| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 22/08/2021 , 19:33 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 19:33 - 22/08/2021

Một quyết định kịp thời và nhân văn

Một quyết định đã ra đời: từ nay, TP.HCM sẽ lo toàn bộ chi phí mai táng cho những trường hợp có thân nhân chết mà không lo được việc mai táng

Một cô sinh viên báo chí ở TP Hồ Chí Minh vừa ra trường có cha bị chết vì bạo bệnh. Trong lúc TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người thân và bạn bè không thể đến được. Nhà xác đã quá tải không thể chứa thêm, hơn thế nữa làm thủ tục đưa vào và đưa ra khỏi nhà xác rất phức tạp. Mai táng bằng hình thức hỏa thiêu thì mất từ 15 đến 25 triệu đồng, trong khi hai mẹ con cô chỉ còn vài trăm ngàn trong túi. Không còn con đường nào khác, cô sinh viên đành viết  trên trang cá nhân của mình gửi tới các thày cô giáo ở trường báo chí, nơi cô vừa theo học. Tiếng kêu thảm thiết “thày cô ơi…” của cô sinh viên đã làm nghẹn lòng rất nhiều người.

Một vị lãnh đạo Chính phủ biết được thông tin ấy. Ngay lập tức ông đã điện thoại trao đổi với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Và rất nhanh, một quyết định đã ra đời : từ nay, TP sẽ lo toàn bộ chi phí mai táng cho những trường hợp có thân nhân chết mà không lo được việc mai táng. Nếu chọn hình thức mai táng bằng hỏa thiêu, thì quân đội sẽ mang tro cốt về tận địa phương trao cho người nhà.

Đây là một quyết định rất kịp thời và đầy tính nhân văn. Quyết định này đã làm ấm lòng toàn xã hội trong lúc đại dịch COVID 19 đang hoành hành vô cùng dữ dội, chưa thể kiểm soát được. Có thân nhân bị chết là một tổn thất vô cùng lớn lao cho gia đình. Bình thường, khi việc đó xẩy ra, thì họ hàng, người thân và bạn bè, hàng xóm láng giềng đã ngay lập tức có mặt. Dù nghèo đến đâu thì với sự giúp đỡ của mọi người, việc mai táng, hậu sự cũng được lo chu đáo.

Nhưng trong trường hợp đang thực hiện việc giãn cách xã hội này, người dân, nhất là những người nghèo, đã suy kiệt về kinh tế. Người thân, họ hàng và bạn bè, hàng xóm láng giềng không thể sát cánh cùng tang chủ được, dù “nghĩa tử là nghĩa tận”, dù trong lòng có thương xót đến đâu. Lúc đó, nếu trong túi không có tiền, thì việc lo cho người chết được “mồ yên mả đẹp” trở thành một gánh nặng quá sức đối với gia đình. Mà người đã mất thì không thể để lâu.

Việc chính quyền vào cuộc, lo toàn bộ chi phí lo hậu sự cho những người nghèo bị chết mà thân nhân họ không thể lo được, đã giúp những người dân nghèo cất đi được một gánh nặng vô cùng lớn trên vai. Nhưng, điều quan trọng hơn, đó còn là một sự chia sẻ, sự động viên rất lớn về tinh thần đối với họ, bởi  chính quyền đã không bỏ rơi họ trong lúc hoạn nạn. Đó chính là sự hiện thực hóa tinh thần “không người dân nào bị bỏ rơi, không người dân nào bị đói cơm, rách áo” trong đại dịch, của Chính phủ.