| Hotline: 0983.970.780

Một nhà Mường học xuất sắc

Thứ Hai 12/06/2017 , 09:20 (GMT+7)

Nói đến nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân, có lẽ không ai hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật ở xứ Thanh không biết.

nhn-gii-thuong-nh-nuoc13443253
Nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật

Ông có trên nửa thế kỷ miệt mài tìm kiếm các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Mường, một nhà “Mường học” xuất sắc.
 

Đam mê và nội lực

Ngay từ nhỏ, Hoàng Anh Nhân đã rất thuộc lời ru của bà: “Phải lên cho đến trên Mường/ Mua cân sặng kiến cho nường (nàng) nhuộm răng”. Một câu ca chỉ 14 chữ mà trầm tích trong đó bao tình ý: Có chàng trai nọ lên tận đất Mường xa xôi, lạ thung lạ thổ, ăn sương nằm đất, lội suối vượt đèo mua sặng kiến là thuốc nhuộm răng đen, làm đẹp cho người tình. Chẳng gì thì “Răng đen đẹp một góc, tóc tốt đẹp nửa người”.

Từ quan niệm thẩm mỹ, từ mối liên hệ này cùng nhận thức “Người Việt và người Mường vốn có chung nguồn gốc nhưng do điều kiện tự nhiên và nhu cầu đời sống, một bộ phận người Mường đã men theo bờ đôi dòng sông lớn ở Thanh Hóa, lan tỏa về phía biển, kiến tạo nên vùng đồng bằng sông Mã, sông Chu rộng lớn. Họ tiếp cận với văn hóa Hán và trở thành người Kinh, Kinh đây là chỉ người Kinh kỳ kẻ chợ, dân số phát triển rất nhanh, trở thành cộng đồng dân cư lớn nhất tỉnh”, Hoàng Anh Nhân bị văn hóa Mường cuốn hút vì một lẽ tự nhiên: “Muốn hiểu biết văn hóa Việt thì trước hết phải hiểu văn hóa Mường và ngược lại”.

Hành trang đi vào con đường sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Mường của Hoàng Anh Nhân gồm một chiếc túi vải, vài bộ quần áo, dăm quyển vở, cây bút, đôi dép cao su, cái mũ kè cùng chiếc xe đạp cà tàng mấy mươi năm rong ruổi khắp các xã, huyện vùng cao Thanh Hóa. Hơn nửa thế kỷ lao động miệt mài, đi đến đâu ông cũng được bà con quý mến, năng quan sát, mải miết ghi chép, học hỏi. Nhiều năm, nhiều tháng ròng, ông thực sự “ba cùng” với bà con - “sang” lắm thì có bát cơm độn sắn, độn ngô khi đói; lúc trái gió trở trời nào có gì khác ngoài bát thuốc lá hái từ bụi cỏ, lùm cây… để đến hôm nay, ông được thừa nhận là một chuyên gia văn hóa Mường khả kính - thể hiện qua hàng chục đầu sách, bốn ngàn trang in.

Nhiều công trình trong đó được đánh giá cao, riêng bộ đôi tác phẩm "Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong" (NXB Văn hóa Dân tộc, 2008), "Văn hóa giao duyên Mường Trong" (NXB Văn hóa Dân tộc, 2011) vừa được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc đời - sự nghiệp của nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân đã chứng minh: Có niềm đam mê và nội lực, con người ta có thể gặt hái được thành công dù xuất phát điểm không thật tốt, dù phải trải qua “thống khổ đích lịch trình”.
 

Chuyên gia hàng đầu về Mường Trong

Ở thời điểm hiện tại, nếu cố PGS. Nguyễn Đức Từ Chi vẫn được coi là chuyên gia lớn nhất về người Mường Hòa Bình (Mường Ngoài) thì nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân là chuyên gia hàng đầu về người Mường Thanh Hóa (Mường Trong). Công trình của 2 ông đã đem đến một cái nhìn tương đối đầy đủ, toàn diện về người Mường ở Việt Nam. Bên cạnh Mường Ngoài là Mường Trong. Không có Mường Trong, bức khảm văn hóa về người Mường sao trọn vẹn cho được?

Và nếu cố PGS. Nguyễn Đức Từ Chi có "Hoa văn Mường" (phát hiện hoa văn cạp váy Mường là nơi duy nhất lưu giữ được dư ảnh của truyền thống nghệ thuật Đông Sơn); "Người Mường ở Hòa Bình" (qua nghiên cứu ruộng lang, dựng được mô hình chế độ nhà lang, góp phần nghiên cứu về nhà nước thời Văn Lang - Âu Lạc), Cosmologie Muong (Vũ trụ quan Mường: Khám phá được vũ trụ quan Mường là ba tầng bốn thế giới khi nghiên cứu tang ca)… thì nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân cũng góp công lớn trong việc sưu tầm, giới thiệu sử thi "Đẻ đất đẻ nước", toàn bộ hệ thống Mo lên trời (bài ca đưa hồn người đã khuất đến cõi vĩnh hằng); khảo sát, tìm hiểu những vấn đề quan yếu nhất của người Mường Trong như: Đời sống tinh thần - vật chất, nghệ thuật ẩm thực, lễ tục lễ hội…

Với "Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong", ngòi bút của ông như ngọn đèn đã rọi sâu vào những gì linh thiêng, huyền bí nhất trong đời sống tâm linh của một cộng đồng người, khẳng định điểm tích cực trong thế giới quan, nhân sinh quan của họ về lẽ sinh - tử. Với "Văn hóa giao duyên Mường Trong", ông tái hiện về “cấu trúc vốn có của văn hóa giao duyên Mường Trong gồm bốn loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian: Trò chơi dân gian là chơi bòn; họa tiết hoa văn là ký thác bằng hoa văn; nghi lễ dân gian lễ tri ân vua Ba Vì là chơi bông chơi hoa; diễn xướng dân gian là xường cài hoa đan trái” song cũng vô cùng đau xót vì “đến nay, hệ thống văn hóa giao duyên Mường Trong đã bị xé ra từng mảnh”.

Trong gia tài văn hóa của nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân, còn có tập đại thành Tuyển tập Sưu tầm - Nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa (1.300 trang khổ to, bìa cứng; Nxb Thanh Hóa 2015). Tựa sách ấy phản ánh chính xác những đóng góp của một đời cày cuốc trên cánh đồng văn hóa dân tộc. 

Có thể nói, Tuyển tập Sưu tầm - Nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa thêm một lần khẳng định tầm vóc Hoàng Anh Nhân. Tên ông vượt ra khỏi đèo Ba Dội, trở nên quen thuộc với các sinh hoạt của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; là niềm tự hào của bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân sinh năm 1936 tại xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. May mắn được trưởng thành ở một vùng quê văn hiến, trong một gia đình có nề nếp, trọng thi thư và đạo nghĩa…

Ông công tác trong ngành văn hóa từ năm 1960, ít năm sau bén duyên với kịch bản sân khấu, ít năm sau nữa được biệt phái sang Ban Dân tộc tỉnh làm công tác văn hóa quần chúng rồi mới trở về cơ quan cũ chuyên tâm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian.

 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm