Ca cao xuất sắc
Hạt ca cao của Trung Quốc đã được chọn trong số 50 sản phẩm dự thi chất lượng tốt nhất trong cuộc thi Ca cao xuất sắc năm 2021 của Bioversity International và sẽ tranh giải thưởng danh dự trong Giải thưởng Ca cao Quốc tế năm nay tại Salon du Chocolat vào cuối tháng này ở thủ đô Paris, Pháp.
Bằng cách tham gia vào cuộc thi Ca cao Xuất sắc, Trung Quốc đang chứng tỏ mình là thành viên chân chính của liên minh các nước sản xuất ca cao.
Châu Á có một lợi thế khác so với Tây Phi khi phần lớn (80%) doanh thu từ thị trường ca cao trị giá 150 tỉ USD của thế giới được tạo ra ở công đoạn chế biến thứ cấp (sản xuất bột ca cao), vốn do người châu Âu và châu Á thống trị.
Người Trung Quốc có thể thâm nhập thị trường này và cạnh tranh, nếu không muốn nói là lũng đoạn thị trường, nhờ vào danh tiếng của họ về nghiên cứu và phát triển, và việc triển khai nhanh chóng công nghệ giúp hạ giá thành sản phẩm.
Sự trỗi dậy của ngành ca cao châu Á
Thông tin về việc cuộc thi Ca cao xuất sắc năm 2021 của Bioversity International công nhận lô hạt ca cao nhỏ của Trung Quốc được coi là một chỉ số khác cho thấy sự trỗi dậy của ngành ca cao châu Á.
Lô hàng đầu tiên nặng 500kg, trị giá khoảng 3.600 USD được chuyển đến Bỉ (nước nhập khẩu hạt ca cao lớn thứ ba) vào tháng 10/2020. Làm một phép so sánh nhỏ; Bờ Biển Ngà và Ghana, chiếm 61,8% tổng sản lượng toàn cầu, có sản lượng ca cao lần lượt là 2.074 tấn và 770 tấn trong niên vụ năm 2019/20; còn lô hàng đầu tiên của Trung Quốc chỉ chiếm 0,01% trong tổng sản lượng 4.600 tấn hạt ca cao toàn cầu.
Ca cao của Trung Quốc được trồng ở thị trấn nhiệt đới Xinlong, thuộc tỉnh đảo Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. Đây là khu rừng mưa nhiệt đới duy nhất của Trung Quốc và là vị trí trồng ca cao gần phía bắc nhất trên toàn cầu.
Người phát ngôn của Viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc cho biết: "Ca cao là nguyên liệu để làm sô cô la. Với nhu cầu ngày càng cao về sô cô la, Hải Nam đã và đang mở rộng diện tích trồng ca cao và tạo ra những bước đột phá trong phát triển công nghệ".
Hiện nay vùng trồng ca cao của Trung Quốc tương đối nhỏ vì rừng mưa nhiệt đới chỉ chiếm một phần diện tích của đảo Hải Nam với khoảng 35.354 km2. Trong khi đó, các khu rừng mưa nhiệt đới của Bờ Biển Nga và Ghana có diện tích ước tính lần lượt là 212.000 km2 và 91.700 km2, theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).
Cây ca cao đòi hỏi nhiệt độ cao, lượng mưa, độ ẩm và hàng triệu héc-ta đất canh tác để phát triển - những điều kiện rất phong phú ở khu vực Tây và Trung Phi. Do đó, xem xét về địa lý cho thấy quy mô sản lượng ca cao của Trung Quốc bị hạn chế, và khó có khả năng tăng đáng kể sản lượng. Nhưng như vậy không có nghĩa là quốc gia này không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất ca cao châu Phi.
Sản phẩm trong thị trường ngách
Mặc dù những hạn chế về địa lý khiến Trung Quốc không thể sớm cạnh tranh với các gã khổng lồ xuất khẩu ca cao của châu Phi, nhưng sự quyết tâm của chính quyền Trung Quốc trong việc áp dụng công nghệ để thúc đẩy sản lượng ca cao gây ra mối lo ngại đối với một số quốc gia sản xuất quy mô lớn.
Flifi Boafo, Giám đốc Đối ngoại của Công ty COCOBOD của Ghana nói với Citi Business News: "Đó là mối lo ngại khi nhìn chung thị trường ca cao đã bão hòa và mức tiêu thụ dường như không tăng nhanh bằng sản xuất ca cao. Bởi vậy bất kỳ sự bổ sung mới nào về mặt sản xuất đều là vấn đề đáng quan tâm. Sản xuất nhiều hơn mà không có nhu cầu tiêu thụ tương xứng sẽ buộc giá ca cao hạ xuống".
Giá ca cao được dự báo sẽ giảm 4,3% vào năm 2021, xuống mức trung bình 2.286 USD/tấn, do nhu cầu toàn cầu khó có thể quay trở lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và những thay đổi trong các ưu tiên về sức khỏe của người tiêu dùng trong thời gian phong tỏa.
Chất lượng của ca cao cũng quyết định sức hấp dẫn của sản phẩm trên thị trường toàn cầu. Điều này có nghĩa là nếu giống ca cao của Trung Quốc có chất lượng vượt trội, sản phẩm này có thể dựa vào đó như một lợi thế cạnh tranh và chiếm thị phần (mặc dù ít hơn đáng kể) từ các đối thủ khác.
Cùng với Trung Quốc, Đài Loan và Úc cũng đã bắt đầu trồng ca cao. Ở Đài Loan, ca cao được trồng ở Pingtung, thành phố cực nam và là nơi trước đây trồng cau. Từ đầu những năm 2000, nông dân Đài Loan thay thế cau bằng ca cao và hiện sản xuất khoảng 4.000 tấn quả ca cao, hoặc tương đương 250 tấn hạt khô, tăng gấp đôi sản lượng chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm.
Tại Úc, sản xuất ca cao tập trung ở Queensland dọc theo bờ biển nhiệt đới ẩm ướt từ vùng Daintree đến phía nam Tully.
Ca cao Trung Quốc
Theo báo cáo, Trung Quốc đã trồng giống ca cao mới đầu tiên và được cấp bằng sáng chế của họ có tên là Reyin 4. Các giống ca cao khác có tên mã, chẳng hạn như ZYP6 – 8, Xiangke 1, được phát triển và đánh giá bởi các tổ chức quốc tế. Theo đó, tất cả đều được coi là có chất lượng cao với hương vị độc đáo.