| Hotline: 0983.970.780

Ngôi trường rất đặc biệt, phần lớn giáo viên là người tha phương

Thứ Bảy 19/11/2022 , 16:17 (GMT+7)

Kiên Giang Ở Thổ Châu có ngôi trường rất đặc biệt, phần lớn giáo viên là người tha phương, đã đưa con chữ vượt trùng khơi, mến trẻ, yêu nghề, rồi gắn bó cả đời với đảo. 

Cổng trường luôn rộng mở

Giữa tháng 11, tôi có chuyến đi ra thăm xã đảo Thổ Châu, thuộc thành phố Phú Quốc. Đây là xã đảo xa xôi, cách trở nhất của tỉnh Kiên Giang. Để đến được đảo, con đường duy nhất là vượt biển với hai chặng tàu, phà. Từ đất liền ra Phú Quốc có thể đi bằng tàu cao tốc, phà hoặc máy bay với rất nhiều chuyến trong ngày. Nhưng từ đảo ra đảo thì duy nhất chỉ có một chiếc tàu khách mà phải đợi 5 ngày mới có một chuyến.

Trường Tiểu học và THCS Thổ Châu đã được đầu tư xây dựng khá khang trang với điểm trường dành riêng cho mẫu giáo có phòng học rộng rãi và sân vui chơi cho các em. Ảnh: Trung Chánh.

Trường Tiểu học và THCS Thổ Châu đã được đầu tư xây dựng khá khang trang với điểm trường dành riêng cho mẫu giáo có phòng học rộng rãi và sân vui chơi cho các em. Ảnh: Trung Chánh.

Xã đảo Thổ châu có diện tích 2.634 ha, gồm 8 hòn đảo, đảo lớn nhất là Thổ Chu, tập trung dân sinh sống và là trung tâm hành chính xã. Nói đến Thổ Châu là nhắc nhớ đến một biến cố lịch sử khi bọn diệt chủng Pôn Pốt - Khmer Đỏ đã bắt và thủ tiêu toàn bộ hơn 500 người dân vô tội chỉ trong một thời gian ngắn chiếm giữ đảo vào năm 1975.

Phần lớn phụ huynh ở đây là làm nghề biển nên giờ giấc sinh hoạt của các em học sinh cũng bị ảnh hưởng nhiều. Do vậy mà nề nếp nội quy nhà trường cũng không thể thực hiện cứng nhắc như những nơi khác được. Cổng trường luôn rộng mở để đón các em vào lớp, như là sự động viên để các em không nản chí bỏ học giữa chừng.

Vì vậy, trong suốt thời gian dài trên đảo chỉ có lực lượng vũ trang canh giữ đảo. Nhiều năm sau đó, mới có khoảng chục hộ dân được chính quyền hỗ trợ, tình nguyện ra đây sinh sống.

Theo ông Đỗ Văn Dừng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết, mãi đến tháng 4/1993 xã mới được thành lập, khi người dân cảm thấy an toàn, tập trung ra đảo làm ăn, sinh sống ngày càng nhiều. Hiện toàn xã có 541 hộ, với 1.889 nhân khẩu. Thu nhập của người dân trên đảo chủ yếu đến từ nghề biển, trung bình đạt 32 triệu đồng/người/năm. Hoạt động thương mại, dịch vụ toàn xã đạt khoảng 40 tỷ đồng/năm.

Sát ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi tìm ghé thăm các thầy, cô giáo đang giảng dạy trên đảo, những người đã đưa con chữ vượt trùng khơi. Đang ngày học nhưng sân trường im phăng phắc, không một bóng dáng học sinh. Duy chỉ có cô Hà Thị Oanh đang quét rác trước công trường. Sau một hồi trò chuyện tôi mới biết cô là Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Cô Oanh bảo: “Do các giáo viên của trường đang đi dự tập huấn nên mấy bữa nay học sinh được nghỉ. Ở đảo xa, giao thông cách trở, đi lại khó khăn lắm. Có khi chỉ đi tập huấn một, hai buổi nhưng mất luôn mấy ngày vì không có chuyến tàu để về. Cũng may là đợt này có chuyến về trước ngày 20/11 nên thầy và trò vẫn kịp tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam”.

Theo cô Oanh, trên địa bàn xã Thổ Châu hiện chỉ có duy nhất một ngôi trường Tiểu học và THCS Thổ Châu, nằm sát bên UBND xã. Đây là ngôi trường khá đặc biệt vì còn nhận học sinh cả cấp mẫu giáo, với một điểm trường cách đó cũng không xa, do một cô Phó Hiệu trưởng phụ trách. Năm học 2022 - 2023, trường có 311 học sinh, gồm 2 lớp mẫu giáo mầm non, 6 lớp tiểu học và 4 lớp THCS.

Năm học 2022 - 2023, trường Tiểu học và THCS Thổ Châu có 311 học sinh, gồm 2 lớp mẫu giáo mầm non, 6 lớp tiểu học và 4 lớp THCS. Ảnh: Trung Chánh.

Năm học 2022 - 2023, trường Tiểu học và THCS Thổ Châu có 311 học sinh, gồm 2 lớp mẫu giáo mầm non, 6 lớp tiểu học và 4 lớp THCS. Ảnh: Trung Chánh.

Học sinh ở Thổ Châu khá thiệt thòi vì chỉ được học gần nhà đến hết lớp 9, muốn học lên tiếp là phải vào thành phố Phú Quốc hoặc về đất liền theo học. Nếu gia đình có người thân, ông bà thì các em đỡ vất vả, không thì phải ở nhà trọ, tự lập lo ăn uống. “Do đặc thù sống ngoài đảo xa, nên khi cha mẹ có việc về đất liền, là các em nhỏ học sinh mẫu giáo cũng phải đi theo, có khi nghỉ học cả tuần. Cũng có một số em lớn cấp hai, học về là theo cha mẹ đi làm thuê ở các xưởng sơ chế hải sản kiếm thêm thu nhập. Khi hết lớp 9 lên lớp 10 các em rất dễ nghỉ học vì phải đi xa nhà, nên thường chỉ có khoảng 50-60% học sinh tiếp tục theo học”, cô Oanh Tâm sự.

Một lần ra chơi gắn bó cả đời với đảo

Có một điều khá đặc biệt ở ngôi trường Thổ Châu là phần lớn giáo viên đều là những người từ nơi khác đến đây giảng dạy. Có những giáo viên gia đình ở Tận Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa… Toàn trường hiện có 28 cán bộ, giáo viên thì chỉ có 6 giáo viên là con, em tại xã đảo. Phó Hiệu trưởng Hà Thị Oanh bảo, 6 giáo viên này là học sinh cũ của trường, sau khi học xong ngành sự phạm đã xin về trường giảng dạy. Đây cũng là niềm vui, niềm tự hào của những giáo viên nơi đây vì bao năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, nay đã thu hái được những trái ngọt.

Cô giáo Hà Thị Oanh không ngờ lần vào thăm chồng là một quân nhân chuyên nghiệp đang đóng quân ở Thổ Châu mà lại gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp giáo dục nơi đảo xa đến nay đã ngót gần 30 năm. Ảnh: Trung Chánh.

Cô giáo Hà Thị Oanh không ngờ lần vào thăm chồng là một quân nhân chuyên nghiệp đang đóng quân ở Thổ Châu mà lại gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp giáo dục nơi đảo xa đến nay đã ngót gần 30 năm. Ảnh: Trung Chánh.

Bản thân cô Oanh cũng là một giáo viên từ nơi khác đến xã đảo Thổ Châu giảng dạy. Sinh ra ở huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, cô gái Hà Thị Oanh không ngờ lần vào thăm chồng là một quân nhân chuyên nghiệp đang đóng quân tại đảo, mà lại gắn bó cuộc đời mình với đảo xa đến nay đã ngót gần 30 năm.

Cô Oanh nhớ lại: “Năm 1995, tôi một mình khăn gói từ Bắc vào Nam thăm chồng. Khi ấy điều kiện còn rất nhiều khó khăn, ngoài đảo xa như Thổ Châu càng khó khăn hơn. Con em ở đảo tới tuổi đi học nhưng lại thiếu giáo viên, mấy chú bộ đội phải dạy kèm. Thấy vậy, lúc rảnh rỗi tôi cũng xin vào dạy kèm các em cho vui, ai ngờ lại gắn bó cuộc đời với sự nghiệp giáo dục luôn”.

Khi ấy, cô Oanh mới tốt nghiệp cấp 3, không có chuyên môn sư phạm. Nhưng ở đảo đang thiếu giáo viên nên xin vào dạy kèm cho các em, không có lương, mà chỉ được bồi dưỡng. Để đủ điều kiện dạy học theo quy định, ngay mùa hè năm ấy cô Oanh đã đăng ký theo học lớp Trung cấp sư phạm tại Rạch Giá, Kiên Giang. Vừa học vừa làm, cứ mỗi năm lại tập trung học 3 tháng hè, đến năm 1999 thì tốt nghiệp. Sau đó, lại tiếp tục đăng ký học hệ từ xa Đại học sư phạm Hà Nội, đến năm 2005 thì hoàn thành.

Sự hồn nhiên của những học sinh mầm non ở xã đão Thổ Châu đã 'níu chân' không ít giáo viên từ nơi xa gắn bó với đảo không thể rời. Ảnh: Trung Chánh. 

Sự hồn nhiên của những học sinh mầm non ở xã đão Thổ Châu đã "níu chân" không ít giáo viên từ nơi xa gắn bó với đảo không thể rời. Ảnh: Trung Chánh. 

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô Oanh không ngờ mình đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục, gắn bó với đảo khơi xa đến nay đã là 27 năm. Đã có bao thế hệ học sinh ra trường, vào đất liền học lên tiếp và đi làm, trưởng thành. Vợ chồng cô Oanh có 2 người con sinh ra và lớn lên từ đảo. Hiện người con lớn đang là giáo viên giảng dạy ở cồn Tân Lộc, thành phố Cần Thơ. Người con nhỏ cũng đã trưởng thành, theo nghiệp quân nhân của cha.

Tương tự, Hoàng Thị Huệ, một cô giáo mầm non tốt nghiệp ngành sư phạm ở Hà Nội cũng tự chọn cho mình ngôi trường giữa đảo khơi để giảng dạy. Khi đang là giáo viên dạy học ở quê nhà huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, mùa hè năm 2006, Huệ lần đầu ra đảo Thổ Châu thăm chồng. Cô Huệ tâm sự: “Mục đích chuyến đi là để thăm chồng, để biết hòn đảo xa xôi mà chồng đang đóng quân. Nhưng rồi tình cảm thôi thúc tôi đã quyết định xin chuyển trường ra đây giảng dạy luôn. Một phần vì để vợ chồng có điều kiện gần gũi nhau nhiều hơn, phần vì tình yêu mến với quê hương biển đảo thiêng liêng”.

Ở Thổ Châu có ngôi trường rất đặc biệt, phần lớn giáo viên là người tha phương, đã đưa con chữ vượt trùng khơi, mến trẻ, yêu nghề, rồi gắn bó cả đời với đảo. Ảnh: Trung Chánh.

Ở Thổ Châu có ngôi trường rất đặc biệt, phần lớn giáo viên là người tha phương, đã đưa con chữ vượt trùng khơi, mến trẻ, yêu nghề, rồi gắn bó cả đời với đảo. Ảnh: Trung Chánh.

Cô Huệ nhớ lại, khi mới ra trên đảo chưa có trường mẫu giáo, mà chỉ có một điểm giống như nhóm trẻ. Là người mới tới, không có chỗ ở, cô Huệ được bố trí cho một phòng nhỏ kế bên lớp học để ở tạm. Hiện nay, trường Tiểu học và THCS Thổ Châu đã được đầu tư xây dựng khá khang trang, với điểm trường dành riêng cho mẫu giáo phòng học rộng rãi, có sân vui chơi cho các em. Cô Hà Thị Huệ được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng phụ trách điểm trường mầm non theo đúng chuyên môn. Nhà trường cũng đã có nhà công vụ riêng, với 6 phòng, nhằm chia sẻ khó khăn về chỗ ở với những giáo viên ở xa đến đây công tác.

Hàng chục năm gắn bó với nghề giáo nơi biển đảo, với biết bao thế hệ học sinh đã ra trường, học lên tiếp và trưởng thành, đó là niềm vui của những giáo viên chọn Thổ Châu là quê hương thứ hai như cô Oanh, cô Huệ… Họ được ví như những “Người lái đò” đã đưa con chữ vượt trùng khơi đến với đảo. Từ những người tha phương, bây giờ nhiều giáo viên đã mua đất, xây nhà và trở thành công dân, gắn bó cả cuộc đời với hòn đảo tiền tiêu Thổ Châu ở vùng biển cực Tây Nam của Tổ quốc.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.