| Hotline: 0983.970.780

Góp ý đổi mới nghiên cứu khoa học nông nghiệp: Xóa bỏ 'luật bất thành văn'

Thứ Ba 13/07/2021 , 05:35 (GMT+7)

Chắc chắn một điều rằng, khoa học và công nghệ nước nhà chưa đáp ứng được mong mỏi của các nhà lãnh đạo quốc gia, của nền kinh tế đất nước.

TS Trần Thị Dung, nguyên chuyên viên chính Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Thủy sản, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển Thủy sản - Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, hiện đang là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, gửi góp ý đổi mới nghiên cứu khoa học công nghệ tới báo NNVN.

Có rất nhiều nguyên nhân, tôi chỉ xin đóng góp ý kiến về những vấn đề tôi đã gặp phải trong quá trình hoạt động khoa học công nghệ.

TS Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam. Ảnh: DĐT.

TS Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam. Ảnh: DĐT.

Khoa học công nghệ của ngành cần phải phục vụ cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh của các ngành sản xuất, các doanh nghiệp, nhưng hiện tại việc thông tin đến các doanh nghiệp, thông qua các hiệp hội ngành hàng khi Bộ yêu cầu đề xuất đề tài, dự án hoàn toàn chưa có. Cụ thể, khi Bộ xây dựng kế hoạch khoa học công nghệ (KHCN) hàng năm đều không có văn bản gửi các hiệp hội ngành hàng để các hiệp hội biết mà đề xuất nhiệm vụ cho trúng với các vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi.

Hiện tại, do cơ chế còn nhiều vướng mắc, nhiều người có năng lực bỏ các cơ quan nhà nước để đi làm cho doanh nghiệp tư nhân hoặc tổ chức nước ngoài. Tại sao chúng ta không tự đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi: Lý do gì các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ không cần nhiều thủ tục, giấy tờ như nền tài chính, kế hoạch hiện nay của các bộ, ngành, mà họ lại có các kết quả tốt, vận hành vẫn trơn tru?

Với cơ chế hiện nay đã làm thất thoát lớn kinh phí nghiên cứu KHCN, rất lãng phí mà còn làm khổ tâm các nhà khoa học nữa, làm tổn thương lòng tự trọng và nhân cách nhà khoa học.

TS Trần Thị Dung kiến nghị Xóa bỏ những 'luật bất thành văn' trong nghiên cứu khoa học công nghệ. Ảnh: DĐT.

TS Trần Thị Dung kiến nghị Xóa bỏ những “luật bất thành văn” trong nghiên cứu khoa học công nghệ. Ảnh: DĐT.

Tôi xin có mấy kiến nghị về xây dựng cơ chế, thủ tục xét duyệt kế hoạch, nghiệm thu nhiệm vụ, đề tài, dự án sao cho:

Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các nhà khoa học đặt đầu bài. Thành lập hội đồng gồm đại diện cho hiệp hội ngành nghề, chuyên gia theo lĩnh vực tương ứng, nhà quản lý để xét duyệt nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên của từng năm và của kỳ kế hoạch.

Thông báo tuyển chọn cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài dự án (đấu thầu theo quy định), xóa bỏ “luật bất thành văn” là chỉ có viện, trường thuộc Bộ mới được tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ, đề tài/dự án từ nguồn kinh phí ngân sách thuộc Bộ, mà phải căn cứ vào năng lực của cơ quan chủ trì, chủ nhiệm và nhóm chuyên gia thực hiện.

Thành lập các hội đồng chuyên môn thẩm định nội dung, kinh phí đề tài. Bộ Tài chính cùng các Bộ chuyên ngành xây dựng định mức chi cho phù hợp. Khi xét duyệt đề tài, Vụ KHCN căn cứ nội dung nhiệm vụ và định mức chi để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt (trao quyền cho Vụ KHCN, đồng thời cũng giao trách nhiệm cho Vụ KHCN về việc duyệt chi đúng quy định), Vụ Tài chính sẽ là đơn vị giúp việc cho lãnh đạo Bộ kiểm tra sự tuân thủ của Vụ KHCN trong duyệt chi nhiệm vụ, đề tài, dự án. Khi đó, cơ quan quản lý KHCN sẽ thực hiện khoán chi đầu việc theo hợp đồng.

Khi nộp sản phẩm để nghiệm thu: các nhà khoa học sẽ cung cấp kết quả nghiên cứu KHCN theo các dạng sản phẩm, báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng kết, bài báo, đào tào sinh viên, thạc sỹ, tiến sỹ, kỹ thuật viên, công nhân…

"Là một người có thâm niên trên 20 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học tôi đã quá mệt mỏi vì thủ tục hành chính của hệ thống quản lý. Điều này đã làm giảm ham muốn làm khoa học của tôi và của rất nhiều người làm khoa học khác", TS Trần Thị Dung.

Về chứng từ đề tài, khi mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ, đề tài, dự án có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì chủ nhiệm đề tài mới cần có giấy báo giá/hoặc thay bằng việc đưa thông tin các hãng chào bán trên mạng để hội đồng xét duyệt giá bán, sau đó chỉ cần có hợp đồng mua bán hai bên và hóa đơn GTGT là đủ.

TS Trần Thị Dung kiến nghị tới lãnh đạo Bộ NN-PTNT mong muốn, tâm sự của bà con làm nghề nước mắm truyền thống. Ảnh: DĐT.

TS Trần Thị Dung kiến nghị tới lãnh đạo Bộ NN-PTNT mong muốn, tâm sự của bà con làm nghề nước mắm truyền thống. Ảnh: DĐT.

Chi phí đi lại, ăn ở, điều tra, hội nghị, hội thảo, tập huấn, phân tích mẫu được khoán theo định mức Bộ Tài chính quy định. Còn lại các khoản chi khác hội đồng khoa học và các cán bộ Vụ KHCN, Vụ Tài chính xem xét duyệt chi ngay khi xét tuyển chọn chủ nhiệm và cơ quan chủ trì đề tài. Không để chủ nhiệm đề tài phải làm việc với Vụ Tài chính.

Khi kết thúc nhiệm vụ, đề tài, dự án chủ nhiệm đề tài chỉ nộp chứng từ mua sắm có giá trị 100 triệu đồng trở lên, các sản phẩm đã được Hội đồng KHCN nghiệm thu và biên bản nghiệm thu có xác nhận của hội đồng.

Thanh tra Bộ và Vụ Tài chính sẽ là các đơn vị có quyền thanh tra, kiểm tra Vụ KHCN nếu đề tài, nhiệm vụ, dự án được xét duyệt kinh phí và nghiệm thu hợp đồng không phù hợp với các quy định thì tham mưu cho lãnh đạo Bộ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo, chuyên viên phụ trách, thành viên hội đồng nghiệm thu.

Nếu chủ nhiệm và cơ quan chủ trì nhiệm vụ, đề tài, dự án không thực hiện đúng theo hợp đồng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn kinh phí đề tài + phạt hợp đồng bằng lãi suất vay ngân hàng ở thời điểm thực hiện, và có thể xem xét các hình phạt bổ sung như không cho làm chủ nhiệm vụ, đề tài/dự án trong 5 năm hoặc vĩnh viễn tùy theo mức độ làm thiệt hại cho kinh phí khoa học của nhà nước.

Nếu các Bộ có thể làm được cơ chế như trên, trách nhiệm của những người quản lý KHCN, nghiên cứu KHCN sẽ được nâng lên. Các nhà khoa học sẽ không tốn công sức và chất xám cho việc lo cơm áo gạo tiền, cho việc đi hợp pháp hóa chứng từ thanh toán, không phải qua nhiều “cửa” của cơ quan quản lý nhà nước, họ sẽ tập trung vào chuyên môn để góp cho Ngành, cho xã hội những kết quả KHCN tốt nhất.

Ý kiến Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam

Với tư cách là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký của Hiệp hội Vước mắm truyền thống Việt Nam, tôi muốn gửi tới lãnh đạo Bộ NN-PTNT mong muốn, tâm sự của bà con làm nghề nước mắm truyền thống như sau:

Sau 3 năm được Bộ NN-PTNT cho phép thành lập Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam - nơi tập hợp của 130 hội viên là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống - bộ máy của Hiệp hội đã được thành lập và hoàn thiện tổ chức vào đầu năm 2021.

Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đến đời sống của bà con nông ngư dân như một trách nhiệm phải quan tâm thấu đáo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Hiệp hội sẽ đứng ra xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật cho nước mắm truyền thống để các Bộ có liên quan xem xét và công bố.

Do công nghệ truyền thống sản xuất nước mắm các vùng miền cho ra các dòng nước mắm có hương vị đặc trưng khác nhau và đa số nước mắm các vùng miền đều có hàm lượng histamin cao, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn nước mắm mà Ủy ban Codex Việt Nam tham gia xây dựng tiêu chuẩn Codex stan 302-2011. Fishsauce. Tiêu chuẩn này chỉ đúng với nước mắm pha loãng 2 - 3 lần từ nước mắm truyền thống và bổ sung thêm hàng chục loại phụ gia các loại, nên hàm lượng histamin trong nước mắm mà Thái Lan làm căn cứ xây dựng mức giới hạn histamin trong nước mắm của tiêu chuẩn Codex-stan 302-2011 chỉ phù hợp với nước mắm Thái Lan và các loại nước mắm giá trị thấp (400 mg/kg), còn nước mắm truyền thống Việt Nam hàm lượng này trung bình cao gấp 1,5 - 2 lần. Đây chính là rào cản kỹ thuật ta đã tự tạo ra để ngăn cho nước mắm ngon của Việt Nam không có cơ hội xuất khẩu ra thị trường các nước có đông người châu Á sinh sống.

Đây chính là vấn đề Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam rất mong muốn Bộ NN-PTNT cho phép thực hiện đề tài “Đánh giá rủi ro cho histamin trong nước mắm truyền thống” để xác định chính xác mức giới hạn hàm lượng histamin cho phép có trong nước mắm truyền thống để mở đường cho nước mắm truyền thống được đàng hoàng đi ra nước ngoài, cũng như khẳng định nước mắm truyền thống thực sự an toàn cho người tiêu dùng (thực tế hàng trăm năm người Việt tiêu dùng nước mắm đã chứng minh điều này), dù hàm lượng histamin cao như trong thực tế đang có.

Việc này cần được thực hiện càng nhanh càng tốt, cùng với việc xây dựng và ban hành tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cho nước mắm truyền thống như các lãnh đạo các Bộ có liên quan đã hứa với bà con làm nghề mắm truyền thống cả nước.

TS Trần Thị Dung

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Phấn đấu đạt tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng trên 70%

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Từ 25/11, các địa phương trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giám sát dịch bệnh thông qua việc lấy mẫu để kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đợt 2/2024.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.