Hai nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp nuôi tôm Thái Lan sa sút là do đại dịch Covid-19 và tỷ giá đồng bạt mạnh.
Ông Somsak Paneetatyasai, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan cho biết, đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai ở nhiều quốc gia vừa qua đã tiếp tục giáng một đòn nữa làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ tôm trong dịp Giáng sinh và năm mới 2021.
Trước đó, hồi cuối năm ngoái Hiệp hội dự báo hoạt động xuất khẩu tôm của Thái Lan sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 20% trong năm nay, cùng với sản lượng tăng. Tuy nhiên tính đến hết 10 tháng đầu năm 2020, lượng tôm xuất khẩu mới đạt 123.297 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, và giảm 11% về giá trị xuống còn 35,9 tỷ bạt.
Ông Somsak ước tính, sản lượng tôm Thái Lan trong năm nay chỉ đạt khoảng 270.000 tấn, giảm 7% so với mức 290.000 tấn của năm 2019, do dịch bệnh trên tôm và nhu cầu tiêu thụ xuống thấp trong thời kỳ đại dịch.
Theo ông Somsak , tổng sản lượng tôm của thế giới năm nay dự kiến cũng giảm 3%, xuống còn 3,32 triệu tấn. Tuy nhiên vị này tỏ ra khá lạc quan về triển vọng năm tới, dự báo sản lượng tôm của Thái Lan sẽ tăng trưởng 15%, đạt 310.000 tấn và lượng xuất khẩu cũng tăng 15%, trong đó nhu cầu nội địa ước tính sẽ chiếm khoảng 25% tổng sản lượng tôm.
"Trở ngại chính đối với ngành công nghiệp tôm nội địa là tỷ giá đồng bạt đã mạnh lên 11% so với năm 2017, khi trung bình 33,68 đồng bạt ăn 1 USD. Trong khi đó đồng rupee của Ấn Độ và đồng Việt Nam đã suy yếu lần lượt 14% và 2% trong cùng thời điểm”, ông Somsak nói.
Chủ tịch Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Thái Lan, Banjonk Nissapawanich cho biết, hiện người nuôi tôm ở tất cả các vùng trong nước đang phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh trên tôm lan rộng. Cụ thể là hội chứng phân trắng, bệnh đốm trắng và hội chứng chết sớm đang cản trở hiệu quả ngành sản xuất tôm nói chung.