình 6 loài. Điều này cho thấy có sự ổn định số loài thiên địch trong mô hình so với ruộng ngoài mô hình.

Trong đó, nhện bầu và bọ xít mù xanh xuất hiện rất phổ biến ngay cả trong và ngoài mô hình vào giai đoạn lúa làm đòng - trổ. Ruộng mô hình có 4 loài xuất hiện rất phổ biến (bọ xít mù xanh, nhện lùn, nhện chân dài, nhện lycosa), nhưng ruộng ngoài mô hình chỉ có 2 loài là nhện lùn, nhện lycosa xuất hiện rất phổ biến vào giai đoạn lúa làm đòng. Đến giai đoạn lúa trổ, trong mô hình có 3 loài (bọ xít mù xanh, nhện lùn, nhện lycosa) xuất hiện rất phổ biến, ngoài mô hình có 2 loài (bọ xít mù xanh, nhện lùn).

Kết quả điều tra nông dân về số lần sử dụng thuốc trừ sâu rầy trong suốt vụ lúa cho thấy ruộng lúa trong mô hình giảm từ 1 - 3 lần phun thuốc trừ sâu rầy so với ruộng đối chứng. Tuy giảm phun thuốc trừ sâu rầy nhưng năng suất ruộng trong mô hình đạt rất cao khoảng 5,7 - 6,4 tấn/ha, trong vụ HT.

Ông Cao Vĩnh Thông, cho biết thêm: Ruộng lúa ứng dụng CNST làm đa dạng thành phần loài côn trùng và ổn định từ giai đoạn lúa làm đòng, trổ. Giảm số lần phun thuốc trừ sâu rầy giảm nhưng năng suất lúa không giảm, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn đặc biệt là khâu chăm sóc, tốn nhiều công lao động, nông dân chưa thấy rõ lợi ích của mô hình. Việc trồng hoa chỉ thích hợp với bờ đê lớn, không ngập nước. Với bờ đê nhỏ thì khó đi lại khi trồng hoa, thường bị ngập nước nên cây hoa bị chết nhiều.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.