| Hotline: 0983.970.780

Niềm vui trở lại nơi 'rốn lũ' Mù Cang Chải

Thứ Tư 18/10/2023 , 15:24 (GMT+7)

2 tháng sau cơn lũ lịch sử, cuộc sống của người dân ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) ổn định. Các gia đình tất bật dựng lại nhà cửa, khôi phục sản xuất.

Niềm vui trong những ngôi nhà mới

Mù Cang Chải sau hơn 2 tháng kể từ thời điểm xảy ra đợt mưa lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, những giọt nước mắt đau thương của bà con, khung cảnh hoang tàn, thiệt hại do thiên tai gây ra đang dần lùi vào quá khứ.

Những ngôi nhà mới đang được dựng lại khang trang rộng rãi. Những khu tái định cư mới hình thành. Niềm vui rạng ngời trên gương mặt người dân khi đang cùng nhau lợp mái, ghép ván, đổ nền cho những ngôi nhà mới của mình.

Những ngôi nhà mới tại khu tái định cư Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải đang dần được hoàn tất. Ảnh: Thanh Tiến.

Những ngôi nhà mới tại khu tái định cư Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải đang dần được hoàn tất. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Gia đình anh Thào A Chú ở bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải là một trong những hộ dân có nhà ở bị cơn lũ quét đêm ngày 5/8 làm sập đổ hoàn toàn. Toàn bộ tài sản trong nhà trôi theo dòng nước dữ, may mắn toàn bộ người thân trong gia đình an toàn. Sau lũ, cả gia đình 7 người phải ở nhờ nhà hàng xóm nhiều ngày. Tuyệt vọng vì không biết bắt đầu lại từ đâu.

Trong lúc gian nguy đó, gia đình anh Thào A Chú đã nhận được sự đùm bọc. Dân bản, chính quyền địa phương hỗ trợ tiền và cấp đất dựng lại ngôi nhà. Đến nay, ngôi nhà mới của anh đang được hoàn thiện những công đoạn cuối cùng.

Anh Thào A Chú bộc bạch: “Ngay sau khi thiệt hại xảy ra, gia đình tôi đã được Nhà nước kịp thời hỗ trợ tiền và nhu yếu phẩm để dựng nhà, ổn định cuộc sống. Không có gỗ nên tôi đã mua sắt về làm khung nhà, vừa chắc chắn lại kiên cố lâu dài. Vui nhất là được huyện cấp đất ở rộng rãi, an toàn tại khu tái định cư Hồng Nhì Pá cùng một số hộ khác nên không lo thiên tai sau này nữa”.

Những ngôi nhà 3 cứng tại khu tái định cư ổn định cuộc sống an toàn cho các hộ dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Những ngôi nhà 3 cứng tại khu tái định cư ổn định cuộc sống an toàn cho các hộ dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Gia đình anh Thào A Dê cũng là một trường hợp được cấp đất trong khu vực tái định cư dành cho hộ bị lũ quét, sạt lở đất cuốn trôi nhà ở. Gia đình Dê thuộc diện nguy cơ cao bị sạt lở đất nên buộc phải chuyển nơi ở. Sau khi đến khu tái định cư Hồng Nhì Pá, anh đã cùng người thân trong gia đình và nhờ hàng xóm hỗ trợ di chuyển nhà đến khu tái định cư để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Yên tâm với khu đất rộng, bằng phẳng và an toàn hơn, được Nhà nước hỗ trợ, anh Dê quyết định vay thêm tiền để làm ngôi nhà mới khang trang, đảm bảo kiên cố lâu dài.

Trong đợt mưa lũ lịch sử đầu tháng 8, xã Lao Chải có 35 ngôi nhà bị sạt lở, lũ quét làm sập đổ, cuốn trôi, hơn 50 nhà dân bị thiệt hại nặng và 38 hộ phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.

Ông Giàng A Hù - Phó Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải cho biết: “Để đảm bảo cho những hộ gia đình bị ảnh hưởng nhanh chóng có nhà ở mới, ổn định lại cuộc sống. Ngay sau đợt mưa lũ, chính quyền xã đã phối hợp với các ngành huy động các lực lượng tại chỗ kịp thời hỗ trợ các hộ làm lại nhà cửa”.

Các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ tiền mua vật liệu và cùng nhau dựng lại nhà ở khang trang, kiên cố hơn trước. Ảnh: Thanh Tiến.

Các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ tiền mua vật liệu và cùng nhau dựng lại nhà ở khang trang, kiên cố hơn trước. Ảnh: Thanh Tiến.

Chính quyền xã Lao Chải tìm quỹ đất để san gạt và phân bổ cho các hộ dân mất nhà và các hộ dân sống trong khu vực nguy cơ cao. Hiện nay các hộ dân ở xã đã làm lại nhà cửa đảm bảo ổn định cuộc sống. Chính quyền xã đang tiếp tục huy động các lực lượng tập trung giúp đỡ xây dựng các hạng mục khác: nhà vệ sinh, nhà bếp, hệ thống chuồng trại để người dân ổn định sinh hoạt và sản xuất.  

Cùng dân đi mua vật liệu xây dựng

Bài liên quan

“Cách hỗ trợ người dân ở Mù Cang Chải được thực hiện bài bản và hiệu quả, việc trao tiền làm nhà được chia ra các đợt khác nhau. Đặc biệt, công việc giám sát, kiểm tra được giao cho các ngành chức năng phối hợp với chính quyền cơ sở thực hiện chặt chẽ để người dân sử dụng đúng mục đích, không cho phép tiền hỗ trợ làm nhà sử dụng vào việc khác, thậm chí cùng người dân đi mua vật dụng xây dựng”, ông Nông Việt Yên – Bí thư Huyện ủy chia sẻ.

Nơi ở mới khang trang, sạch sẽ của người dân vùng lũ được xây dựng trên khu vực cao, đảm bảo theo đúng tiêu chí ba cứng: “nền cứng, khung cứng, mái cứng”.

Không có gỗ, nhiều hộ dân sử dụng sắt để làm khung nhà ở. Ảnh: Thanh Tiến.

Không có gỗ, nhiều hộ dân sử dụng sắt để làm khung nhà ở. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã hỗ trợ gần 8,5 tấn gạo, 11.000 m ống nước, 1.400 m2 ván làm nhà, 40 téc nước, 170 tấn xi măng và 600 tấm lợp cho các hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn và ảnh hưởng bởi mưa lũ. Ngoài ra, huyện giúp đỡ gần 50 hộ dân có nhà ở mới; khắc phục xong toàn bộ các ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Tất cả 5 công trình nước sạch đã được khắc phục xong, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Cuộc sống bình thường đang dần trở lại ở 'rốn lũ' Mù Cang Chải sau 2 tháng mưa lũ gây thiệt hại năng nề. Ảnh: Thanh Tiến

Cuộc sống bình thường đang dần trở lại ở "rốn lũ" Mù Cang Chải sau 2 tháng mưa lũ gây thiệt hại năng nề. Ảnh: Thanh Tiến

Huyện Mù Cang Chải đã thực hiện rà soát, tổng hợp cụ thể thiệt hại về người, tài sản, trồng trọt, chăn nuôi, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 7,1 tỉ đồng; phối hợp với UBND các xã rà soát diện tích đất có thể khôi phục sản xuất và khai hoang ruộng.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Công trình cấp nước miền núi ở Khánh Hòa: Công nghệ lạc hậu, vận hành yếu kém

Phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Khánh Hòa hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng.