| Hotline: 0983.970.780

Thanh Oai xây dựng tiêu chí nâng cao gắn với định hướng thành quận

Thứ Hai 15/11/2021 , 08:44 (GMT+7)

Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Thanh Oai luôn gấp gần 2 lần bình quân của TP Hà Nội, nhờ đó, thu nhập đạt 55 triệu đồng/người/năm

Tuy có những khó khăn không nhỏ do Covid-19 gây ra nhiều xáo trộn về kinh tế, xã hội nhưng tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện tính đến hết 31/10 là 463 tỷ đồng, đạt 86% dự toán TP giao và bằng 97% so cùng kỳ năm 2020. Trên cái nền đã có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao Thanh Oai đang phấn đấu mục tiêu đạt thêm 12 xã đạt NTM nâng cao và đến năm 2025 sẽ đạt huyện NTM nâng cao.

Ngoài nông nghiệp khá phát triển với nhiều vùng lúa hàng hóa, cây ăn quả tập trung thì huyện cũng có 46 làng nghề truyền thống đã được công nhận, đang duy trì hoạt động trong đó có 13 cái đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường, 8 cái đã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể. Đồng thời huyện cũng đã xây dựng được 30 sản phẩm OCOP 4 sao và 1 sản phẩm OCOP 3 sao để nâng cao giá trị cho người sản xuất.

Cách làm sáng tạo ở đây là xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu, từ năm 2018, huyện đã có 4 làng là thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương), thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng), thôn Minh Kha (xã Bình Minh), tổ dân phố Kim Bài (thị trấn Kim Bài). Trong những ngôi làng này, quy hoạch những mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp có diện tích từ 5.000 m2 trở lên; Có sân thể thao và các điểm vui chơi giải trí cộng đồng hoạt động có hiệu quả; Có bãi tập kết rác thải; Có ít nhất 1 bãi tập kết vật liệu xây dựng diện tích từ 1.000 m2 trở lên; Có ít nhất 2 bãi đỗ xe tĩnh từ 200 m2 /1 bãi; Có cảnh quan môi trường sạch đẹp và thực hiện việc phân loại rác thải...

Một trang trại nuôi gà lấy trứng. Ảnh: NNVN.

Một trang trại nuôi gà lấy trứng. Ảnh: NNVN.

Trăn trở với định hướng xây dựng NTM trong thời kỳ mới, tại buổi làm việc mới đây với đoàn làm việc của bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hà Nội, đại diện huyện Thanh Oai kiến nghị: Sớm ban hành bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu; Sớm hướng dẫn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất lúa và tích tụ đất đai; Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải đối với làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy.

Để có thể đáp ứng tiêu chí huyện lên quận vào giai đoạn 2025-2030, Thanh Oai đề nghị TP phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn năm 2021-2030 và quy hoạch vùng huyện giai đoạn năm 2021-2030, đảm bảo tỷ lệ 60% diện tích đất tự nhiên là đất phi nông nghiệp và 40% còn lại là đất nông nghiệp để có thể phát triển bền vững; Chỉ đạo các chủ đầu tư dự án nước sạch đã được TP phê duyệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đáp ứng cho nhu cầu của người dân trên địa bàn; Phân cấp cho huyện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Niềm vui thu hoạch trứng. Ảnh: NNVN.

Niềm vui thu hoạch trứng. Ảnh: NNVN.

Theo gợi ý của ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, muốn phát triển, huyện Thanh Oai cần phát huy hiệu quả trục quốc lộ 21B cũng như đường trục kinh tế phía Nam, đường vành đai 4 đi qua địa bàn để thúc đẩy khu vực đô thị; Còn vùng bãi sông Đáy nơi đất đai mầu mỡ, cần tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, dịch vụ hay phát triển những mô hình nông nghiệp hiện đại, quy mô, ứng dụng công nghệ cao.  

Về tiểu thủ  công ngiệp, với lợi thế có nhiều làng nghề, Thanh Oai cần đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp làng nghề gắn với việc đảm bảo môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ, tháo gỡ cho huyện về thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội nói chung và nông thôn mới nói riêng.

Còn Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thì lưu ý Thanh Oai về việc cần rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng NTM của huyện và các xã, trong đó, cần tiệm cận với các tiêu chí đô thị, phù hợp với định hướng phát triển thành quận sau này. Lưu ý đến tiêu chí môi trường, trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch, chăm sóc y tế, an sinh xã hội.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.