Số hoá hàng nghìn ha vùng trồng cam sành. Giá heo hơi ở ĐBSCL xuất hiện mức 50.000 đồng/kg. Giá mít Thái giảm trở lại. Xuất khẩu hồ tiêu vẫn chịu áp lực.
KHOẢNG 2.400HA CAM SÀNH TẠI VĨNH LONG ĐƯỢC SỐ HOÁ
Công ty cổ phần Đầu tư Koina Investment Group - Koina và UBND huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long vừa thông qua dự án công nghệ hỗ trợ quản lý vùng nguyên liệu đưa khoảng 2.400 héc ta sản xuất cam sành của huyện Tam Bình được số hoá.
Theo Koina, việc thống kê bản đồ vùng nguyên liệu trước đây có nhiều trở ngại trong việc tối ưu nguồn dữ liệu thu thập được cũng như khả năng khai thác, phân tích dữ liệu cho công tác dự báo.
Thông qua bản đồ vùng nguyên liệu này, UBND huyện Tam Bình có thể xem thông tin toàn bộ diện tích vùng trồng cam sành ở huyện Tam Bình, bao gồm sản lượng, tuổi vườn, thời gian canh tác và thu hoạch bằng hình ảnh trực quan. Đặc biệt, với công cụ này, có thể cập nhật giá thu mua tại vườn theo thời gian thực.
GIÁ HEO HƠI Ở ĐBSCL XUẤT HIỆN MỨC 50.000 ĐỒNG/KG
Giá heo hơi trong nước ngày 16/10 dao động trong khoảng 50.000 – 61.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay đi ngang và dao động trong khoảng 58.000 - 61.000 đồng/kg.Tương tự, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, heo hơi được thu mua trong khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, miền Nam ghi nhận cú sốc lớn với mức giảm đến 5.000 đồng/kg tại Kiên Giang, đưa giá heo hơi về mức 50.000 đồng/kg. Hiện toàn miền đang dao động trong khoảng 50.000 - 59.000 đồng/kg.
GIÁ MÍT THÁI GIẢM TRỞ LẠI
Sau thời gian tăng cao, giá mít Thái tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL hiện giảm trở lại khoảng 50% so với cách nay hơn 2 tuần. Giá mít Thái loại lớn nặng từ 8,5-9 kg một trái trở lên được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua mít phục vụ xuất khẩu ở mức 17.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá lên đến 34.000-35.000 đồng/kg. Mít Thái loại 7 đến 8 kg/trái ở mức trên dưới 12.000 đồng/kg, trong khi trước ở mức 23.000-24.000 đồng/kg.
XUẤT KHẨU HỒ TIÊU VẪN CHỊU ÁP LỰC
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 9 của Việt Nam tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp, đạt gần 14 nghìn tấn, trị giá 57 triệu USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu hồ tiêu được dự báo vẫn nhiều khó khăn trong bối cảnh giá hồ tiêu thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm do nhu cầu giảm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc và đồng USD neo cao đang kìm hãm xuất khẩu các nước.