| Hotline: 0983.970.780

Mối lo chất lượng nguồn nhân lực khoa học

Thứ Tư 28/07/2021 , 06:30 (GMT+7)

Cơ chế xét tuyển khiến đầu vào của các trường nông nghiệp rất thấp, hầu như không thu hút được người có học lực giỏi. Đầu vào thấp tất yếu dẫn đến đầu ra thấp...

Mặc dù các viện nghiên cứu khoa học về nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, nhưng nhìn chung đội ngũ cán bộ khoa học còn mỏng, đặc biệt là cán bộ khoa học đầu đàn (giáo sư, phó giáo sư).

Cơ sở vật chất còn yếu, các thiết bị nghiên cứu hiện đại, tính đồng bộ còn thiếu. Điều này cho thấy cần phải tăng cường tiềm lực khoa học cho các viện trong những năm tới.

Vắng bóng nhà khoa học đầu đàn

Trong những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, các viện nghiên cứu về nông nghiệp có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư khá đông đảo và nổi tiếng. Hầu hết giảng viên, sinh viên, cán bộ nghiên cứu của các viện, trường nông nghiệp đều biết danh tiếng của họ.

Viện Thú y, Viện Chăn nuôi... từng là cái nôi đào tạo tiến sỹ ngành nông nghiệp cho cả nước. Ảnh: Lê Bền.

Viện Thú y, Viện Chăn nuôi... từng là cái nôi đào tạo tiến sỹ ngành nông nghiệp cho cả nước. Ảnh: Lê Bền.

Các viện không chỉ là cơ sở nghiên cứu khoa học mà còn là cơ sở đào tạo. Các viện như Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp, Viện Chăn Nuôi, Viện Thú y là những cái nôi đào tạo tiến sỹ trong nước. Hàng trăm tiến sỹ đã tốt nghiệp từ các viện này và đã trở thành các nhà khoa học, các nhà quản lý có uy tín của các trường, viện và địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư của các viện ngày một thưa dần, mỗi viện chỉ có vài người. Điều này ảnh hưởng tới vị thế của các viện trong việc đứng ra chủ trì các đề tài liên ngành cấp quốc gia, các đề tài quốc tế cũng như xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh và đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao.

Hai trở ngại lớn nhất đối với các ứng viên giáo sư, phó giáo sư thuộc các viện là số giờ giảng dạy đại học trực tiếp trên lớp hàng năm và số bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín theo quy định của Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Khó khăn thứ nhất có thể giải quyết bằng cách: Bộ NN-PTNT có thể ra một văn bản quy định về giảng dạy của cán bộ nghiên cứu thuộc các viện có trình độ tiến sỹ, có chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với các trường đại học thuộc Bộ quản lý (giải quyết khó khăn thứ hai sẽ được đề cập sau).

Đầu tư thiết bị nghiên cứu dàn trải, thiếu đồng bộ

Những năm vừa qua, kinh tế nước ta phát triển ổn định và đã có “bát ăn bát để”. Nhờ đó, các viện nghiên cứu cũng đã được nhà nước đầu tư mua sắm một số thiết bị nghiên cứu tương đối hiện đại. Tuy nhiên, đầu tư dàn trải, chưa đến ngưỡng, sử dụng hiệu quả thấp.

Đầu tư trang thiết bị nghiên cứu dàn trải, thiếu đồng bộ khiến việc sử dụng kém hiệu quả, lãng phí. Ảnh: Lê Bền.

Đầu tư trang thiết bị nghiên cứu dàn trải, thiếu đồng bộ khiến việc sử dụng kém hiệu quả, lãng phí. Ảnh: Lê Bền.

Dàn trải, hiệu quả thấp thể hiện ở chỗ một loại thiết bị được nhiều viện cùng mua, trong khi đó thiết bị này được mỗi viện sử dụng không nhiều, sau 5 - 10 năm thì nó trở thành "đống sắt vụn". Chưa đầu tư được những thiết bị nghiên cứu hiện đại nhất và đồng bộ. Do đó không thể nghiên cứu sâu, không có những phát hiện mang tầm cỡ quốc tế.

Bên cạnh đó, việc đầu tư còn ít quan tâm đến đào tạo kỹ thuật viên sử dụng thiết bị, dẫn đến không khai thác hết tính năng, tác dụng của thiết bị hoặc làm hỏng thiết bị trước thời hạn sử dụng.

Giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề này là cả nước cần có 1 - 2 cơ sở nghiên cứu được đầu tư các thiết bị nghiên cứu về nông nghiệp thuộc loại hiện đại nhất và đồng bộ. Kỹ thuật viên sử dụng thiết bị được đào tạo không chỉ bởi nhà cung cấp thiết bị mà còn được gửi đi thực tập nghề nghiệp ở nước ngoài về việc sử dụng thiết bị đó.

Cơ sở nghiên cứu nói trên có năng lực nghiên cứu tương đương với các cơ sở nghiên cứu hiện đại trên thế giới và kết quả nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế. Các viện nghiên cứu về nông nghiệp trong cả nước có thể gửi mẫu nghiên cứu đến cơ sở này hoặc hợp tác cùng nghiên cứu. Như vậy, thiết bị mới được sử dụng có hiệu quả và hết công suất.

GS.TS Từ Quang Hiển cho rằng, cần có 1 - 2 cơ sở nghiên cứu được đầu tư các thiết bị nghiên cứu về nông nghiệp thuộc loại hiện đại nhất và đồng bộ. Ảnh: TL.

GS.TS Từ Quang Hiển cho rằng, cần có 1 - 2 cơ sở nghiên cứu được đầu tư các thiết bị nghiên cứu về nông nghiệp thuộc loại hiện đại nhất và đồng bộ. Ảnh: TL.

Việc đầu tư thiết bị nghiên cứu cho các viện cần được cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ nên đầu tư các thiết bị chuyên dụng phục vụ cho nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ và không có sự trùng lặp giữa các viện, bảo đảm thiết bị được sử dụng hết công suất.

Các thiết bị này chỉ được nhà nước đầu tư một lần. Trong quá trình hoạt động phục vụ các đề tài, viện phải thu đủ tiền để sửa chữa và tái trang bị khi thiết bị hết hạn sử dụng. Bộ NN-PTNT nên có một danh mục các thiết bị nghiên cứu đắt tiền kèm theo tính năng tác dụng của chúng và cung cấp cho các viện thuộc Bộ. Trên cơ sở đó, các viện liên hệ với nhau để sử dụng hết công suất thiết bị, mặt khác Bộ cũng tránh được đầu tư trùng lặp.

Tăng cường thiết bị nghiên cứu sẽ đạt được hai mục đích: Vừa giúp nghiên cứu sâu, vừa giúp ứng viên giáo sư, phó giáo sư thuộc các viện có công trình hoa học chất lượng cao, đăng được trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Đây cũng chính là hướng giải quyết khó khăn thứ hai của ứng viên giáo sư, phó giáo sư thuộc các viên nghiên cứu nông nghiệp ở nước ta.

Các trường đại học nông nghiệp có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đông đảo hơn các viện nhưng cũng thưa dần, không còn hùng hậu như trước đây.

Thiết bị nghiên cứu cũng nằm trong tình trạng như các viện. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở đại học có đào tạo về nông nghiệp đều nằm ngoài Bộ NN-PTNT, vì vậy vấn đề trên chỉ đề cập tới các viện mà không đề cập tới các trường đại học nông nghiệp.

 Nguy cơ cạn kiệt nguồn lực cán bộ kỹ thuật 

Trước đây, số lượng các trường đại học và ngành nghề đào tạo đại học còn ít. Thi đỗ bất kỳ trường đại học nào, ngành nghề đào tạo nào cũng là niềm vinh dự của gia đình, dòng họ và địa phương. Bởi vậy, các trường đại học nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) luôn tuyển đủ hoặc vượt chỉ tiêu hàng năm.

Một ngày hội việc làm của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Bền.

Một ngày hội việc làm của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Bền.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do có nhiều trường đại học, nhiều ngành nghề đào tạo nên khả năng thu hút người học của các trường nông nghiệp rất thấp. Trong 3 năm vừa qua, các cơ sở giáo dục đại học thuộc lĩnh vực này chỉ tuyển sinh được từ 35-38% chỉ tiêu.

Điều này dẫn tới nguồn lực cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học về lĩnh vực nông nghiệp sẽ giảm rất nhanh từ nay trở đi. Một số ngành đã và sẽ không tuyển được sinh viên nhưng rất quan trọng, cần thiết và có nhu cầu tuyển dụng như lâm nghiệp, trồng trọt...

Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho những ngành cần thiết nhưng không hấp dẫn, tương tự như chính sách hỗ trợ học phí cho người học ngành sư phạm.

Hiện nay, đang có nhiều vấn đề mới trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, như: Du lịch nông thôn. logistic trong nông nghiệp, công nghệ số trong NN-PTNT, ngành nghề mới trong nông thôn... Bởi vậy, Bộ NN-PTNT cần có định hướng hay chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực cũng như tập trung cho nghiên cứu về các vấn đề này.

Bộ NN-PTNT sử dụng nguồn lực đào tạo từ trên 30 cơ sở đại học có đào tạo về nông lâm thủy sản. Tuy nhiên hiện nay, Bộ chỉ quản lý trực tiếp 4 trường đại học, các cơ sở đại học khác nằm ngoài Bộ nên ít nhận được sự quan tâm của Bộ.

Để có thêm sức mạnh trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, thiết nghĩ Bộ NN-PTNT nên thiết lập hiệp hội các cơ sở giáo dục đại học về nông lâm thủy sản (không nhất thiết phải ở trong Bộ NN-PTNT) để triển khai nhanh và hiệu quả các nghị quyết, chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn của Đảng và Nhà nước.

Việc tuyển chọn cán bộ nghiên cứu của các viện đối diện với nhiều vấn đề lớn, mà nguyên nhân bắt nguồn từ khâu đầu vào ở các trường về nông nghiệp. Ảnh: TL.

Việc tuyển chọn cán bộ nghiên cứu của các viện đối diện với nhiều vấn đề lớn, mà nguyên nhân bắt nguồn từ khâu đầu vào ở các trường về nông nghiệp. Ảnh: TL.

Bên cạnh xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, việc xây dựng đội ngũ nghiên cứu viên cũng cần được quan tâm. Hiện nay, việc tuyển chọn cán bộ nghiên cứu của các viện đối diện với nhiều vấn đề lớn.

Một là lương và thu nhập khác của cán bộ nghiên cứu ở các viện thấp hơn so với các khu vực khác, do đó việc tuyển sinh viên tốt nghiệp, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi vào làm việc ở viện gặp khó khăn.

Hai là những năm gần đây, các trường nông nghiệp hầu như không thu hút được người học có học lực giỏi. Bên cạnh đó là cơ chế xét tuyển khiến cho đầu vào của các trường nông nghiệp (kể cả trường hàng đầu) rất thấp.

Đầu vào thấp tất yếu dẫn đến đầu ra thấp, hệ quả là các viện khó có thể tuyển chọn được nghiên cứu viên có năng lực chuyên môn như trước đây.

Giải quyết vấn đề này rất nan giải, trừ phi nhà nước, các viện có chính sách thích hợp, đủ sức thu hút các sinh viên ưu tú (đức và tài) vào học các trường nông nghiệp và sau khi tốt nghiệp về công tác ở các viện.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Tân Lạc thu hoạch trên 1.000 tấn quýt Vân Sơn

HÒA BÌNH Mùa vụ này các nhà nông Mường Bi lại được mùa quýt Vân Sơn, sản lượng cho thu hoạch ước trên 1.000 tấn quả, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.