| Hotline: 0983.970.780

Một vài thành ngữ về giáo dục

Chủ Nhật 20/11/2022 , 19:36 (GMT+7)

Thành ngữ 'học, học nữa, học mãi' và 'Sứ mệnh Iwakura' đã trở thành những thành ngữ, nhóm từ nổi tiếng tầm thế giới.

Hai nước Nga (Liên Xô), Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhất là về mặt quân sự, kinh tế. Nhiều ý kiến đồng thuận rằng, việc hai nước tập trung mạnh mẽ vào sự phát triển giáo dục là căn nguyên cho mọi sự phát triển sau này. Thành ngữ “học, học nữa, học mãi” và “Sứ mệnh Iwakura” đã trở thành những thành ngữ, nhóm từ nổi tiếng tầm thế giới, gắn liền với các chính sách giáo dục và canh tân đất nước.

Hình ảnh sứ đoàn của Nhật được Tổng thống Mĩ ULYSSES S. GRANT tiếp năm 1871.

Hình ảnh sứ đoàn của Nhật được Tổng thống Mĩ ULYSSES S. GRANT tiếp năm 1871.

Học, học nữa, học mãi

Thành ngữ “học, học nữa, học mãi” (tiếng Nga: учиться, учиться и учиться; tiếng Việt: học, học, học) của V. Lenin (1870-1924) rất phổ biến trên thế giới cũng như Việt Nam. Ý nghĩa chung của câu này khá dễ hiểu, khuyên rằng phải luôn luôn không ngừng học tập. Nó vốn được rút ra từ một bài báo của ông, tên là “Sự đổi hướng của Nền dân chủ Xã hội Nga” được viết năm 1899.

Đoạn trích có thành ngữ trên được dịch nguyên văn như sau: “Trong khi giới thượng lưu mất sự quan tâm vào văn chương trung thực, bất hợp pháp, thì có một khát khao say đắm giữa những người công nhân tới sự hiểu biết và chủ nghĩa xã hội; những người anh hùng thật sự nổi lên từ những người công nhân, họ đã bất chấp điều kiện sống tồi tệ, bất chấp sự lao động nặng nhọc và khó khăn tại nhà máy - tìm thấy trong họ nhiều tính cách và khát khao để học, học, và học, và để phát triển ý thức xã hội dân chủ từ bản thân họ, để trở thành giới tri thức lao động”.

Trong khoảng thời gian 1899, Lenin đang bị chính quyền Sa hoàng kết án 3 năm bị đày ở Siberia. Tuy nhiên, ở nơi xa xôi này ông vẫn viết báo, sách như một hình thức đấu tranh, như cuốn sách Sự phát triển của Chủ nghĩa tư bản Nga (1899).

Nước Nga vào năm 1897, chỉ có 28% dân số biết chữ. Có nhiều trường đại học dành cho giới thượng lưu, nhưng với đa số người dân thì không có cơ hội như vậy. Vì vậy, từ thực tiễn đó, một mặt Lenin đã tìm cách đánh vào điểm yếu của chế độ Sa hoàng, mặt khác việc khuyến khích học tập cho giới công nhân là một chính sách để thu hút giới công nhân và cũng để hiện đại hóa đất nước sau này.

Quả thật vậy, Cách mạng tháng Mười thành công, năm 1917 Lênin đã tuyên bố mục đích chính của chính quyền Soviet là loại bỏ nạn mù chữ. Một hệ thống giáo dục bắt buộc chung được thành lập. Hàng triệu người lớn đã tham gia vào các trường học xóa mù chữ, trẻ em được ưu tiên. Vào năm 1926, tỉ lệ biết chữ tăng lên 56,6% tổng dân số, vào năm 1937, tỉ lệ biết chữ là 75%.

Những thành công trong cải cách giáo dục đó đã góp phần quan trọng giúp Liên Xô trở thành một nước hùng mạnh. Chính sách của Lenin cũng được cho là đã gây ảnh hưởng tới một số chính trị gia nổi bật khác như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông (Trung Quốc). Họ cũng đã tiến hành những chính sách mà đặt việc xóa mù chữ là trọng tâm như Bình dân học vụ ở Việt Nam (1946) và đã thu được kết quả tốt đẹp.

Thành ngữ “học, học nữa, học mãi” nếu đặt vào bối cảnh thế kỉ 19, khi mà việc học chỉ dành cho giới thượng lưu trong xã hội, việc khuyến khích việc học tập cho người lao động lúc đó, cùng với những chính sách về giáo dục tập trung vào đa số người dân đã làm câu thành ngữ vô cùng ý nghĩa và còn giá trị cho đến ngày nay.

Sứ mệnh Iwakura

Iwakura Mission (Sứ mệnh Iwakura; Iwakura là tên của một chính khách nổi tiếng tham gia vào sứ mệnh này) nhằm nói tới chuyến hải trình ngoại giao của Nhật Bản tới Mĩ và châu Âu được thực vào khoảng 1871 tới 1873 mà được lãnh đạo bởi các chính khách và học giả của thời kì Minh-trị.

Nhóm gồm 107 thành viên, lãnh đạo là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Iwakura và 4 phó đại sứ, 4 vị này cũng là bộ trưởng lúc đó. Đặc biệt phái đoàn đã cử 43 sinh viên Nhật để gửi đi du học ở các nước có nền kinh tế phát triển.

Bối cảnh nước Nhật lúc đó bị cô lập bởi thế giới suốt khoảng thời gian từ 1600 tới triều Tokugawa (1600-1867). Tuy triều Tokugawa đã để lại cho nước Nhật một di sản giá trị về mặt giáo dục: tỉ lệ biết chữ đối với dân thường tăng, hệ tư tưởng coi trọng nhân tài, và sự nhấn mạnh vào kỷ luật và tài nghệ. Năm 1860, khoảng 45% bé trai, và 15% bé gái đi học.

Tỷ lệ đó không thua kém các nước châu Âu vào lúc đó. Tuy nhiên để chuyển tiếp từ xã hội phong kiến tới đất nước hiện đại như châu Âu, người Nhật lúc đó cho rằng phải học hỏi phương pháp khoa học, kĩ thuật và giáo dục từ Tây phương.

Ý tưởng ban đầu được đề xuất bởi một cha đạo và kĩ sư người Hà Lan tên là Guido Verbeck, dựa trên những thành công mà Pi-ốt Đại đế của Nga đã từng làm tương tự trong quá khứ với nước Nga từ năm 1697 tới 1698 khi vị vua này dẫn một phái đoàn Nga tới thăm viếng và học hỏi nhiều kĩ thuật quân sự từ phương Tây.

Sứ đoàn Nhật đã tới Mĩ vào năm 1871, ở San Francisco, sau đó tới thủ đô Whasington để nỗ lực đàm phán lại một số hiệp ước nhưng không thành công. Họ cũng tới thăm các trường học và học hỏi nhiều chính sách về giáo dục Mĩ.

Sau đó, sứ đoàn tới Anh năm 1872, ngoài việc thăm các học viện quân sự, giáo dục, họ đã gặp các nhà công nghiệp, thăm các công ty, xí nghiệp, mỏ khai thác ở nơi này. Vào năm 1873, sứ đoàn thăm lần lượt các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Áo, Ý, Thụy Sĩ. Sau khi quay về, lại thăm các nước Ai Cập, Yemen, Sri Lanka, Singapore, Sài Gòn, Hong Kong và Thượng Hải. Chuyến đi kết thúc chính thức vào ngày 13 tháng 9 năm 1873 khi họ cập bến Yokohama.

Chuyến đi được coi là không thành công với mục đích chính là điều đình lại các hiệp ước vốn bất lợi cho Nhật Bản lúc đó, nhưng mục tiêu thứ hai là họ đã quan sát, nghiên cứu toàn diện được hệ thống và cấu trúc của giáo dục, quân sự, công nghiệp hiện đại ở Mĩ và châu Âu. Nhờ đó đã cung cấp cho Nhật một sự thúc đẩy mạnh mẽ và kinh nghiệm mà họ đã thực hiện sau đó, gọi là Cải cách Minh Trị. “Sứ mệnh Iwakura” trở nên nổi tiếng, được nghiên cứu sâu rộng, nó trở thành một thành ngữ chỉ việc các nước lạc hậu thực hiện các nỗ lực ngoại giao, nhờ đó học tập khoa học, giáo dục của các nước tiên tiến hơn.

Ở Việt Nam vào thời Pháp thuộc, nhà ái quốc Phan Bội Châu được cho là đã chịu ảnh hưởng bởi những gì người Nhật đã làm thành công trong quá khứ. Ông sang Nhật hoạt động và đã khuyến khích nhiều thanh niên Việt Nam thời đó sang Nhật học tập nhằm canh tân đất nước, gọi là phong trào Đông Du.

Xem thêm
Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh sắp kết hôn

Thông tin Đinh Mạnh Ninh sắp kết hôn đã được bạn bè của anh chia sẻ trong thời gian gần đây, khoảng hơn 2 tuần nữa sẽ diễn ra đám cưới.

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

20 đội tranh giải bóng đá nam công nhân tỉnh Bình Dương

Giải khởi tranh ngày 19/5, thi đấu theo thể thức loại trực tiếp, nhằm hưởng ứng Tháng Công nhân và Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bình Dương lần thứ VIII.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.