| Hotline: 0983.970.780

Mỡ thối lộng hành

Thứ Tư 04/11/2015 , 09:14 (GMT+7)

Các vụ bắt giữ hàng tấn mỡ thối tại TP. HCM gần đây khiến dư luận lo ngại về loại thực phẩm độc hại này đang chạy “nước rút” vào các tháng cuối năm. Điều đáng nói có trường hợp sau khi cơ quan chức năng niêm phong chờ ngày tiêu hủy thì mỡ thối bất ngờ bị “bốc hơi” một cách kỳ lạ./ Bóc mẽ hóa chất "biến" thịt thối thành thịt tươi

Ai đánh cắp mỡ thối?

Hôm qua (3/11), tin từ Công an huyện Hóc Môn cho biết đang thụ lý điều tra vụ 18,4 tấn mỡ bò, tóp mỡ heo và tóp da (bì) heo thối đã được UBND xã Bà Điểm niêm phong từ ngày 21/10 nhưng sau đó đã bị “bốc hơi” chưa rõ nguyên nhân.

Theo đó, vào chiều ngày 21/10, UBND xã Bà Điểm phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Hóc Môn kiểm tra kho hàng A1 nằm trong bãi xe Nguyễn Ngọc (60/3 ấp Tiền Lân 1, xã Bà Điểm).

Đoàn kiểm tra bất ngờ phát hiện tại đây chứa 180 bao mỡ bò (7,2 tấn), 300 bao tóp mỡ heo (12 tấn) và 79 bao tóp da heo (2,5 tấn) tổng cộng gần 22 tấn mỡ thối.

Điều đáng nói là toàn bộ lô hàng này được để trên nền sàn dơ bẩn, bốc mùi hôi thối, bao bì không đảm bảo vệ sinh. Đại diện lô hàng nói trên là ông Phạm Đình Luân (ngụ huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra, ông Luân không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến lô hàng như chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh, kiểm dịch, hóa đơn hàng hóa.

Ông Luân cho biết số mỡ bò, tóp mỡ heo, tóp da heo trên được thu gom từ nhiều nguồn trôi nổi trên thị trường để đưa bán cho các nhà hàng, quán cơm, các chợ đầu mối, trong đó có một phần xuất bán sang Trung Quốc (!?).

Nhưng chủ lô hàng thật sự là ông Phạm Thành Trung (ngụ phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM) đã đi Hà Nội. Sau đó, UBND xã Bà Điểm đã ra quyết định niêm phong, tạm giữ lô hàng trong vòng 30 ngày và bàn giao cho Trạm Thú y huyện Hóc Môn xử lý theo quy định.

Tiếp theo, ngày 23/10, ông Trung đã đến làm việc với Trạm Thú y. Tại đây, ông Trung thừa nhận toàn bộ lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch và bảo quản trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh.

Theo ông Trung, hàng chục tấn sản phẩm mỡ động vật này được ông mua gom từ nhiều cơ sở giết mổ ở các tỉnh chỉ với giá 3.000-4.000 đồng/kg.

Sau đó, ông thuê kho A1 để tập kết hàng. Cũng tại buổi làm việc, ông Trung tự nguyện làm đơn xin tiêu hủy gần 22 tấn mỡ thối nói trên.

“Khoản 2, Điều 14, Nghị định 119/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y là phạt tiền từ 80% đến 90% giá trị sản phẩm nhưng không vượt quá 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh sản phẩm động vật (mỡ, da...) không đạt quy chuẩn vệ sinh thú y”. - ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM.

Tuy nhiên, đến ngày 24/10, khi đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành “hậu kiểm” trước khi tiêu hủy thì phát hiện cửa nhà kho dấu niêm phong còn nguyên, nhưng các miếng tôn nhà kho bị tháo gỡ.

Đoàn kiểm tra quyết định mở cửa thì “choáng váng” khi số lượng tang vật vi phạm gần 22 tấn mỡ thối hầu như trống trơn, chỉ còn lại khoảng 3,3 tấn mỡ bò. Như vậy, 18,4 tấn mỡ thối được niêm phong đã bị “bốc hơi”.

Nhận định của đoàn kiểm tra là có người tháo tôn, lẻn vào bên trong nhà kho đánh cắp mỡ thối tuồn ra ngoài thị trường tiêu thụ.

Đầu độc đồng loại

Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh sau khi kiểm tra cơ sở chế biến sản phẩm động vật không phép của bà Trần Bích Nga tại ấp 5, xã Lê Minh Xuân đã phát hiện nhiều sai phạm.

Tuy đây chỉ là điểm kinh doanh thuộc da trâu bò thông thường, nhưng ngoài sản phẩm chính là da trâu bò muối còn có sản phẩm phụ là mỡ và tóp mỡ cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu để làm phần “nước béo” trong nước lèo.

12-10-49_h2
Sản phẩm mỡ thối chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ bị phát hiện tại huyện Hóc Môn, TP. HCM vào tháng 10/2015

Cơ sở sản xuất nước béo làm từ mỡ bò thối này hoạt động trong điều kiện dơ bẩn, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nguyên liệu sử dụng không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Tại hiện trường ghi nhận có 8 tấm da trâu bò đang ướp muối và trên 350 kg mỡ và tóp mỡ có nhiều ruồi nhặng bu xung quanh.

Bà Nga cho biết bí quyết đối với các loại da bò “non” không làm da thuộc được thì đem ngâm hóa chất là chất tẩy đường, còn gọi Natri Hydrosulphite (NaHSO3), sau đó đưa vào chảo rán khoảng 15 phút.

Chính vì vậy, khi đoàn kiểm tra đang lập biên bản để xử lý vi phạm thì bà Nga bỏ đi nơi khác, bất hợp tác với cơ quan chức năng. Cuối cùng đoàn kiểm tra phải lập hồ sơ bàn giao vụ việc cho xã Lê Minh Xuân tiếp tục xử lý và tiêu huỷ toàn bộ lô hàng theo quy định.

Theo tìm hiểu chúng tôi, vào những tháng cuối năm, các cơ sở chế biến mỡ thối bắt đầu hoạt động mạnh với “nguyên liệu” chính là mỡ (heo, bò), da, nội tạng (chủ yếu là lòng heo chỉ cần tuốt qua bỏ phân một lần là đủ) được mua từ các lò giết mổ heo lậu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Long An, Bình Dương...

Ngoài ra, mỗi cơ sở đều tuyển một vài “nhân viên” cứ sáng sớm là đến các chợ bán sỉ thịt heo đầu mối để thu gom da, mỡ thối và nội tạng thừa.

Giá thu mua đổ đồng vào khoảng 3.000 đồng/kg tùy theo chất lượng. Còn đối với loại mỡ và nội tạng thối đã bốc mùi hôi thì giá chỉ còn 2.000 đồng/kg. Một ngày có cơ sở thu gom cả tấn mỡ, bì và nội tạng “tươi”.

Sau đó đưa về cơ sở tiếp tục phân loại, loại hàng nào còn mới chưa bốc mùi cho vào chảo rán qua một lần. Còn loại nào đã bốc mùi thì đưa vào thùng phuy (loại 10 lít) có hóa chất để khử mùi hôi, 1 kg hóa chất là 55.000 đồng sẽ ngâm khử được trên 1 tạ mỡ thối.

Sau khi khử xong cũng được đưa vào chảo rán. Tất cả số số mỡ bẩn, nội tạng này sau khi rán sẽ cho ra 2 loại mỡ, một loại màu trong (dân trong nghề gọi là nước hớt đầu) sẽ đem bán cho các quán cơm bình dân, kể cả nhà hàng với giá khoảng 18.000 đồng/kg; còn loại tạo ra một thứ mỡ đen đục, hơi khét thì bán các lò bánh rán, bánh quẩy... với giá 14.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tổng cộng chi phí nguyên liệu, lao động, thuê kho nhà xưởng... để chế biến 1 kg mỡ thối từ các cơ sở có giá thành sản xuất vào khoảng 6.000-7.000 đồng/kg. Như vậy, cứ 1 kg mỡ thối bán ra thị trường, chủ cơ sở “móc túi” người tiêu dùng trên dưới 10.000 đồng/kg.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, GĐ Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, mỡ bò, tóp mỡ heo, tóp da heo hư hỏng, hôi thối không được dùng làm thực phẩm cho người.

Nếu sử dụng rất dễ dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm