| Hotline: 0983.970.780

Một HTX có 1.200 hộ làm dừa

Thứ Sáu 14/09/2018 , 15:05 (GMT+7)

Ở Bình Định, HTXNN làm ăn nên nổi chưa nhiều. Phải là những HTX sáng tạo, năng động trong việc đổi mới phương thức SXKD và cung cách quản lý, đi đúng hướng trong cơ chế thị trường.

Dẫn đầu trong số đó là HTXNN Ngọc An ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn.

Đòn bẩy để HTXNN Ngọc An ăn nên làm ra là những sản phẩm từ dừa: bánh tráng nước dừa và dầu dừa tinh khiết.

15-10-21_1
Dây chuyền SX dầu dừa tinh khiết của HTXNN Ngọc An

HTXNN Ngọc An có khoảng 1.200 hộ xã viên, quản lý 218ha đất SXNN và hoạt động 11 khâu SX, kinh doanh, dịch vụ, gồm: Thủy lợi, làm đất, thu hoạch, cung ứng VTNN, điện, SX bánh tráng, SX dầu dừa tinh khiết, tín dụng nội bộ, SX rau an toàn, xây dựng kênh mương nội đồng, xây dựng đường nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động mang lại hiệu quả nhất của HTX Ngọc An là SX bánh tráng nước dừa và sản xuất dầu dừa tinh khiết.

Từ xa xưa, bánh tráng nước dừa là nghề truyền thống của người dân xứ dừa Hoài Nhơn (Bình Định). Tuy nhiên, quy mô SX còn manh mún và kênh tiêu thụ còn hạn hẹp, chất lượng sản phẩm không đồng đều, nên chưa tạo được vị thế trên thị trường. Năm 2004, HTX Ngọc An quyết định xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề truyền thống SX bánh tráng nước dừa. Để thuyết phục người tiêu dùng, HTX đã lắp đặt dây chuyền SX hiện đại, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm bánh tráng nước dừa Ngọc An ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTXNN Ngọc An, chia sẻ: “Để sản phẩm được nhiều người biết đến, năm 2006, chúng tôi đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa mang tên “Bánh tráng nước dừa Ngọc An”. Đến năm 2008, sản phẩm đã có mặt tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Để chen chân vào kênh phân phối thời thượng này, HTX đã chủ động đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì bắt mắt, SX nhiều kích cỡ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hiện nay, bánh tráng nước dừa Ngọc An đã được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều tỉnh thành như: Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh”.

Cũng từ dừa, HTX Ngọc An còn SX thêm 1 sản phẩm khác rất độc đáo, đó là dầu dừa tinh khiết với dây chuyền công nghệ hiện đại. Hướng đi này nhằm khai thác lợi thế nguồn nguyên liệu dừa dồi dào ở địa phương, kết hợp điều kiện sẵn có của HTX về cơ sở hạ tầng phục vụ SX như mặt bằng, điện nước, nguồn lao động, giúp xã viên có thêm việc làm nâng cao thu nhập. Năm 2012, HTX Ngọc An đã tranh thủ tiếp nhận sự tài trợ của Dự án Sinh kế nông thôn bền vững của tỉnh Bình Định, đồng thời hợp tác với Cty TNHH Dầu dừa Pha Lê (TP Hồ Chí Minh) tổ chức thực hiện Dự án sản xuất dầu dừa tinh khiết tại HTX.

15-10-21_2
Sản phẩm dầu dừa tinh khiết của HTXNN Ngọc An

Ngày xưa, người dân xứ dừa Hoài Nhơn chỉ làm dầu dừa bằng phương pháp nấu sôi, tuy nhiên khi đun sôi, dầu dừa mất rất nhiều dưỡng chất quan trọng như: Vitamin E gốc tự nhiên, Axit Lauric. Ngày nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đánh giá cao công dụng của dầu dừa, nên đã khuyến cáo SX dầu dừa tinh khiết ở nhiệt độ thấp dưới 30 độ C nhằm đảm bảo giữ nguyên các nguyên tố quan trọng có trong dầu dừa. Dầu dừa tinh khiết Ngọc An được làm theo phương pháp khá đặc biệt: Sấy lạnh và ép lạnh theo công nghệ Canada với sự tài trợ của Chính phủ New Zealand.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTXNN Ngọc An, việc SXKD thành công sản phẩm dầu dừa tinh khiết mang lại cho bà con xã viên HTX mỗi năm khoảng 3,5 tỉ đồng, trong đó thu nhập từ bán dừa tươi cho xưởng SX khoảng 2,4 tỉ đồng, tương ứng với 240 ngàn trái dừa/năm; còn thu từ SX bánh tráng nước dừa 2 tỷ đồng/năm. Mô hình SX dầu dừa hoàn toàn có khả năng tiếp tục nhân rộng để tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn. Hơn nữa, việc SX dầu dừa tinh khiết tận dụng tối đa các thành phần của trái dừa tươi, góp phần thúc đẩy ngành chế biến dừa ở Bình Định phát triển.

Không chỉ chú trọng lĩnh vực SXKD, làm dịch vụ, HTX Ngọc An luôn quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, củng cố hoạt động chỉ đạo, điều hành SX, đảm bảo tất cả các khâu dịch vụ cho xã viên trong SXNN.

15-10-21_3
Sản phẩm bánh tráng nước dừa của HTXNN Ngọc An

Hiện nay, HTX Ngọc An có 15 cán bộ quản lý. Với cách quản lý hiện đại, HTX đã thu hút 4/15 cán bộ có trình độ đại học, còn lại đều có trình độ cao đẳng, trung cấp. Hàng năm, HTX đều có kế hoạch đào tạo cán bộ để nâng cao năng lực chuyên môn. Về tiếp cận thị trường, HTX tiến hành tham gia các hội chợ trưng bày các mặt hàng nông sản thực phẩm, làng nghề truyền thống, các cuộc tiếp xúc với khách hàng. Nhờ vậy, các sản phẩm được SX từ dừa của HTX đã được nhiều đối tác chấp nhận, đặc biệt là các siêu thị trong và ngoài tỉnh, như: Hệ thống siêu thị Co.opmart, siêu thị Vinatex Kon Tum, Vinatex Pleiku, Chi nhánh Cty CP Gia Lai CTC tại tỉnh Quảng Nam…

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, nhận định: “Đội ngũ điều hành HTXNN Ngọc An hết sức năng động, sáng tạo, đã làm ra những sản phẩm khác biệt mang tính đặc sản với nhiều phương án tiếp cận thị trường, nên đầu ra của sản phẩm rất tốt. Cán bộ làm việc hưởng lương theo năng lực, kích thích được sức sáng tạo và năng động của những người làm công tác quản lý. Đó là mấu chốt làm nên sự thành công của HTXNN Ngọc An”.

“HTX hiện có khoảng 1.200 hộ xã viên, mỗi hộ trồng bình quân 40 – 50 cây dừa. Sản phẩm dừa của các hộ xã viên được HTX thu mua cả dừa già lẫn dừa non. Hiện nay, cả làm bánh tráng nước dừa lẫn chế biến dầu dừa tinh khiết, mỗi ngày HTX sử dụng khoảng 1.500 quả dừa già, 1 năm sản xuất 8 tháng. Sau khi mở ra 2 khâu dịch vụ sản xuất bánh tráng nước dừa và chế biến dầu dừa tinh khiết, HTX bao tiêu dừa cho bà con ngày một tốt. Doanh thu SX bánh tráng nước dừa, dầu dừa tinh khiết và các dịch vụ của HTX hiện mới đạt khoảng 7 tỷ đồng mỗi năm nhưng chắc chắn sẽ tăng nhanh trong thời gian tới khi đầu ra sản phẩm được mở rộng”, ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTXNN Ngọc An.

 

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm