Tập đoàn Phúc Sinh không chỉ là đơn vị xuất khẩu nông sản uy tín, mà còn chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu nông sản Việt Nam. Sau nhiều năm nghiên cứu và đầu tư, tập đoàn Phúc Sinh đã xây dựng nhà máy Phúc Sinh Sơn La để trực tiếp hỗ trợ bà con nông dân Sơn La chăm sóc và thu hoạch cà phê Arabica.
Từ sự thành công của sản phẩm Specialty Coffee Blue Son La, tập đoàn Phúc Sinh tiếp tục tung ra thị trường hai đặc sản từ cà phê Arabica vùng Tây Bắc, đó là Honey Process Coffee và Natural Process Specialty Coffee.
Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh Phan Minh Thông chia sẻ: “Với tình yêu dành cho Arabica Sơn La, tôi quyết tâm đưa giống cà phê thượng hạng này đến với nhiều người tiêu dùng trong nước và quốc tế, dẫu biết rằng sẽ có rất nhiều những khó khăn và thách thức”.
Honey Process Coffee và Natural Process Specialty Coffee được xác định là cà phê đặc sản dựa trên tiêu chí nào? Cà phê đặc sản là một loại cà phê hoặc trải nghiệm cà phê được công nhận nhờ các thuộc tính đặc biệt của nó. Các thuộc tính này có thể bao gồm hương vị, độ chua, độ ngọt, độ cân bằng, và độ sạch. Khi cà phê có các thuộc tính đặc biệt, nó sẽ có giá trị gia tăng đáng kể trên thị trường.
Cái khó của người chế biến là phải nghiên cứu và hiểu đặc tính hạt cà phê của từng vùng miền và chế biến theo phương thức phù hợp nhất để đẩy mạnh đặc tính tốt của hạt cà phê. Quan trọng hơn là khâu hái lựa trái chín 100%, chỉ cần lẫn cà phê chưa chín vào có thể làm hư cả một mẻ chế biến. Phương thức chế biến cà phê đặc sản đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiều công sức và thời gian hơn bình thường.
Vì chế biến theo cách thủ công nên sẽ không làm được nhiều vì trong quá trình chế biến (từ 10-30 ngày), người chế biến phải kiểm tra liên tục 24/7 để kiểm soát chất lượng cà phê.
Cà phê đặc sản của mỗi vùng miền đều khác nhau và riêng biệt, không thể “bắt chước” được. Cà phê Sơn La sẽ có vị đặc trưng, khác biệt so với cà phê ở Cầu Đất, Quảng Trị hay ngay cả vùng đất lân cận Điện Biên. Cùng 1 loại cà phê nhưng nếu chế biến khô có thể mang đến hương trái cây nhiệt đới, xoài, chocolate, còn chế biết bán ướt (honey) thì đem đến hương mật ong, chanh, caramel, hậu vị ngọt.
Sản xuất và kinh doanh cà phê đặc sản là không dễ, với cả người sản xuất lẫn người bán hàng. Cho nên, ông Phan Minh Thông nhấn mạnh: “Muốn có cà phê đặc sản cần phải có nhiều tình yêu, sự kiên trì và một chút may mắn nữa. Chúng tôi có những lúc vô cùng khó khăn và đầy thách thức, nhưng chúng tôi đã vượt qua trở ngại, để mang tới những hạt cà phê chất lượng tuyệt hảo cho người Việt Nam và người tiêu dùng trên toàn thế giới”.