| Hotline: 0983.970.780

"Mổ xẻ" nợ công

Thứ Tư 11/06/2014 , 10:04 (GMT+7)

Ngày 10/6, QH tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, một lần nữa các vấn đề bức xúc như giá xăng, điện, gia tăng nợ công, gian lận thuế được các ĐBQH nêu tại hội trường…

* Đầu tư nông nghiệp, nông thôn cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách

Dân thiệt thòi với giá điện, xăng

Chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về việc quản lý giá điện, giá xăng, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng ngành điện, xăng vẫn còn độc quyền và có nhiều dấu hiệu lợi ích nhóm. Nội dung này QH đã chất vấn cả Bộ Công thương và Bộ Tài chính nhiều lần nhưng những lần trước đây cả hai Bộ đều đổ lỗi cho Nghị định 84 và hứa sẽ sửa.

Gần 3 năm qua Nghị định 84 vẫn chưa sửa xong, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn có cơ hội lũng đoạn thị trường, tạm nhập tái xuất để trốn thuế khiến nhân dân phải chịu thiệt, ngân sách nhà nước thất thu.

ĐB Nga đề nghị Bộ trưởng Dũng trả lời thẳng nội dung vi phạm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa nhà ở, biệt thự, bể bơi, sân tennis vào giá điện mà Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công thương để xử lý. Và vì sao lại giao việc định giá xăng dầu cho Bộ Công thương bởi đây là việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Trả lời những nội dung chất vấn của ĐB Nga, Bộ trưởng Dũng cho rằng trong vòng 1 năm trở lại đây việc điều hành giá xăng dầu khá tốt nhờ có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Giá được điều tiết thường xuyên nên tránh “đột biến”, không tạo sốc cho thị trường và giảm tác nhân gây lạm phát.

dung194645290
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nhìn số liệu, các ĐB thấy sốt ruột là đúng nhưng nợ công vẫn đảm bảo an toàn

“Quỹ bình ổn xăng dầu như cái van điều tiết, trong năm 2013 chúng ta sử dụng trên 10 lần cái van này và từ năm 2013 chúng tôi đã công khai hàng quý nguồn trích lập và chi theo số dư đầu kì và cuối kì trên trang web của Bộ Tài chính”, ông Dũng cho biết.

Việc sửa Nghị định 84, Bộ trưởng Dũng khẳng định là cần thiết và đang phối hợp với Bộ Công thương để thực hiện. Thời gian sửa Nghị định hơi lâu vì đây là lĩnh vực nhạy cảm nên cần phải cẩn thận. Ngày 3/6 vừa qua, Thủ tướng đã chủ trì việc sửa Nghị định và có kết luận nên chỉ sau khi lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ thì Nghị định sẽ sớm được ban hành. Khi Nghị định 84 sửa đổi được đưa vào thực hiện thì các thủ tục hành chính sẽ được rút ngắn, thời gian điều chỉnh giá cho xăng, dầu cũng rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 10 ngày…

Việc chuyển cho thẩm quyền định giá xăng dầu sang Bộ Công thương, Bộ trưởng Dũng cho rằng đây là hoạt động bình thường. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng tình hình kinh doanh xăng dầu đang được cải thiện vì thời gian qua Bộ Tài chính đã áp trần giá xăng dầu nhưng không doanh nghiệp nào bán với giá trần cho thấy đã xuất hiện yếu tố cạnh tranh trên thị trường.

Ở nội dung doanh nghiệp lợi dụng tạm nhập tái xuất xăng dầu để trốn thuế Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan, thuế phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý kiên quyết và đã có kết quả. “Hải quan đã bắt và chuyển khởi tố 2 vụ án trên vùng biển Nam Định và Thanh Hóa kinh doanh trái phép 3.500 tấn xăng dầu. Cơ quan công an đã khởi tố 18 bị can”, Bộ trưởng cho biết.

Đề xuất giải pháp hạn chế tình trạng gian lận thuế trong hoạt động tạm nhập, tái xuất Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị Quốc hội quy định trong luật quản lý thuế buộc các mặt hàng tạm nhập phải nộp thuế trước mới cho tạm nhập. Riêng câu hỏi chất vấn liên quan đến EVN, ông Dũng dường như có ý để lãnh đạo ngành Công thương trực tiếp trả lời.

Nợ công tăng, liệu có an toàn?

Đầu tư nông nghiệp, nông thôn cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2014 khoản chi đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiếm 41% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong 4 năm qua, tổng chi cho nông nghiệp, nông thôn hết khoảng 2 triệu tỉ đồng và mức tăng chi bình quân là 21%, cao hơn tốc độ thu của ngân sách nhà nước là 16,6%.
Căn cứ theo Nghị quyết QH mức chi ngân sách dành cho nông nghiệp, nông thôn 5 năm sau phải tăng gấp 2 lần thì chi ngân sách năm 2014 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2008 nên cơ bản đã đáp ứng được Nghị quyết QH.

Lo ngại về số liệu nợ công và chi ngân sách, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) thấy có sự mâu thuẫn khi nợ công liên tục gia tăng mà các khoản chi thường xuyên cũng gia tăng trong khi nguồn thu thì sụt giảm, vậy nhưng báo cáo tài chính vẫn cho rằng nợ công đang ở ngưỡng an toàn. “Vậy nợ công có thực sự an toàn không, giải pháp nào để đảm bảo nợ công an toàn?”, bà Công đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Dũng thừa nhận những năm gần đây có xu hướng tăng về nợ công tuy nhiên theo ông đánh giá về nợ công cần phải xét đến cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Tỷ lệ nợ công năm 2011 – 2013 tăng từ 50,1 đến 54,8% GDP.

Về cơ cấu nợ, có khoảng 50% là nợ vay ODA có thời hạn 15 năm, còn lại là trái phiếu Chính phủ và các khoản vay khác. Và các khoản nợ trái phiếu mới là đối tượng phải bàn bởi có tới 30% khoản nợ này sẽ phải trả trong vòng 1-3 năm.

Bộ trưởng Dũng cho rằng đây là vấn đề hệ trọng và cần phải có giải pháp cơ cấu lại nợ công. Tất nhiên, để cơ cấu lại nợ thì Chính phủ sẽ phải vay để đảo nợ, dự kiến khoản vay này từ nay cho đến 2018 sẽ ở mức 20-21% GDP và điều quan trọng là phải tìm được nguồn vốn huy động.

Giải thích kĩ hơn trước QH về việc nội dung vay đảo nợ, Bộ trưởng Dũng cho rằng việc vay đảo nợ không làm gia tăng gánh nặng nợ công. “Các ĐBQH nhìn số liệu thì thấy sốt ruột là đúng thôi nhưng vay đảo nợ thì không phát sinh thêm nghĩa vụ nợ nên nợ công vẫn ở trong ngưỡng an toàn, không phải lo ngại”, Bộ trưởng trấn an.

Cùng một mối quan tâm về khả năng thu ngân sách nhà nước, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) và ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) băn khoăn về tình trạng nợ đọng thuế trong thời gian gần đây và vì sao hàng năm Chính phủ đều đưa ra những giải pháp để chống thất thu thuế nhưng chưa hiệu quả?

Bộ trưởng khẳng định, thời gian qua đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng nguồn thu cho ngân sách. Năm 2013, dự kiến thu ngân sách hụt 63 ngàn tỉ nhưng cuối năm lại vượt thu 0,7% là vì Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra thuế nên đã ra quyết định thu thêm được 13.600 tỉ và cuối năm thực thu được 9.000 tỉ.

“Việc thanh tra hoàn thuế VAT cũng khiến các doanh nghiệp giảm tối đa hoạt động hoàn thuế. Riêng các tỉnh Tây Nguyên mỗi tháng giảm 90 tỉ đồng hoàn thuế, các tỉnh Tây Nam bộ giảm trên 100 tỉ đồng/tháng nên cũng tăng thu được 7.700 tỉ”, ông Dũng cho biết. Cũng trong công tác thanh tra thuế, cơ quan thuế đã chuyển 50 hồ sơ sang cơ quan CSĐT và CA đã khởi tố 17 vụ án bắt trên 20 đối tượng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Nhà thầu Trung Quốc rút vốn sẽ có nhà thầu khác thay thế

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH về các dự án giao thông có các nhà thầu TQ tham gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết chưa có thông tin chính thức về việc TQ cấm DN đấu thầu mới dự án vào VN.

Cũng theo Bộ trưởng Thăng thì việc này chẳng ảnh hưởng đến các dự án giao thông của VN. Thực tế số lượng nhà thầu TQ trúng thầu các dự án giao thông không phải là nhiều vì hiện chỉ có 9 nhà thầu Trung Quốc với 17 gói thầu, tổng cộng 30.000 tỉ đồng trong đó có dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là vay vốn của TQ và cũng do nhà thầu TQ thực hiện.

Trong trường hợp các nhà thầu TQ rút khỏi VN thì sẽ có rất nhiều nhà thầu trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc sẵn sàng đảm nhiệm. Vốn đầu tư cho giao thông hiện tại có rất nhiều nguồn trong đó vốn ODA lớn nhất là của Nhật Bản, tiếp đến là Hàn Quốc còn vốn Trung Quốc chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: Chưa tính bể bơi, biệt thự vào giá điện

Về kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với 6 dự án điện của EVN trong đó chỉ có duy nhất nhà máy điện Ô Môn có xây bể bơi, biệt thự vì sử dụng vốn vay ưu đãi và địa điểm ở xa TP Cần Thơ nên phải xây để phục vụ các chuyên gia. Khoản đầu tư này chưa tính vào giá thành điện.

Cũng trong 6 dự án trên, riêng Dự án điện Phú Mỹ 1 có xây nhà ở cho công nhân, từ rất lâu rồi có tính vào giá thành điện. Còn lại các dự án khác có xây nhà cho công nhân ở nhưng chưa tính vào giá thành điện.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm