Giữa tháng 4 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Lê Văn Thể, nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa nhiệm kỳ 2011 - 2016; ông Trương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa nhiệm kỳ 2016 - 2020 và ông Đỗ Danh, công chức địa chính xây dựng xã Mỹ Hòa để điều tra tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trong quá trình triển khai xây dựng bê tông hóa đường giao thông nông thôn năm 2016 - 2017, các ông Lê Văn Thể, Trương Quang Hùng và Đỗ Danh đã không thực hiện đúng các quy định trong đăng ký, quản lý, sử dụng xi măng do UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ để đầu tư xây dựng công trình theo cơ chế đặc thù; gây thất thoát tài sản của Nhà nước với số tiền gần 1 tỷ đồng.
Trong khi xi măng Nhà nước cấp về cho xã Mỹ Hòa để làm đường bê tông nông thôn phục vụ người dân bị thất thoát là thế, ấy vậy mà trên địa bàn xã này có nhiều tuyến đường vẫn còn là đường đất, người dân phải chật vật với cảnh “mưa lầy, nắng bụi” trong sinh hoạt, cơ cực nhất là những hoạt động của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Đơn cử như con đường đất dài gần 1km dẫn vào cánh đồng Trong và vào hồ chứa nước Tây Dâu nằm trên địa bàn thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa.
Một lần đi vào hồ Tây Dâu, chiếc xe máy của chúng tôi phải vật vã trên mặt đường lồi lõm, dày đặc những ổ gà, ổ voi; người ngồi trên xe như muốn lộn ruột bởi những cú xóc cực mạnh. Hình ảnh những nông dân địa phương chở bao phân trên chiếc xe đạp đi vào cánh đồng Trong để bón cho cây lúa vụ hè thu năm 2020 cứ cọc cà cọc cạch vượt qua muôn trùng ổ gà, ổ voi trông càng cơ cực hơn.
Hỏi thăm 1 người dân có nhà ở cạnh hồ chứa nước Tây Dâu, chúng tôi được biết con đường nói trên không phải là con đường liên thôn, liên xóm; nhưng bởi nó là con đường độc đạo dẫn vào hồ chứa Tây Dâu và cánh đồng Trong, nơi hơn 50 hộ dân ở xóm 4, thôn Hội Khánh (xã Mỹ Hòa) hàng ngày vào ra để sản xuất nông nghiệp nên nó trở nên khá quan trọng.
“Nhà tôi ở đây đã 3 đời, chịu cảnh vất vả về giao thông đã nhiều. Do con đường này là đường độc đạo dẫn vào hồ chứa nước Tây Dâu nên cán bộ, xã huyện về đây kiểm tra hồ khá thường xuyên. Khổ nhất là nông dân có ruộng trong đồng Trong, trong quá trình canh tác phải rất vất vả mỗi khi vận chuyển vật tư vào chăm sóc cho cây lúa.
Khổ nhất là khi thu hoạch, nếu gặp lúc trời nắng thì còn dùng xe máy chở lúa về nhà đước, chứ nếu gặp thời điểm trời mưa nông dân phải gánh lúa đi bộ đến vài cây số về đến xóm, chứ xe máy làm sao chở được, bởi đường lầy lội ghê lắm.
Gia đình tôi cũng có mấy sào ruộng làm ở đồng Trong, thu hoạch xong tôi đưa hết lúa về nhà con ở ngoài xóm để phơi, cất ở đó chứ có dám chở về đây đâu. Đưa về đây mỗi khi nhà hết gạo phải chở lúa đi xát trên con đường này cực lắm”, người dân kia bộc bạch.
Theo ông Võ Văn Chánh, xóm trưởng xóm 4, thôn Hội Khánh (xã Mỹ Hòa), con đường dẫn vào hồ Tây Dâu là con đường “huyết mạch” của nông dân địa phương trong sản xuất nông nghiệp. Nếu con đường này được bê tông hóa thì nông dân sẽ đỡ vất vả và giảm được nhiều chi phí trong sản xuất.
“Khi phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, 56 hộ dân ở xóm 4 đều đồng lòng đóng góp mỗi hộ 1,1 triệu đồng để thuê công, mua cát, sạn, còn xi măng thì Nhà nước hỗ trợ để làm đường. Nguyên nhân vì sao đến nay con đường này chưa được bê tông hóa là do kế hoạch của cấp trên chứ chúng tôi không biết”, ông Võ Văn Chánh, xóm trưởng xóm 4, thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ, Bình Định), cho hay.