| Hotline: 0983.970.780

Mỗi năm buộc tái xuất nhiều lô thực phẩm đông lạnh nhập khẩu

Thứ Sáu 22/09/2017 , 08:15 (GMT+7)

 Hàng năm, nước ta vẫn đang phải NK động vật, sản phẩm động vật với số lượng, khối lượng khá lớn. Làm sao để kiểm soát chặt chẽ các lô hàng đông lạnh NK? PV Báo NNVN đã trao đổi với ông Bạch Đức Lữu, GĐ Cơ quan Thú y vùng 6 (Cục Thú y) quanh vấn đề này.

Có thể nói, địa bàn quản lý của Cơ quan Thú y vùng 6 là khu vực NK động vật, sản phẩm động vật nhiều nhất cả nước. Theo ông Bạch Đức Lữu, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn do cơ quan quản lý, các DN đã NK 34.000 tấn đùi gà, 2.000 tấn gà nguyên con, 3.500 tấn cánh gà, 6.000 tấn thịt bò …

16-22-08_bch_duc_luu
Ông Bạch Đức Lữu

Về động vật sống, các DN đã NK 39.000 con bò sống thương phẩm, 2.187 con bò giống, 5.748.000 con vịt giống, 1.030.216 con gà giống (gà 1 ngày tuổi) … Ngoài ra, các DN còn NK 250.000 tấn sản phẩm động vật (bột thịt xương, bột gia cầm, bột lông vũ, bột huyết …) dùng làm TĂCN …

Thưa ông, với số lượng động vật, sản phẩm động vật NK lớn như trên, công tác kiểm dịch, kiểm tra ATTP được thực hiện như thế nào để mọi lô hàng được thông quan đều đảm bảo an toàn dịch bệnh, ATTP?

Để việc kiểm dịch, kiểm tra từng lô hàng được chặt chẽ, thì luôn phải tuân thủ đúng theo các quy định về kiểm dịch, kiểm tra động vật, sản phẩm động vật NK.

Chẳng hạn, khi DN muốn NK một mặt hàng sản phẩm chăn nuôi từ một công ty thuộc một quốc gia nào đó, họ phải đăng ký hướng dẫn thủ tục kiểm dịch với Cục Thú y. Cục Thú y sẽ xem xét xem quốc gia đó đã có thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam về việc được phép XK sản phẩm động vật sang Việt Nam hay không; công ty đó có nằm trong danh sách các DN được phép XK thực phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn vào Việt Nam mà NAFIQAD đã công bố hay không.

Bên cạnh đó, Cục Thú y còn xem xét tình hình thực tiễn dịch tễ, dịch bệnh trên thế giới và những khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Nếu tình dịch tễ đang ổn định, quốc gia XK đã có thỏa thuận cấp Chính phủ với Việt Nam, nhà máy XK đã được NAFIQAD công nhận, Cục Thú y sẽ hướng dẫn thủ tục kiểm dịch cho DN.

Khi hàng về đến cửa khẩu, DN phải đăng ký kiểm dịch với cơ quan thú y cửa khẩu. Cơ quan thú y cửa khẩu sẽ thực hiện việc kiểm tra hồ sơ (hướng dẫn thủ tục kiểm dịch của Cục Thú y, giấy chứng nhận kiểm dịch do Cơ quan thú y của nước XK cấp …). Nếu hồ sơ đã đầy đủ, cán bộ kiểm dịch sẽ ra cảng kiểm tra thực trạng hàng hóa.

Kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm, mã nhà máy ghi trên bao bì sản phẩm có đúng với mã trên giấy chứng nhận kiểm dịch mà cơ quan thú y nước XK cấp, mã trên giấy hướng dẫn của Cục Thú y, và mã mà NAFIQAD đã công bố hay không ... Nếu đúng mới làm thủ tục tiếp theo, nếu không sẽ lập biên bản xử lý.

Khi kiểm tra tất cả các thông số thấy đều khớp hết, cơ quan thú y cửa khẩu mới tiến hành lấy mẫu kiểm tra. Nếu các chỉ tiêu kiểm dịch đều đạt thì cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Giấy chứng nhận kiểm dịch là để thông quan, lấy hàng ra khỏi cảng.

Lúc đó hàng mới được đưa về kho. Hàng về kho nào đặt tại tỉnh nào, cơ quan kiểm dịch cửa khẩu sẽ thông báo cho Chi cục Thú y của tỉnh đó. Khi ấy, lô hàng sẽ thuộc trách nhiệm giám sát của thú y địa phương.

Việc NK động vật sống, kiểm dịch thú y có gì khác không?

Động vật sống được NK về Việt Nam thì cũng phải có thỏa thuận cấp Chính phủ. DN nào muốn NK động vật từ 1 vùng của 1 quốc gia nào đó đã được phép XK động vật sống sang Việt Nam, cũng phải làm văn bản đề nghị Cục Thú y hướng dẫn về thủ tục kiểm dịch.

Nếu trong thời điểm đó, OIE vẫn công nhận vùng đó an toàn dịch bệnh thì Cục Thú y sẽ có văn bản trả lời đồng ý và hướng dẫn DN làm thủ tục kiểm dịch. Nhưng đây chỉ mới là đồng ý trên nguyên tắc để DN ký hợp đồng NK. Bởi Cục Thú y còn phải chỉ đạo Cơ quan Thú y vùng (mà động vật sống sẽ NK về) kiểm tra nơi nuôi cách ly động vật NK của DN.

Nếu nơi nuôi cách ly đảm bảo an toàn thì cơ quan thú y vùng có văn bản công nhận chỗ ấy an toàn, được phép nuôi cách ly ở đấy. Khi động vật sống nhập về cửa khẩu, cơ quan thú y vùng sẽ ra kiểm tra lâm sàng, sau đó cho vận chuyển về khu cách ly.

Ở đó, sẽ lấy mẫu kiểm tra các bệnh theo quy định. Nếu âm tính, triệu chứng lâm sàng không có vấn đề gì thì sẽ thông báo kết thúc cách ly kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và bàn giao lại cho địa phương.

Lâu nay, vẫn có những ý kiến cho rằng, việc NK sản phẩm động vật vào nước ta không được kiểm soát tốt, dẫn tới tình trạng gà đông lạnh về tới Việt Nam đã gần hết hạn sử dụng, rồi gà dai Hàn Quốc không đảm bảo ATTP cũng được NK?

Những thông tin như vậy là không chính xác. Thịt gà đông lạnh NK về đến Việt Nam, thời hạn sử dụng phải còn ít nhất là 8 tháng. Trên hồ sơ sản phẩm có ghi rõ hết.

Khi kiểm tra, chúng tôi luôn phải xem rõ ngày sản xuất, ngày hết hạn. Nếu trên sản phẩm không thể hiện được những thông tin ấy, chúng tôi sẽ lập biên bản xử phạt ngay. Không kiểm dịch viên nào dám cho hàng sắp hết hạn sử dụng hay đã hết hạn sử dụng vào Việt Nam.

Vì khi hàng đó được đưa ra thị trường, lực lượng quản lý thị trường, thú y địa phương sẽ phát hiện ra ngay và sẽ truy trách nhiệm về cơ quan thú y cửa khẩu. Do đó, chắc chắn không một kiểm dịch viên nào dám làm ngơ cho hàng sắp hết hạn hay đã hết hạn sử dụng lọt qua cửa khẩu.

Còn chuyện NK gà Hàn Quốc mà nhiều người gọi đó là gà dai, thì ăn gà dai hay không dai là do thị hiếu. Vấn đề nó có đảm bảo an toàn dịch bệnh, ATTP hay không?

Theo nhận định của cá nhân tôi, hàm lượng dinh dưỡng của con gà dai có thể không cao. Nhưng nếu các lô hàng thịt gà của Hàn Quốc vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh, ATTP thì vẫn được phép NK vào Việt Nam.

Các lô hàng thực phẩm đông lạnh NK không đảm bảo an toàn dịch bệnh, ATTP, thì xử lý như thế nào, thưa ông?

Mỗi năm, có khá nhiều lô hàng thực phẩm đông lạnh NK bị phát hiện có vi phạm. Lô hàng nào theo quy định mà vi phạm ở mức có thể chuyển đổi mục đích sang làm TĂCN thì sẽ cho phép DN chuyển đổi để đỡ lãng phí cho họ. Còn lô hàng nào vi phạm tới mức không thể chuyển đổi thì buộc DN phải tái xuất.

Từ đầu năm nay đến ngày 15/8, Cơ quan Thú y vùng 6 đã yêu cầu các DN phải tái xuất 44 lô hàng thực phẩm đông lạnh. Trong đó, có nhiều lô hàng thịt gà, có cả thịt bò NK từ New Zealand …

Động vật sống NK, khi kiểm tra phát hiện bị bệnh sẽ truy ra từng con một, xong cũng lập biên bản xin ý kiến Cục Thú y xử phạt rồi đưa vào tiêu hủy hoặc giết mổ hạ khẩn. Sản phẩm động vật NK làm nguyên liệu TĂCN, nếu kiểm tra không đạt thì cho xử lý nhiệt toàn bộ xong lấy mẫu kiểm tra lại. Nếu đạt thì cấp giấy cho thông quan, còn nếu vẫn không sẽ buộc DN phải tái xuất.

Nhìn chung động vật, sản phẩm động vật NK chính ngạch đang được kiểm soát chặt. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào có nguyên nhân từ thực phẩm đông lạnh NK.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...