| Hotline: 0983.970.780

'Mót' điều cuối vụ, 'nghề' cực nhọc mà vui!

Thứ Ba 05/06/2018 , 07:15 (GMT+7)

Sau mỗi vụ điều dù “thắng” hay “trật” thì những người “mót điều” vẫn kiên trì bám vườn, kiếm sống. Họ gắn bó với những rẫy điều từ sáng đến chiều, công việc chỉ dừng lại khi trời đổ mưa, bóng đêm đã tràn về.

10-19-43_mot_dieu
Nụ cười luôn nở trên môi những người mót điều cuối vụ

Mùa mưa bắt đầu, hạt điều “dính nước” nên giá đã giảm xuống rất nhiều so với thời đầu vụ. Con đường dẫn đến những rẫy điều cũng trở nên trơn trượt và xa hơn thường nhật là nguyên nhân khiến các chủ vườn “bỏ rẫy” không “lượm”. Đây cũng là thời gian, cơ hội để những người không có đất rẫy, chưa có việc làm đi “nhặt lộc”. Những người mót điều ở Bình Phước may mắn có thể kiếm được tiền triệu/ngày.
 

Thu nhập khá

Chúng tôi có mặt tại thôn 8, xã Đồng Nai (Bù Đăng). Sau cơn mưa, đất trời như bừng tỉnh, không khí ở xã vùng cao này càng trở nên trong lành hơn. Tuy nhiên đường vào các rẫy điều thì “hỡi ôi” rất sình lầy và dốc. Đây là lý do vì sao nhiều chủ vườn đã “bỏ rẫy” để cho người dân đến mót điều mà chẳng hề “tiếc của”. Để “lượm” được điều rơi, người dân ở Đồng Nai phải thức dậy từ rất sớm, tranh thủ những lúc trời tạnh ráo để lên nương. Nhiều gia đình đưa nhau vào tận các khu vực gần bưng để nhặt “mót” những trái điều mà chủ vườn đã bỏ.

Người dân xã Đồng Nai phân biệt rõ ràng chuyện “mót” điều khác với “trôm” điều. Thế nên chỉ những vườn nào chủ đã “bỏ” thì người dân mới tới “mót”. “Nếu để nước mưa thấm vào điều cũng sẽ hư, thối sẽ rất phí”, đó là chia sẻ của người mót điều, tên Điểu Dung mà chúng tôi bắt gặp.

Anh Dung mót điều đã hơn tuần nay, trung bình mỗi ngày lượm được 20kg, ngày nhiều lượm được 30kg. Tính trung bình anh thu nhập khoảng 300 - 500 ngàn/ngày. Anh Dung cho biết phải tranh thủ những ngày “nước rút” này để kiếm thêm thu nhập.

Tại xã Đồng Nai không chỉ dân “bản địa” mới đi mót điều. Nhiều người dân ở Bình Dương, Long An, Tây Ninh lên đây thăm bà con cũng tranh thủ đi “mót”. Bà Nguyễn Thanh Phương (48 tuổi) từ của khẩu Xa Mát (Tây Ninh) qua xã Đồng Nai thăm chị gái, thấy nhiều người đi mót điều nên bà cũng tranh thủ. Sau khi đã chuẩn bị cơm nước đầy đủ, bà Phương và mấy đứa cháu con nhà chị gái bắt đầu vào rẫy. Mỗi ngày như thế bà Phương kiếm được khoảng 300 ngàn đồng.

“Đi mót thì cũng đụng người ta, nhưng hôm nào không đụng ai là thì mót đã lắm. Có bữa tôi và mấy đứa cháu cũng kiếm được tiền triệu mỗi người. Vì vậy, những ngày này mình phải tranh thủ mà lượm vài bữa nữa về lại Tây Ninh coi như có tiền dằn túi”, bà Phương cười vui vẻ.
 

Nhặt của rơi, cực mà vui

Mặc dù nắng mưa đã có “cữ” nhưng với những người đi mót điều thì họ rất ngại trời mưa. Mưa xuống đường vào rẫy rất khó, hạt điều ngấm nước lại bị thâm đen, mất giá. Mót điều thì phải chịu khó xuyên từ rẫy này sang rẫy khác. Vớ được rẫy nào bằng phẳng thì “êm”, rẫy nào dốc đứng thì vừa cực, vừa nguy hiểm. Người nào leo dốc không quen về “nhức dò” không ngủ nổi. Người trượt chân, té ngã lúc lượm điều cũng không thiếu. Nhưng công việc mót điều được mọi người đánh giá “cực mà vui”.

10-19-43_mot_2
Nhặt của rơi là nghề “hót” sau mỗi mùa điều ở Bình Phước

“Công việc nào cũng cực nhọc, khó khăn cả, đâu có dễ dàng kiếm được đồng tiền. Quan trọng là mình thấy vui vẻ, bằng lòng với nó. Nếu để lòng tham chế ngự thì việc gì cũng khó bền lắm”, đó là chia sẻ của chị Lợi (35 tuổi) ở ấp Thạch Màn, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú. Khi các chủ vườn bỏ, không thuê người nhặt nữa, người lượm điều thuê như chị Lợi trở thành người “mót điều”. Mỗi ngày chị Lợi đến một khu đất khác nhau để “mót” điều rụng cuối vụ. Vùng đất thuộc các xã Tân Lợi, Tân Phước, Nghĩa Trung… nơi nào cũng có dấu chân của chị Lợi.

Theo chị Lợi, thời gian này vào rẫy lượm điều cuối vụ rất cực, nhưng thi thoảng dân mót điều lượm thêm được “lộc” rừng. Đôi khi có thể là vài bụp măng nơi khe suối, đôi khi là ít mật ong ruồi. “Nếu may mắn mình cũng có thể ăn được nấm mối đầu mùa”, chị Lợi chia sẻ.

Cũng như chị Lợi, những người mót điều chúng tôi gặp không ai than khổ, than cực. Họ chỉ một lòng lo công việc của mình với hy vọng kiếm thêm chút lộc rơi vãi nơi đầu suối, cuối nương. Đằng sau những giọt mồ hôi mặn chát, nụ cười vẫn chực nở trên môi những con người lao động cần kiệm trên các rẫy điều.

 

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.