| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá nước lạnh ở vùng cao mang lại thu nhập tiền tỷ

Thứ Ba 31/10/2023 , 08:57 (GMT+7)

YÊN BÁI Nghề nuôi cá đặc sản nước lạnh mang lại thu nhập tiền tỷ ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái đang mở ra hướng phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân.

Cơ sở nuôi cá tầm, cá hồi của ông Nguyễn Quang Huy ở huyện Mù Cang Chải được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại. Ảnh: Thanh Tiến.

Cơ sở nuôi cá tầm, cá hồi của ông Nguyễn Quang Huy ở huyện Mù Cang Chải được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại. Ảnh: Thanh Tiến.

Trại cá đặc sản rộng 2 ha ở lưng đèo

Cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ của ông Nguyễn Quang Huy nằm ở lưng đèo Khau Phạ (xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải) rộng khoảng 2 ha, được đầu tư xây dựng kiên cố, bài bản với nhiều khu vực riêng như: khu ương cá, khu ao nước chảy, khu xử lý nước...

Ông Huy chia sẻ: “Cách đây hơn chục năm, tỉnh Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong cả nước về nuôi cá tầm và cá hồi nên tôi đã đến tận nơi để tìm hiểu. Sau đó, tôi quyết định đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ vì Mù Cang Chải có môi trường nước lạnh, sạch và oxy hòa tan cao".

Hiện nay, mỗi năm cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ thả 50.000 cá giống, thu về khoảng 50 tấn cá thương phẩm. Cá giống lúc thả có trọng lượng từ 100-150gr, nuôi hơn 1 năm có thể đạt từ 2-2,5kg/con. Với giá cá tầm dao động từ 200-250 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm ông Huy lãi khoảng 4-5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Huy (bên trái) - Chủ cơ sở nuôi cá nước lạnh ở lưng đèo Khau Phạ. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Quang Huy (bên trái) - Chủ cơ sở nuôi cá nước lạnh ở lưng đèo Khau Phạ. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến nay, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có 4 trang trại nuôi cá tầm, diện tích nuôi trên 3,6 ha, hằng năm cung cấp ra thị trường gần 90 tấn cá thương phẩm. Theo những người nuôi cá ở đây, điều quan trọng khi nuôi cá tầm là quản lý môi trường nước bao gồm việc kiểm soát lượng oxy, điều chỉnh, duy trì nước chảy liên tục và duy trì nhiệt độ nước ở ngưỡng thích hợp. 

Tại huyện Trấn Yên, cá tầm được nuôi tập trung ở xã Việt Hồng với 4 cơ sở nuôi có quy mô nhỏ và vừa, trong đó mô hình của anh Đào Văn Phú ở Bản Nả là lớn nhất.

Năm 2019, anh Đào Văn Phú và anh Hoàng Văn Bình ở Bản Nả, xã Việt Hồng cùng nhau đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cá tầm quy mô hơn 2.300m2, với 11 bể nuôi cá thịt và 24 bể ươm cá giống, chủ yếu nuôi cá tầm Siberi.

Anh Phú chia sẻ: "Nghề ươm giống, nuôi thương phẩm cá tầm không mất nhiều công chăm sóc, song yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt là phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước lạnh sạch, khử trùng và điều chỉnh nhiệt độ nước đúng tiêu chuẩn thì cá sẽ ít bị nhiễm bệnh và sinh trưởng phát triển tốt. Thức ăn của cá không quá cầu kỳ, chủ yếu là thức ăn công nghiệp, ngoài ra có thể ăn thêm tôm, tép nhỏ. Mỗi lứa, cơ sở có thể nuôi được 5.000 con, sản lượng thu hoạch hơn 10 tấn, đem lại thu nhập gần 1,5 tỷ đồng".

Ông Hoàng Ngọc Đại - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái - thăm cơ sở nuôi cá tầm ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Hoàng Ngọc Đại - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái - thăm cơ sở nuôi cá tầm ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Cá tầm cũng đã được nuôi thành công tại xã Nà Hẩu (huyện Văn Yên) với sự vào cuộc, đầu tư bài bản của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu. Hiện, HTX có 13 thành viên với 24 bể bạt nổi, 2 ao lót bạt và 4 bể xây xi măng cốt thép, quy mô nuôi 10.000 con/lứa, trung bình mỗi lứa HTX xuất bán khoảng 8.000 con thương phẩm, sản lượng bình quân đạt trên 20 tấn/năm. Sản phẩm cá tầm Nà Hẩu cũng đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. Để phát triển hơn nữa, HTX đã tiến hành triển khai áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho thương hiệu cá tầm Nà Hẩu.

Môi trường, nguồn nước quyết định thành bại

Để phát triển bền vững loại hình chăn nuôi đặc sản nước lạnh cần chú trọng nhiều yếu tố như thị trường, nguồn nước, môi trường sống. Ngành Thủy sản Yên Bái đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững, khắc phục tận gốc tình trạng phát triển “nóng” và giảm thiểu tổn thương của ngành nghề này do các vấn đề về môi trường.

Loại cá tầm khá phù hợp với điều kiện khí hậu và nguồn nước ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Loại cá tầm khá phù hợp với điều kiện khí hậu và nguồn nước ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Quan điểm chiến lược phát triển thủy sản nước lạnh của tỉnh trong thời gian tới là không tăng nhiều diện tích nuôi, thay vào đó là tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng phòng dịch và quản lý chất lượng. Đặc biệt quan tâm bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, xử lý nghiêm các hành vi làm tổn hại môi trường tự nhiên.

Ông Hoàng Ngọc Đại - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái, cho biết: Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang khuyến khích nuôi một số sản phẩm đặc thù, đặc sản có lợi thế của địa phương như: Phát triển trang trại nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) tại các xã vùng cao huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên. 

Xem thêm
Nuôi tôm công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu

QUẢNG TRỊ Trong khi nuôi tôm truyền thống thường xuyên thất bát do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường thì những hộ nuôi tôm công nghệ cao vẫn ăn nên làm ra.

Nghịch lý tại cảng cá Cửa Hội: Chỉ có 1 tàu cá neo đậu

Được đầu tư xây dựng, nâng cấp với kinh phí 126 tỷ đồng nhưng hệ thống cầu cảng quy mô của cảng cá Cửa Hội hiện chỉ phục vụ 1 tàu cá vào neo đậu.

3 chiến lược giúp Vĩnh Hoàn ghi dấu ấn quốc tế trong lĩnh vực cá tra

Thương hiệu không chỉ đơn thuần là một cái tên hay logo, mà còn là cách mà sản phẩm cá tra được nhận diện và đón nhận nồng nhiệt trên thị trường.

Mong ngư dân vững tâm bám biển, ngã ở đâu đứng dậy ở đó

Đó là tâm tư của ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản gửi đến các tổ chức, cá nhân gặp biến cố từ đợt thiên tai, mưa bão mới đây.