Ở khu vùng đồi của ông Hoàng Biên, tổ dân phố Tân Yên, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) gần như mỗi nhà 1 quả đồi. Tiện chăm sóc vườn cam, ông Biên dựng căn nhà tạm vừa làm chỗ nghỉ chân, vừa làm nơi tập kết nguyên liệu làm ủ phân vào vụ cần bón thúc dưỡng cây. Vừa là nơi tập kết từng hộp xốp lớn nhỏ để đựng cam khi vào vụ thu hoạch.
Trồng cam hữu cơ, ông Biên thực hiện bón phân chuồng, phân làm từ đậu nành, cá; gừng tỏi ớt và rỉ mật được ông tích trữ cả tấn để dự trữ ủ. Ông Biên cho biết, cam hữu cơ ở Hàm Yên năm nay được giá hơn năm ngoái. Nếu năm ngoái giá là 27.000 - 28.000 đồng/kg năm nay cam có giá 32.000 đồng/kg. Tuy giá cao hơn nhưng người trồng cam cũng nhiều mối lo, đó là việc giá giống vật tư, tiền thuê nhân công cũng cao hơn. Tuy vậy, với 15 tấn cam ông thu về hơn 400 triệu, trừ chi phí ông lãi khoảng 300 triệu đồng.
Từ những người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ như ông Hoàng Biên ở thị trấn Tân Yên, phong trào trồng cam hữu cơ đã ngày càng mở rộng đến các địa phương khác trên địa bàn huyện Hàm Yên, bởi người nông dân ý thức được rằng, trồng cam theo hướng hữu cơ vừa giúp đất khỏe bền vững lại cho thu nhập ổn định và tiêu thụ thuận lợi.
Hiện nay, toàn huyện Hàm Yên thực hiện duy trì diện tích cam sản xuất hữu cơ và mở rộng diện tích trồng cam hữu cơ chuyển đổi là 22,6ha. Diện tích này tập trung chủ yếu tại các xã Bằng Cốc, Tân Thành, Nhân Mục và thị trấn Tân Yên.
Anh Hoàng Đức Hùng, thôn 2 Thuốc Thượng cũng là một trong những người tiên phong trồng cam hữu cơ ở xã Tân Thành, huyện Hàm Yên. Anh Hùng cho biết, năm 2018 anh bắt tay vào trồng cam theo hướng hữu cơ với diện tích 3ha.
Thời kỳ đấy, chuyện một người nông dân bỗng dưng không dùng thuốc trừ sâu, dùng phân hóa học bón cho vườn cam là chuyện lạ lẫm ở vùng cam quê anh. Câu chuyện trồng cam hữu cơ của anh càng được bàn tán khắp làng trên, xóm dưới khi vườn cam không thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học của anh sinh trưởng chậm, ít hoa đậu ít quả, giảm sản lượng.
Mặc kệ lời bàn tán của dân làng, anh Hùng vẫn quyết tâm làm cam hữu cơ. Nếu trước kia trồng cam thông thường, đến vụ bón phân anh chỉ cần mang lên đồi bón là xong, cây bị sâu bệnh thì phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ. Nhưng trồng cam hữu cơ quy trình hoàn toàn khác, mất nhiều thời gian và công sức hơn so với làm truyền thống.
Nguồn phân bón được anh ngâm, ủ từ đỗ tương, cá, quả chuối, thuốc trừ sâu là sử dụng hỗn hợp các loại củ quả từ tự nhiên, làm cỏ bằng phương pháp thủ công. Anh Hùng cho biết, từ khi làm cam hữu cơ ít phải tiếp xúc với hóa chất độc hại nên cơ thể cũng khỏe hẳn ra.
Sau hơn 4 năm kiên trì với mục tiêu đề ra, vườn cam hữu cơ của anh Hùng luôn được thị trường đón nhận, kể cả các siêu thị lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vụ cam năm nay, 3ha cam hữu cơ của gia đình anh Hùng cho năng suất đạt khoảng 30 tấn. Với giá bán tại vườn hơn 30.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần so với cam trồng theo thông thường, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Dù vụ cam năm nay ở Hàm Yên khá được giá, tuy nhiên người trồng cam nơi đây thường trực mối lo cam bị vàng lá thối dễ, greening đồng loại chết, có nhà cả vườn chết hết không còn bóng dáng cây cam.
Theo thống kê của UBND huyện Hàm Yên, diện tích cam của huyện hiện nay là khoảng 6.300ha, trong đó diện tích cam sành chiếm khoảng 4.700ha. Trong số diện tích cam hiện có của huyện Hàm Yên chỉ có khoảng 4.700ha diện tích cam phát triển bình thường, còn lại khoảng 1.780ha cam bị bệnh vàng lá thối dễ và bệnh greening. Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên cho biết, nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá khiến cam chết đồng loạt là do nhiều vườn cam lâu năm không được bổ sung chất hữu cơ, áp dụng biện pháp không phù hợp làm rửa trôi đất gây hiện tượng đất bị bí chặt, thoát nước kém, bộ dễ kém phát triển.
Cùng với đó, một nguyên nhân quan trọng khác đó là khoảng 4 năm trở lại đây do diện tích quá lớn, nguồn cung vượt quá nhu cầu, nên khi cam chín không kịp bán, người trồng không bán được đã lỗ nặng.