Ngày 26/10, tại tỉnh Tiền Giang, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao.
Trải qua 17 mùa, đến nay trung bình mỗi năm Giải Báo chí Quốc gia thu hút được sự tham dự của gần 2.000 tác phẩm báo chí, được sàng lọc, tuyển chọn trong số hàng vạn tác phẩm báo chí đã phát hành, phát sóng gửi về dự thi, dù biết rằng số lượng giải thưởng có hạn. Qua đó, mỗi năm có trên 100 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất thuộc các loại hình báo chí được trao các loại giải A, B, C và khuyến khích. Ngay cả những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo không được giải cũng được tôn vinh bằng giấy chứng nhận vinh danh và tiền thưởng.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến, tham luận các đại biểu, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam về những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của giải. Đặc biệt, các đại biểu còn nêu ý kiến, ngày nay chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, Giải báo chí Quốc gia cũng cần bắt kịp xu hướng quan trọng và cấp thiết này.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng làm rõ đóng góp của chương trình hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí; Việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí địa phương và các giải báo chí chuyên ngành khác.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, mặc dù kinh phí được cấp hàng năm đã được tăng thêm nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế sáng tạo tác phẩm, nhưng từ nguồn hỗ trợ đó, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hăng say sáng tác.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, thâm nhập thực tế sáng tác, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp được tổ chức hàng năm.
Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày đã giúp các hội viên cập nhật kiến thức, tiếp cận với những phương pháp và công nghệ làm báo hiện đại. Nhiều bài viết ngày càng giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định và phát triển xã hội, qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm báo. Đây cũng chính là nguồn để các địa phương tuyển chọn các tác phẩm chất lượng tham dự Giải Báo chí Quốc gia hàng năm và đạt nhiều giải cao trong những năm gần đây.
Giải Báo chí Quốc gia thực sự là nguồn cổ vũ lớn lao đối với người làm báo, ghi nhận, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo nói chung và những người đạt giải nói riêng. Đồng thời, giải thưởng có tác dụng động viên, cổ vũ giới báo chí tiếp tục hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, xứng đáng với vai trò, vị thế của báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Lễ trao giải hàng năm được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, đã trở thành ngày hội của giới báo chí cả nước.