| Hotline: 0983.970.780

Mong sếu đầu đỏ sớm làm tổ ở Tràm Chim

Thứ Năm 14/11/2024 , 03:50 (GMT+7)

Người dân Đồng Tháp xem việc bảo tồn sếu đầu đỏ ở Vườn quốc gia Tràm Chim là nghĩa vụ của chính mình và cùng nhau kêu gọi cộng đồng nỗ lực thực hiện.

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức gặp gỡ các đơn vị đồng hành Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức gặp gỡ các đơn vị đồng hành Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức gặp gỡ các đơn vị đồng hành Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong kỳ vọng, sếu đầu đỏ sẽ sớm quay trở lại Đồng Tháp như tìm về mái nhà xưa, thân thuộc của mình.

Sếu đầu đỏ là một loài chim được coi là linh vật, quý hiếm nằm trong Sách Đỏ thế giới. Với người Việt Nam, sếu còn được gọi là chim hạc, là biểu tượng của sức mạnh, sự trường tồn và lòng chung thủy. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có đàn sếu đầu đỏ tìm về cư ngụ. Năm 1988, có đến 1.052 con sếu đầu đỏ bay đến Vườn quốc gia Trà Chim (huyện Tam Nông), tuy nhiên càng về sau số lượng cá thể tìm về càng giảm. Từ năm 2013 đến năm 2020, trung bình có 33 con/năm, đến năm 2021 chỉ có 3 con quay về và đến năm nay mới có 4 con trở về. 

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, năm 2024 bắt đầu chứng kiến nhiều loài chim tụ hội về Vườn quốc gia Tràm Chim.  Đây là tín hiệu vui và 4 cá thể sếu đã về Tràm Chim, bắt đầu cho thấy sự chuyển mình của hệ sinh thái. 

Theo ông Phong, với người dân Đồng Tháp mỗi mùa sếu đầu đỏ về là một năm đầy may mắn và là chỉ dấu của tự nhiên, cả người dân địa phương và bạn bè đều vui. “Chính điều đó đã thôi thúc những người làm công tác quản lý thực hiện Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ để trong tương lai, sếu sẽ trở về Đồng Tháp như tìm về mái nhà xưa, thân thuộc của mình và đảm bảo được những yêu cầu của sự sinh trưởng”, ông Phong nói.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (áo trắng) kỳ vọng, sếu đầu đỏ sẽ sớm trở lại Đồng Tháp như tìm về mái nhà xưa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (áo trắng) kỳ vọng, sếu đầu đỏ sẽ sớm trở lại Đồng Tháp như tìm về mái nhà xưa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, hành trình này không đơn giản, để có thể nhìn thấy được hàng trăm cá thể sếu đầu đỏ trên cánh đồng Tràm Chim đặt ra thời gian trong khoảng 10 năm. Làm sao môi trường sống của sếu được trả lại, đòi hỏi tư duy trong quản trị, bảo tồn ngay từ những người làm công tác quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim. 

Ông Phong mong rằng người dân Đồng Tháp sẽ xem việc bảo tồn sếu đầu đỏ là câu chuyện của chính mình, của chính nông dân Tràm Chim, bảo vệ và xem sếu như người bạn, người thân. Cùng với đó là thực hiện chuyển đổi mô hình canh tác lúa sinh thái theo hướng hữu cơ và doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp kêu gọi sự đồng hành từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hành trình 10 năm của Đề án.

Người dân Đồng Tháp xem việc bảo tồn sếu là câu chuyện của chính mình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người dân Đồng Tháp xem việc bảo tồn sếu là câu chuyện của chính mình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Triết, Giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á - Hội Sếu quốc tế đánh giá, đề án này không chỉ là bảo tồn sếu đơn lẻ, nhưng trên hết còn là phục hồi lại hệ sinh thái tiêu biểu Đồng Tháp Mười. Đó chính là mục tiêu quan trọng nhất không chỉ của tỉnh Đồng Tháp, vùng ĐBSCL và cả nước. 

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp  cho rằng, sự đồng hành của các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước là động lực để địa phương quyết tâm thực hiện để hoàn thành mục tiêu đề án. Theo đó, trong vòng 10 năm (giai đoạn 2022 - 2032), sẽ đàm phán với Thái Lan nhập về nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu đầu đỏ thả ra có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và sinh sống quanh năm ở Vườn quốc gia Tràm Chim.

Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2028 sẽ tiếp nhận khoảng 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Ảnh: VQGTC.

Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2028 sẽ tiếp nhận khoảng 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Ảnh: VQGTC.

Đề án đưa ra lộ trình đến năm 2028 dự kiến có khoảng 200ha lúa sẽ chuyển sang mô hình sản xuất sinh thái, định hướng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại vùng lân cận thuộc huyện Tam Nông. Trong 5 năm đầu, có thể cho sếu sinh sản và sống tốt trong điều kiện bên trong và ngoài Vườn quốc gia Tràm Chim.

Giai đoạn 2029 – 2032, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đàm phán với Thái Lan để tiếp nhận thêm 30 cá thể sếu từ 6 tháng tuổi, dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu. Cùng với đó, xây dựng biểu đồ phân bố sếu sinh sống bên trong và ngoài Vườn quốc gia Tràm Chim, tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án gần 185 tỷ đồng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.