| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 06/07/2020 , 07:49 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 07:49 - 06/07/2020

Một miếng khi đói...

Chính sách hỗ trợ bằng gói 62.000 tỷ được ban hành đã lâu, nhưng theo báo cáo mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, mới có 17.500 tỷ đồng được chuyển đến tay người được thụ hưởng.

Đại dịch COVID 19 đã làm đảo lộn mọi hoạt động, làm ảnh hưởng đến đời sống của toàn xã hội, trong đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những công nhân lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất vì dịch bệnh, những người buôn thúng bán mẹt, những hộ nghèo, cận nghèo, những gia đình chính sách...

Trước tình hình đó, Chính phủ đã dùng 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho những người thuộc diện nói trên để giúp người dân vượt qua cơn hoạn nạn. Có thể nói đây là một chính sách cực kỳ nhân văn, thể hiện tinh thần “tất cả vì nhân dân” của Đảng và Nhà nước...

Tuy chính sách hỗ trợ bằng gói 62.000 tỷ đồng được ban hành đã lâu, nhưng theo báo cáo mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 30/6/2020, mới có 17.500 tỷ đồng được chuyển đến tay người được thụ hưởng, tức là chưa đến 30% số người được thụ hưởng so với dự kiến ban đầu...

Nhân dân có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi dịch bệnh đang hoành hành, người người phải ở nhà do lệnh giãn cách xã hội trong khi những người được gọi là trụ cột của gia đình thì lòng dạ nóng sôi, vì chưa biết ngày mai lấy gì để duy trì cuộc sống của gia đình. Những lúc ấy, dù chỉ một vài trăm ngàn, mươi lăm cân gạo thôi trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng mà được chuyển đến, thì ý nghĩa của chúng sẽ lớn lao vô cùng.

Hàng triệu người nghèo đã dài cổ mong chờ trong lúc cuộc sống đang trong lúc cực điểm khó khăn, nhưng những đồng tiền, bát gạo cứu trợ vẫn không đến. Nay thì lệnh giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ do dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ nhưng đã tạm dừng, kinh tế cả nước đang dần dần hồi phục, những người nghèo “lại được đổ mồ hôi”. Lại được đổ mồ hôi, nghĩa là lại có tiền, thì lúc này gói hỗ trợ mới đến tay. Tuy rằng cũng quý, nhưng ý nghĩa của những đồng tiền, bát gạo hỗ trợ cũng giảm đi rất nhiều.

Sở dĩ có tình trạng trên, là do có nhiều địa phương đã quá thận trọng trong khâu xét duyệt dẫn đến chậm trễ. Nhưng ngược lại, có những địa phương lại cố tình làm sai chính sách, người không đáng được hưởng, thậm chí cả người đã chết, người đang đi tù... cũng được hưởng, trong khi những người xứng đáng thì lại chỉ biết trơ mắt đứng nhìn, gây nên những thắc mắc, khiếu kiện ở địa phương.

“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn còn văng vẳng bên tai.