| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 26/04/2021 , 11:55 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 11:55 - 26/04/2021

Một hình thức tham ô mới

Đích thị là một vụ tham ô chứ không thể nào nói khác được. Một vụ tham ô có hình thức rất mới.

Không phải là một cá nhân mà là 4 cơ quan cùng thực hiện vụ tham ô này. Đó là UBND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội.

Tháng 2/2021, Sở Giao thông - Vận tải có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội về hiện trạng cầu phao Lương Phúc bắc qua sông Cà Lồ, phục vụ việc đi lại của người dân giữa hai địa phương là Hà Nội và Bắc Ninh.

Theo đó, cầu được xây dựng năm 1984, hiện đã xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông, cần phải xây lại. Đề nghị UBND thành phố cho phép xây dựng một cây cầu mới trị giá 72 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố.

Nội dung này dựa trên biên bản làm việc trước đó giữa đại diện UBND huyện Sóc Sơn, đại diện sở Giao thông - Vận tải, đại diện sở Quy hoạch Kiến trúc và đại diện sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội, có đầy đủ chữ ký.

Thế nhưng, hiện tại thì cầu phao Lương Phúc chưa hề “hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng” như báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, vẫn phục vụ việc đi lại của nhân dân Hà Nội và Bắc Ninh một cách rất bình thường.

Được báo chí hỏi, ông Nguyễn Xuân Thắng, trưởng phòng quản lý đô thị huyện Sóc Sơn chối bay chối biến rằng huyện không lưu bất kỳ một hồ sơ giấy tờ nào về cầu phao Lương Phúc, và “thông tin cầu Lương Phúc xây năm 1984 chỉ là khoảng thời gian ước lượng do xã Việt Long (nơi có cầu) báo cáo lên huyện, còn năm chính xác thì không nhớ rõ . Chúng tôi không thể xác định được nó cũ, hỏng hay xuống cấp nghiêm trọng, chỉ có thể cảm quan bằng mắt thường là nó không an toàn”

Thật là những lời nói dối trắng trợn, trơ trẽn. Sự thực thì hồ sơ về cầu phao Lương Phúc vẫn còn lưu đầy đủ ở cơ quan quản lý cầu. Hồ sơ thể hiện cầu phao Lương Phúc được khởi công xây dựng từ năm 2013 với kinh phí đầu tư 5,7 tỷ đồng, và năm 2017 thì đưa vào khai thác, sử dụng.

Trước đó, ngày 16/11/2017, đề cương kiểm định và kết quả kiểm định, do một đơn vị kiểm định độc lập thực hiện, đã được bàn giao cho phòng quản lý đô thị huyện Sóc Sơn, có biên bản giao nhận rõ ràng. Người thay mặt cho phòng quản lý đô thị huyện Sóc Sơn nhận hồ sơ là ông Nguyễn Đình Tùng. Từ năm 2017 đến nay, cầu phao Lương Phúc không xẩy ra bất cứ một sự cố nào.

Ấy thế mà toàn bộ hồ sơ kiểm định lại “biến mất” qua lời khẳng định của ông trưởng phòng quản lý đô thị huyện Sóc Sơn.

Một cây cầu mới được xây dựng xong năm 2017, hết có 5,7 tỷ đồng, đang hoạt động bình thường, bỗng nhiên bị “làm già” đi 33 tuổi rồi xin phá đi xây cầu mới với kinh phí lên đến 72 tỷ đồng. Nếu như 72 tỷ đồng được UBND thành phố phê duyệt rồi rót xuống, thì sẽ được dùng làm gì? Câu hỏi ấy vẫn đang chờ các cơ quan có thẩm quyền làm rõ.