| Hotline: 0983.970.780

Tôm hùm sống và cua sống nhiều ‘cửa sáng’ tại thị trường Trung Quốc

Thứ Tư 08/05/2024 , 15:00 (GMT+7)

Nhập khẩu cua sống của Trung Quốc tăng 26% lên mức ấn tượng 1,63 tỷ USD trong năm 2023; trong khi đó nhập khẩu tôm hùm sống cũng tăng vọt 29%, đạt 790 triệu USD.

‘Mảnh đất màu mỡ’ cho các nhà xuất khẩu thủy sản

Theo báo cáo của Cơ quan Các dịch vụ Nông nghiệp nước ngoài (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA), xuất khẩu tôm hùm sống của Hoa Kỳ sang Trung Quốc năm 2023 chứng kiến mức tăng trưởng mạnh, tăng 86%, đạt 182 triệu USD và chiếm 1/4 thị phần tôm hùm của Trung Quốc, mức cao nhất trong nửa thập kỷ.

Xuất khẩu tôm hùm sống của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đạt được sự tăng trưởng đáng kể như vậy một phần là do xuất khẩu tôm hùm từ Canada sang thị trường này sụt giảm.

Mặc dù vậy, Canada vẫn là nhà xuất khẩu tôm hùm sống số 1 sang thị trường Trung Quốc. Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 604 triệu USD tôm hùm sống từ Canada, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Nhu cầu tiêu thụ tôm hùm sống và cua sống của Trung Quốc đang tăng mạnh. Ảnh: SS.

Nhu cầu tiêu thụ tôm hùm sống và cua sống của Trung Quốc đang tăng mạnh. Ảnh: SS.

Còn với cua sống, xuất khẩu cua sống của Hoa Kỳ sang Trung Quốc năm 2023 đạt 73 triệu USD, trở lại mức tương tự như năm 2021 sau khi sụt giảm trong năm 2022.

Hoa Kỳ đứng thứ 4 về xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc khi chiếm 4,5% thị phần, đứng sau Nga (60%), Canada (10,5%) và Myanmar (5%).

Nga dẫn đầu xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc vì nước này có vị trí địa lý gần và có kết nối thương mại ổn định với Trung Quốc. Xuất khẩu cua sống của Nga sang Trung Quốc tăng 138% từ năm 2020 - 2023.

Tôm hùm sống, cua sống, động vật thân mềm và nhuyễn thể hai mảnh vỏ chiếm hơn 3/4 lượng hải sản sống nhập khẩu của Trung Quốc từ các nguồn cung trên toàn cầu.

Xuất khẩu cua sống của Myanmar sang Trung Quốc tăng 104% từ năm 2020 - 2023, một phần nhờ vào Thỏa thuận thương mại Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực và nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID.

Sự quan tâm sâu sắc của người tiêu dùng Trung Quốc đối với hải sản sống nhập khẩu mang đến cơ hội sinh lợi cho các nhà xuất khẩu thủy sản Hoa Kỳ, vì các mặt hàng thủy sản của Trung Quốc chưa có sự đa dạng, dù đây là quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới.

Người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay đang tiếp tục tìm kiếm các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao và được quốc tế công nhận.

Mức tiêu thụ thủy sản bình quân trên đầu người của Trung Quốc năm 2022 là 16,2 kg. Tuy nhiên, một số nguồn tin trong ngành cho hay, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tại thị trường này lên tới 40,33 kg. Trong khi đó, mức tiêu thụ thủy sản bình quân trên đầu người của Mỹ chỉ khoảng 9,5 kg. Con số này cho thấy sự chênh lệch khá cao để dễ dàng so sánh về nhu cầu.

Các món ngon như tôm hùm, cua hoàng đế, cua Dungeness đang có nhu cầu cao, đặc biệt dành cho những sự kiện danh giá như tiệc chiêu đãi, đám cưới.

Nhu cầu tiêu thụ tôm hùm sống và cua sống của Trung Quốc tăng mạnh là do người tiêu dùng ngày càng nhận thức rằng, hải sản là nguồn protein tốt cho sức khỏe và sự tiện lợi của các nền tảng thương mại điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu giao hàng nhanh chóng. 

Báo cáo của Cơ quan Các dịch vụ Nông nghiệp nước ngoài cũng cho hay, các nhà xuất khẩu thủy sản Hoa Kỳ có thể tận dụng xu hướng này bằng cách cung cấp những sản phẩm hải sản mà các nhà cung cấp nội địa Trung Quốc không thể sánh được về chất lượng và sự đa dạng.

Ngoài ra, các ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán và Tết Trung thu cũng là mùa cao điểm để tăng doanh thu từ việc bán hải sản sống. Các nhà xuất khẩu thủy sản Mỹ được hưởng lợi đáng kể khi khai thác thị trường này trong thời gian lễ hội này.

Xuất khẩu tôm hùm và cua của Việt Nam bứt phá mạnh mẽ

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hết quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,95 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ bứt phá mạnh hơn hẳn, tăng trưởng 14,1%, đạt gần 324 triệu USD.

Đối với xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong quý I năm nay vẫn duy trì mức tương đương năm trước.

Trong khi đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 314 triệu USD. Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc.

Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua của Việt Nam sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý I năm nay, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với quý I/2023.

Nhiều chuyên gia thủy sản nhận định, người Trung Quốc là “vua của chế biến” nên thị trường này rất thích nguyên liệu, nhất là các mặt hàng hải sản sống, chẳng hạn như cua và tôm hùm. Lao động hiện nay cũng chưa phải có thu nhập quá cao nên nhu cầu đối với thủy sản chế biến sẵn là không cao.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho hay, Trung Quốc có truyền thống ưa chuộng mặt hàng thủy sản tươi sống nhưng hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khi sang thị trường này bị hạn chế bởi những quy định về xuất khẩu theo đường chính ngạch đối với thủy sản tươi sống.

Yêu cầu quản lý theo chuỗi sản xuất

Đối với thủy sản sống, hiện Trung Quốc đang yêu cầu quản lý theo chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi trồng/khai thác, đến thu hoạch/thu gom, vận chuyển, bao gói và xuất khẩu tiêu thụ. Đặc biệt hiện nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đang đề nghị góp ý cho dự thảo nghị định thư đối với thủy sản sống của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Theo đó, Trung Quốc đang yêu cầu các đối tượng tham gia vào quá trình này phải có mã số, phải có vùng nuôi, phải được kiểm soát và có khả năng truy xuất nguồn gốc...

Đối với thủy sản sống, hiện Trung Quốc đang yêu cầu quản lý theo chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi trồng/khai thác, đến thu hoạch/thu gom, vận chuyển, bao gói và xuất khẩu tiêu thụ. Ảnh: Hồng Thắm.

Đối với thủy sản sống, hiện Trung Quốc đang yêu cầu quản lý theo chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi trồng/khai thác, đến thu hoạch/thu gom, vận chuyển, bao gói và xuất khẩu tiêu thụ. Ảnh: Hồng Thắm.

Trung Quốc cũng yêu cầu các cơ sở bao gói phải thực hiện đăng ký và phải nằm trong danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc mới được tham gia vào công đoạn xuất khẩu thủy sản sống sang thị trường này.

Các yêu cầu cụ thể của Trung Quốc đối với thủy sản sống xuất khẩu gồm: Sản phẩm xuất khẩu nằm trong Danh mục được Trung Quốc công nhận, 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống.

Các cơ sở nuôi được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm/điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số/lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi (tôm sú, tôm thẻ sống).

NAFIQPM thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm cơ sở bao gói xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống, gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ đăng ký của cơ sở tới Vụ Giám sát Kiểm dịch động thực vật, GACC.

Vụ Giám sát Kiểm dịch động thực vật cập nhật danh sách cơ sở đáp ứng yêu cầu trên website của GACC.

Các lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư. Danh mục chứng thư hàng ngày gửi Hải quan Trung Quốc (Nam Ninh) để đối chiếu.

Riêng với tôm hùm bông, từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Và tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021. Do đó, Trung Quốc cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán tôm hùm bông tự nhiên. Cách xác định tôm hùm bông nuôi của Trung Quốc là không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi; nếu con giống phải là F2, nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên.

Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu tôm hùng bông phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc). GACC chỉ đạo hệ thống Hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.

Các cơ sở bao gói của Việt Nam nằm trong danh sách đăng ký xuất khẩu thủy sản sống sang Trung Quốc sẽ thực hiện yêu cầu về thẩm định, chứng nhận lô hàng thủy sản sống xuất khẩu sang thị trường này theo đúng quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT và 32/2022/TT-BNNPTNT…

Theo thống kê của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường (NAFIQPM), tính đến hết tháng 3/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1.517 lô hàng thủy sản sống sang Trung Quốc và hiện chưa có lô hàng nào bị cảnh báo về tồn dư hóa chất và kháng sinh.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất