| Hotline: 0983.970.780

Môi trường nước nuôi trồng thủy sản gặp bất lợi

Thứ Bảy 14/08/2021 , 12:17 (GMT+7)

Hiện thời tiết trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhiều nơi nắng nóng gay găt, nhiều chỉ số môi trường nước vượt ngưỡng giới hạn cho phép khiến nuôi tôm gặp bất lợi.  

Vì vậy người nuôi tôm nước lợ cần lưu ý thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi.

Môi trường nước bất lợi cho nuôi tôm

Trung tâm giống Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Phú Yên) vừa thông báo kết quả quan trắc môi trường nước cấp vào đầu tháng 8/2021 tại các vùng nuôi tôm nước lợ và vùng nuôi tôm hùm lồng, bè trên địa bàn tỉnh cho thấy có một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép (gọi tắt GHCP).

Nhiều vùng nuôi tôm nước lợ ở Phú Yên vừa quan trắc môi trường nước cấp cho thấy nhiều chi tiêu nằm ngoài giới hạn cho phép. Ảnh: Minh Hậu.

Nhiều vùng nuôi tôm nước lợ ở Phú Yên vừa quan trắc môi trường nước cấp cho thấy nhiều chi tiêu nằm ngoài giới hạn cho phép. Ảnh: Minh Hậu.

Cụ thể, đối với các vùng nuôi tôm nước lợ thì chỉ tiêu NH3 vượt ngưỡng GHCP tại 2/12 điểm quan trắc là vùng nuôi Phước Giang và Cầu Ông Đại với dao động 0,58 - 1,23mg (gấp 1,9 - 4,1 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép).

Chỉ tiêu PO4 vượt ngưỡng giới hạn cho phép  tại 6/12 điểm quan trắc gồm các vùng nuôi Tân Long, Bãi Ngọn, Vũng Tàu, Phước Long, Phước Giang và cầu Ông Đại với dao động 0,20 - 0,36mg/l (gấp 1,0 - 1,8 lần so với ngưỡng GHCP). Hàm lượng DO (oxy hòa tan) thấp hơn ngưỡng GHCP tại 5/12 điểm quan trắc gồm vùng nuôi cầu An Hải, Mỹ Phú, Vũng Tàu, Phước Giang và cầu Ông Đại với dao động 4,1 - 4,5mg/l.

Hàm lượng COD vượt ngưỡng GHCP tại 6/12 điểm quan trắc gồm các vùng nuôi Tân Long, Mỹ Phú, Vũng Tàu, Phước Long, Phước Giang và cầu Ông Đại với dao động 10,8 - 17,9mg/l (gấp 1,1-1,8 lần so ngưỡng GHCP). Mật độ vibrio tổng số vượt ngưỡng GHCP tại 2/12 điểm quan trắc gồm các vùng nuôi Phú Lương và Tân Long với dao động 2180 - 2620 CFU/ml (gấp từ 2,2 - 2,6 lần so với ngưỡng GHCP).

Vùng nuôi tôm nước lợ ở TX Đông Hòa. Ảnh: Minh Hậu.

Vùng nuôi tôm nước lợ ở TX Đông Hòa. Ảnh: Minh Hậu.

Còn môi trường nước tại các vùng nuôi tôm hùm lồng, bè thì chỉ tiêu NH3 vượt ngưỡng GHCP tại 2/12 vị trí quan trắc của vùng nuôi Nhất Tự Sơn (tầng giữa và đáy) với dao động 0,12 - 0,14mg/l (gấp 1,2 - 1,4 lần so với ngưỡng GHCP).

Hàm lượng DO thấp hơn ngưỡng GHCP tại 2/12 vị trí quan trắc tại vùng nuôi Nhất Tự Sơn (tầng giữa và đáy), dao động 4,3 - 4,4 mg/l.

Khuyến cáo

Theo dự báo thời tiết các tỉnh Nam Trung Bộ, trong thời gian tới, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Trước tình hình thời tiết trên, cùng với nhiều chỉ số môi trường nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép nhất là các vùng nuôi tại thị xã Đông Hòa, ông Ngô Xuân Lai, Phó Giám đốc Trung tâm giống Nông nghiệp khuyến cáo người nuôi tôm nước lợ nên lưu ý thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi, đồng thời theo dõi các thông số môi trường như: nhiệt độ, độ mặn, pH, oxy hòa tan…để có phương pháp xử lý kịp thời.

Vùng nuôi tôm hùm lồng bè ở TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Minh Hậu.

Vùng nuôi tôm hùm lồng bè ở TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Minh Hậu.

Cụ thể, như tăng cường quạt nước, sục khí liên tục nhằm bổ sung lượng oxy hòa tan và tránh hiện tượng phân tầng nhiệt, duy trì mực nước trong ao nuôi trên 1,5m. Bên cạnh đó, cần bón vôi xung quanh ao trước và sau khi có mưa dông nhằm ổn định pH (tránh pH giảm đột ngột).

Đồng thời bổ sung các vitamin C, khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng và chủ động phòng bệnh cho tôm nuôi. Trời nắng nóng nên chủ động giảm lượng thức ăn cho tôm nuôi tránh thức ăn dư thừa làm ô nhiễm nền đáy ao nuôi. Ngoài ra, đối với các ao giám sát nên định kỳ sử dụng các chế phẩm vi sinh giúp xử lý và ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi. 

Đối với các vùng nuôi tôm hùm cần duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc cách đáy khoảng 1,5 - 2,0m để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi. Bên cạnh đó dùng lưới lan (hai lớp) che mát trên mặt lồng nhằm làm giảm cường độ ánh sáng và chống tôm bị stress; đồng thời treo các túi vôi ở các góc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông, sát trùng môi trường nước, ổn định pH tạm thời …

Cùng với đó, các hộ nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường, màu nước, chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước như nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan, nhất là khi trời nắng nóng và đứng gió để theo dõi hoạt động, sức khỏe tôm nuôi. Từ đó có những giải pháp xử lý kịp thời.

Ngoài biện pháp trên, người nuôi cũng cần giãn khoảng cách giữa các lồng nuôi và tăng cường vệ sinh lồng, bè nuôi (thu gom vỏ tôm lột, vỏ nhuyễn thể làm thức ăn cho tôm hùm, các bao đựng thức ăn đưa vào đất liền và xử lý chất thải theo đúng qui định) tạo sự thông thoáng cho môi trường lồng nuôi và vùng nuôi.

Theo Trung tâm giống Nông nghiệp, thời tiết nắng nóng, người nuôi tôm hùm nên chủ động giảm lượng thức ăn phù hợp tránh để thức ăn dư thừa tầng đáy gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Bên cạnh đó nên lựa chọn nguồn thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng, định kỳ nên bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi tránh các tác nhân gây bệnh.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.