| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới kiểu mẫu - nhìn từ Đồng Nai

Mỗi người dân là một đại sứ nông thôn mới!

Thứ Tư 03/06/2020 , 08:35 (GMT+7)

Từ xã thuần nông, Bình Lợi trở thành xã NTM đầu tiên của Đồng Nai, nhờ sự bứt phá về đích sớm trong xây dựng NTM kiểu mẫu duy nhất ở phía Nam.

Đường vào xã NTM kiểu mẫu Bình Lợi. Ảnh: Minh Vương. 

Đường vào xã NTM kiểu mẫu Bình Lợi. Ảnh: Minh Vương. 

Đột phá phát triển sản xuất

Trong những ngày tháng 5, PV Báo NNVN đã tìm về xã NTM kiểu mẫu Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) ghi nhận được nét đẹp, sự yên bình của một vùng quê thuần nông đang chuyển mình đổi mới.

Đặc biệt, xã có lợi thế địa hình bằng phẳng, nhiều cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ được bao bọc bởi sông Đồng Nai với chiều dài 12km. Nhờ có phù sa bồi đắp và nước sông chảy mát quanh năm nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây, hàng chục ha đất ruộng, đất trồng mía, tràm cho hiệu quả kinh tế kém trên địa bàn xã đã được nông dân chuyển đổi sang trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng này đã giúp đời sống kinh tế của người dân trong xã ngày càng được cải thiện. Diện mạo nông thôn của Bình Lợi có nhiều khởi sắc bởi cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống trường, trạm y tế…phát triển đồng bộ, tạo nền tảng cho xã thuần nông xây dựng NTM kiểu mẫu.

Ông Bùi Văn Kịch là thế hệ nông dân đầu tiên chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang cây bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã NTM kiểu mẫu Bỉnh Lộc. Ảnh: Minh Vương.

Ông Bùi Văn Kịch là thế hệ nông dân đầu tiên chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang cây bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã NTM kiểu mẫu Bỉnh Lộc. Ảnh: Minh Vương.

Là thế hệ nông dân đầu tiên chuyển đổi cây trồng, từ cây lúa sang cây bưởi da xanh, ông Bùi Văn Kịch (ấp 5, xã Bình Lợi) gặp chúng tôi và bắt đầu câu chuyện đột phá canh tác vườn giúp gia đình ông đổi đời: Từ 1,4 ha đất trồng lúa, canh tác đã nhiều đời nay nhưng do đất ruộng khô cằn nên mỗi năm chỉ được 1 vụ lúa, thu nhập sau khi trừ chi phí chăm sóc chỉ còn khoảng 12-14 triệu đồng/ha/năm.

Thấy một số tỉnh miền Tây chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Kịch tìm đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng trên đất ruộng nhà mình. Lúc đầu ông quyết định trồng thử nghiệm 400 gốc bưởi da xanh trên 4 sào ruộng, sau 3 năm chăm sóc, vườn bưởi của ông cho thu hoạch vụ đầu tiên và bán được giá tương đối cao.

Thực tế giá trị từ cây bưởi mang lại tốt hơn lúa rất nhiều, ông Kịch tiếp tục chuyển đổi dần diện tích lúa còn lại sang trồng bưởi. Đồng thời, mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào quy trình canh tác. Đến nay, trung bình mỗi năm gia đình ông Kịch có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ha bưởi da xanh.

Tương tự, ông Lương Quốc Hùng (ấp 4, xã Bình Lợi) cũng hào hứng cho biết, trước kia gia đình ông trồng mía, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha. Năm 2013, ông Hùng bắt đầu chuyển 1,5 ha mía của mình sang trồng bưởi. Sau 3 năm chăm sóc, mùa thu hoạch đầu tiên ông thu về 100 triệu đồng, đủ chi phí chăm sóc cho 3 năm.

Năm thu hoạch tiếp theo, ông lại thu về 700 triệu đồng từ vườn bưởi. Đến nay, vườn bưởi của ông đã thu về trên 900 triệu đồng, vụ Tết vườn bưởi của ông Hùng cho tổng thu khoảng 1 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với thu nhập từ trồng mía cách đây 5 năm.

Niềm vui của nhà vườn xã NTM Bình Lộc vào mùa thu hoạch bưởi. Ảnh: Minh Vương. 

Niềm vui của nhà vườn xã NTM Bình Lộc vào mùa thu hoạch bưởi. Ảnh: Minh Vương. 

Ông Lê Văn Mười cũng là lớp nông dân đi tiên phong của xã Bình Lợi trong chuyển đổi những ruộng mía cằn cỗi sang trồng bưởi. Hiện gia đình ông đã nhân ra được khoảng 10ha bưởi da xanh, bưởi đường lá cam cho thu nhập đứng đầu ở địa phương.

Chia sẻ kinh nghiệm làm giàu nhờ chuyển đổi cây trồng, ông Mười kể, đất ở vùng này cằn cỗi, bạc màu hơn so với những vùng trồng cây có múi khác của huyện. Ông Mười đã bỏ rất nhiều công cải tạo đất cũng như học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên vườn bưởi nhà ông luôn đạt năng suất cao, chất lượng ngon.

Về đích sớm NTM kiểu mẫu

Từ xã thuần nông, Bình Lợi trở thành xã đi đầu của huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) trong xây dựng NTM nâng cao.

Trong đó, điểm nổi bật của địa phương này, tuy xuất phát điểm xây dựng NTM thấp nhưng đã tạo nên sự chuyển biến khá ấn tượng trong phát triển kinh tế nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả với mô hình trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi...

Năm 2018, Bình Lợi đạt chuẩn xã NTM nâng cao, với những thành tựu nổi bật về giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt 213 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người ngay từ năm 2017 đã đạt 61,4 triệu đồng/người/năm, ở mức cao so với mức thu nhập bình quân của tỉnh. Chỉ sau 1 năm, Bình Lợi tiếp tục về đích trong xây dựng NTM kiểu mẫu.

Chính sự nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của địa phương là một trong những lợi thế để xã thuần nông này vươn lên vị trí tốp đầu trong phong trào xây dựng NTM nâng cao rồi kiểu mẫu ở tỉnh Đồng Nai cũng như khu vực phía Nam.

Các nhà vườn ở xã Bình Lộc áp dụng công nghệ vào quy trình chăm sóc vườn cây, mang lại hiệu quả cao và đỡ tốn công cao động. Ảnh: Minh Vương. 

Các nhà vườn ở xã Bình Lộc áp dụng công nghệ vào quy trình chăm sóc vườn cây, mang lại hiệu quả cao và đỡ tốn công cao động. Ảnh: Minh Vương. 

Gặp chúng tôi, người dân Bình Lợi không giấu được niềm tự hào khi thấy quê hương mình ngày càng khởi sắc, trở thành lá cờ đầu của tỉnh về xây dựng NTM kiểu mẫu. Tự hào khi có những nông dân đi tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì tích cực đóng góp xây dựng NTM.

Nông dân Nguyễn Văn Nghĩa phấn khởi bày tỏ: “Người dân chúng tôi rất tự hào và mừng lắm khi các tuyến đường chính, ngõ hẻm trong ấp, xã đều khang trang sạch đẹp nhờ mọi người cùng tham gia trồng hoa. Chúng tôi chỉ mong muốn mọi người đều sống đẹp, có ý thức cao để cùng duy trì xã NTM kiểu mẫu quê mình được bền vững”.

Trao đổi với PV Báo NNVN, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lợi Lê Hoàng Long cho biết về sự chuyển mình mạnh mẽ ở địa phương trong xây dựng NTM: “Trước đây sản xuất nông nghiệp của xã chủ yếu là vườn tạp, những cây trồng cho lợi nhuận thấp như tràm, mía, lúa. Hiện toàn xã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế nhờ tập trung chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có múi và những loại cây trồng cho lợi nhuận cao”.

Theo ông Long, xã hiện có khoảng 100 hộ dân trồng bưởi da xanh, phần lớn các hộ đều chuyển đổi từ cây lúa, cây mía sang trồng bưởi. Đến nay, đã có trên 50ha đất ruộng khô cằn, đất trồng mía kém hiệu quả được nông dân chuyển sang trồng bưởi, nâng tổng diện tích trồng bưởi của xã lên 231ha. 

Đầu ra trái cây ở Bình Lộc đã được các cơ sở chế biến và chợ đầu mối ký hợp đồng thu mua cho bà con nhà vườn. Ảnh: Minh Vương.  

Đầu ra trái cây ở Bình Lộc đã được các cơ sở chế biến và chợ đầu mối ký hợp đồng thu mua cho bà con nhà vườn. Ảnh: Minh Vương.  

Về đầu ra sản phẩm, gần đây HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bình Lợi đã ký‎ kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh với cơ sở Hương Miền Tây, ký hợp đồng với chợ đầu mối Dầu Giây 50ha với sản lượng 750 tấn/năm. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nên các vườn bưởi xã Bình Lợi cho năng suất cao, giá bán khá ổn định và nông dân giàu lên nhanh chóng.

Tuy đã về đích sớm trong xây dựng NTM nhưng Bình Lợi không ngủ quên trên thành tích mà tiếp tục giữ vững và nâng cao những tiêu chí đã đạt được. Năm 2019, Bình Lợi vinh dự là xã duy nhất của Đồng Nai được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.

“Những năm gần đây, giá trị sản phẩm nông nghiệp trung bình trên địa bàn xã Bình Lợi đạt 213 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, từ 36,5 triệu đồng/người/năm (năm 2004) lên 64,3 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Công tác an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, gia đình chính sách…luôn được chú trọng. Chúng tôi cũng kêu gọi mỗi người dân hãy là một đại sứ NTM thân thiện”, ông Lê Hoàng Long cho biết.

“Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Bình Lợi đạt đều các tiêu chí, trong đó có phải kể đến bộ mặt nông thôn và thu nhập người dân. Ấn tượng nhất về xã NTM kiểu mẫu này là người dân đã xây dựng được nếp làng với nếp sống văn minh, bộ mặt nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp từ nhà ra ngõ. Nổi bật khi cả bộ máy chính quyền địa phương tạo được sự đoàn kết, gắn bó ngày càng lớn mạnh”, ông Phạm Minh Phước, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu nhấn mạnh.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tôn vinh bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Tây Ninh Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ 5 năm 2024 vừa chính thức khai mạc.