| Hotline: 0983.970.780

4 con sếu đầu đỏ bay về Vườn quốc gia Tràm Chim

Thứ Sáu 08/03/2024 , 14:53 (GMT+7)

Đồng Tháp Sau gần 3 năm qua sếu đầu đỏ không về Vườn quốc gia Tràm Chim để tìm kiếm thức ăn. Đầu tháng 3/2024 xuất hiện 4 con sếu đầu tiên bay về khu vực này.

Đầu năm 2024, đã có 4 con sếu đầu đỏ bay về Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông,  Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đầu năm 2024, đã có 4 con sếu đầu đỏ bay về Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông,  Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngày 8/3, thông tin từ Trung tâm bảo tồn Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), sếu xuất hiện vào trưa ngày 7/3, tại phân khu A5 - bãi kiếm ăn quen thuộc trước đây của chúng. Lần này có 4 con sếu đầu đỏ bay lượn vài giờ để quan sát, sau đó đậu lại tìm mồi khoảng nửa giờ.

Nhóm 4 con sếu bay về Vườn quốc gia Tràm Chim là đi tiền trạm để khảo sát kỹ địa phận trước khi quyết định về ở hẳn đến hết mùa di cư. Đàn sếu di cư thường bắt đầu từ tháng 12, khi các tỉnh ĐBSCL bước vào mùa khô, kéo dài đến hết tháng 4. Sếu được xem là loài có linh tính, chỉ dấu cho những nơi có môi trường trong lành. Đây là tín hiệu vui mừng đàn sếu bay về Vườn quốc gia Tràm Chim sau nhiều năm sếu không bay về khu vực này.

Theo tìm hiểu, sếu đầu đỏ là loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Chim có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ, vằn trên cánh và đuôi màu xám. Con trưởng thành cao 1,5 - 1,8m, sải cánh 2,2 - 2,5m, nặng 8 - 10kg. Sếu ba năm tuổi sẽ bắt cặp để sinh sản và mất một năm nuôi con trước khi đẻ lứa tiếp theo.

Tại Việt Nam, khoảng cuối năm đến những tháng đầu năm sau, sếu thường chọn Tràm Chim để di cư tới. Có thời điểm vườn quốc gia này ghi nhận khoảng 1.000 con, song sau đó số lượng giảm dần. Theo thống kê của Vườn quốc gia Tràm Chim, năm 2015 số lượng sếu về chỉ 21 con, năm 2016 số lượng bay về được 14 con, năm 2017 được 9 con, năm 2018 được 11 con, năm 2019 được 11 con. Năm 2020, sếu không về, năm 2021 về 3 con rồi vắng bóng hai năm sau.

Nguyên nhân loài chim quý vắng bóng được cho là môi trường sinh thái ở vườn thay đổi. Nước lũ về ít, không rửa trôi được các bả thực bì, đồng thời giảm lượng thủy sản là thức ăn chính của chim...

Vì vậy theo một số chuyên gia, sếu về trong bối cảnh Tràm Chim có nhiều thay đổi trong quản lý môi trường sinh thái. Cụ thể, đầu năm vườn quốc gia này thay đổi từ trữ nước chống cháy rừng sang điều tiết theo tự nhiên, ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học. Cánh đồng cỏ năng nơi sếu tìm về đã tháo nước hai tháng trước, chủ động đốt lớp thực bì, giúp năng dễ tạo củ - thức ăn khoái khẩu của đàn sếu.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức họp báo để thông qua đề án bảo tồn đàn sếu với tổng đầu tư 185 tỷ đồng, thực hiện trong 10 năm. Theo kế hoạch, tỉnh nhận chuyển giao 60 cặp sếu từ Thái Lan sau đó gầy đàn thêm 40 con. Sau quá trình chăm sóc, huấn luyện chúng được thả về tự nhiên tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Đến nay sếu chưa được đưa về vườn.

Vườn quốc gia Tràm Chim từ năm 2012 được công nhận là khu Ramsar (đất ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và là đầu tiên ở miền Tây, với diện tích hơn 7.300ha. Đây là một trong những nơi cư trú của sếu đầu đỏ và là yếu tố quan trọng giúp vườn đạt danh hiệu khu Ramsar.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.