| Hotline: 0983.970.780

Mở toang cánh cửa trời Âu

Thứ Hai 11/01/2021 , 08:32 (GMT+7)

Nhờ tận dụng các Hiệp định tự do thương mại, nhất là EVFTA, nông sản Việt Nam đã tạo nên những điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Nông sản rộng cửa đi châu Âu

Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/8/2020), như chiếc chìa khóa mở cánh cửa vào thị trường châu Âu, là điểm sáng rực rỡ của nền kinh tế Việt Nam giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Khi EVFTA có hiệu lực, 71% hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được giảm xuống mức 0% và trong 7 năm tới 100% tất cả các mặt hàng sẽ được hưởng thuế suất 0%.

Lễ công bố xuất khẩu lô trái cây đầu tiên sang thị trường châu Âu tại Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Lễ công bố xuất khẩu lô trái cây đầu tiên sang thị trường châu Âu tại Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Những tưởng đại dịch Covid-19 và hạn mặn lịch sử sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, bằng các nỗ lực, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cùng với chính quyền các cấp đã có một năm vượt “hạn” thành công. Đặc biệt, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, sau các sự kiện các mặt hàng đầu đi châu Âu như: tôm (14/9), trái cây (17/9), lúa gạo (22/9).

EVFTA có hiệu lực đã có tác động rất kịp thời giúp các doanh nghiệp tìm được đầu ra cho sản phẩm. Trong 4 tháng sau khi EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt khoảng 14,66 tỷ USD, tăng 2,05% so với cùng kỳ. Riêng với trái cây, tỷ lệ tăng trưởng là 20% nhờ vào EVFTA, mở ra cánh cửa thâm nhập thị trường mới cho nông dân, nhà sản xuất và nhà xuất khẩu ở ĐBSCL.

Theo báo cáo thường niên của Văn phòng Chính phủ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản tháng 11/2020 ước đạt 2,22 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Những mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng so với tháng 11/2019 là thủy sản tăng 4,7%, hạt điều tăng 6,6%, hạt tiêu tăng 33,5%, gạo tăng 23,8%, cao su tăng 15,8%.

Khi EVFTA có hiệu lực, 71% hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được giảm xuống mức 0%. Ảnh: Minh Đảm.

Khi EVFTA có hiệu lực, 71% hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được giảm xuống mức 0%. Ảnh: Minh Đảm.

Tại ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm có vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cung cấp nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao như: trái cây, thủy sản và lúa gạo. Gần như 100% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới được trồng tại ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: “Năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, hạn mặn nhưng ngành nông nghiệp ĐBSCL vẫn tăng trưởng tốt. Năm nay, nông dân đã sản xuất 43 triệu tấn thóc, xuất khẩu được trên 6 triệu tấn gạo. Kim ngạch đạt 2,85 tỷ USD. Nhờ các FTA mở rộng cửa mà hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi khắp 5 châu rất thuận lợi. Xuất khẩu 11 tháng ước tính tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại sau 11 tháng năm 2020 đã xuất siêu kỷ lục gần 20,16 tỷ đô la, gần gấp đôi cùng kỳ năm 2019”.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nếu các cơ hội từ thuế suất trong EVFTA được tận dụng triệt để sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng 12% trong giai đoạn 2021 – 2030. EVFTA sẽ làm tăng thêm 2,4% tăng trưởng GDP của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 12% và giúp 800 nghìn người được thoát nghèo.

Kỳ vọng thủy sản tăng tốc hơn nữa

Từ sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, ngành thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Nhất là ngành hàng tôm mức tăng trưởng luôn là hai con số. Con tôm chính là động lực tăng trưởng của ngành thủy sản. Hết tháng 11, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.

Gỡ thẻ vàng, đưa thủy sản Việt Nam lên tầm cao mới. Ảnh: Minh Đảm.

Gỡ thẻ vàng, đưa thủy sản Việt Nam lên tầm cao mới. Ảnh: Minh Đảm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, giai đoạn 2010 - 2020, giá trị sản xuất thủy sản đạt tăng trưởng 5,2%/năm, kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trung bình 6,1%/năm. Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 8,6 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy). Về xuất khẩu, năm 2020, toàn ngành phấn đấu đạt 8,5 triệu tấn, trong đó thủy sản khai thác là 3,9 triệu tấn, nuôi trồng 4,6 triệu tấn.

Tháng 9/2020, xuất khẩu thủy sản tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019, tháng 10 tăng 12% và tháng 11 tăng 13%. Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ vượt năm 2019 với 8,58 tỷ USD. Thị trường EU hồi phục mạnh từ tháng 9 với mức tăng từ 19 đến 30%. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu sang EU đạt 900 triệu USD. Ước tính xuất khẩu sang EU (trừ Anh) trong năm 2020 đạt khoảng 992 triệu USD. “Đến giờ này có thể khẳng định, chúng ta đã đạt các chỉ tiêu trên, bất chấp ảnh hưởng bởi Covid-19, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và mưa lũ. Có được điều này là do chúng ta huy động được tương đối toàn diện, kể cả nuôi trồng thủy sản nội đồng và khai thác”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sang năm 2021, Hiệp định tự do thương mại với Anh được ký kết, cùng với EVFTA đây sẽ là kỳ vọng để ngành thủy sản bứt tốc hơn nữa. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. EVFTA mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU đầy tiềm năng với 508 triệu dân và quy mô khoảng 18 nghìn tỷ USD. EU hiện là thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn thứ hai của Việt Nam.

Hiệp định EVFTA cam kết dành ưu đãi thuế nhập khẩu cho hàng thủy sản Việt Nam. Ảnh: Minh Đảm.

Hiệp định EVFTA cam kết dành ưu đãi thuế nhập khẩu cho hàng thủy sản Việt NamẢnh: Minh Đảm.

Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ giúp cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng khoảng 2 - 3% giai đoạn 2020 - 2030. Hiệp định EVFTA cam kết dành ưu đãi thuế nhập khẩu cho hàng thủy sản Việt Nam, trong đó thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu nhập khẩu vào EU sẽ được giảm từ mức cơ bản 12 - 20% xuống còn 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Thuế nhập khẩu tôm chế biến về 0% sau 7 năm. Trong khi đó, các đối thủ như: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… không có được lợi thế này.

Gỡ thẻ vàng để đưa thủy sản lên tầm cao mới

Tuy nhiên, hiện nay thị trường châu Âu đang siết chặt quy định về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không có báo cáo và báo cáo không theo quy định (IUU) ở tất cả thị trường cung cấp. Thủy sản Việt Nam đang bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng đến nay đã 3 năm. Mặc dù, Bộ NN-PTNT đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nhằm gỡ thẻ nhưng EC vẫn chưa thu hồi thẻ vàng. Nguyên nhân cơ bản vẫn còn những hoạt động đánh bắt bất hợp pháp diễn ra. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết còn một tàu cá vi phạm cũng khó gỡ được thẻ vàng. Thứ trưởng nhấn mạnh cần phải gỡ thẻ vàng để lập lại trật tự và đưa ngành thủy sản lên tầm cao mới.

Việt Nam sẽ có cơ hội lấp đầy khoảng trống

Các Hiệp định thương mại tự do nói riêng và EVFTA nói chung được kỳ vọng tạo những cơ hội mới cho Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, Việt Nam sẽ có các cơ hội để lấp vào những chỗ trống của các sự thay đổi. Đối với nông nghiệp, sự thiếu hụt của lương thực trên toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn ở đó.

“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không cố gắng thì các thị trường EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng sẽ quên Việt Nam. Đây sẽ là một điều mất mát vì sự thay đổi từ Việt Nam và các thị trường đã gặp nhau, tạo ra những cơ hội và sự phát triển rất lớn để vươn lên.

Việt Nam đi vào những thị trường dễ tính sẽ tự kiềm hãm mình ở mức thu nhập trung bình, nếu cứ tiếp tục làm gia công và các sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Đây là những lo lắng lớn nhất của tôi”, bà Chi Lan chia sẻ.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.