| Hotline: 0983.970.780

Mùa cấy dặm

Thứ Sáu 08/07/2011 , 14:23 (GMT+7)

Nếu về nông thôn tỉnh Phú Yên vào tháng này, người không am hiểu việc đồng áng có thể ngạc nhiên khi thấy nhiều người tay cầm cây sào đứng rải rác trong những đám ruộng lúa non xanh rờn. Họ đang cấy dặm lúa đấy. Họ đang nhổ lúa chỗ dày trồng sang chỗ thưa, để đám ruộng được sản lượng cao hơn.

Cấy dặm lúa mà lưng cứ thẳng đét như trụ điện, tay lại cầm sào nữa là sao? Cấy dặm lúa kiểu gì kỳ cục vậy? Xin thưa, nhìn có vẻ cũng hơi kỳ lạ, nhưng họ đang cấy dặm lúa thật đấy. Tôi xin giải thích như sau.

Công việc nhổ lúa non từ chỗ dày để trồng vào chỗ thưa, việc này quê tôi gọi là “cấy dặm”. Công việc cấy dặm buộc phải làm bằng tay vì chẳng có máy móc nào làm nổi. Ngày trước họ phải khom người xuống ruộng để nhổ lúa chỗ dày, rồi bó lại từng bó nhỏ, để đem trồng vào chỗ thưa. Và khi trồng, họ cũng phải cúi khom người xuống ruộng, chọc tay vào bùn mà trồng. Cứ khòm xuống, ngẩng lên liên tục, một công việc quả thật mỏi cổ và đau lưng.

Nhưng nay thì công việc “cấy dặm” không cần phải khom người xuống ruộng nữa rồi. Họ đã dùng một cây sào có gắn một chỉa ba cong bằng sắt. Họ móc chỉa ba ấy vào chân chỗ lúa dày, rứt ra và di chuyển cây chỉa ba để đặt cây lúa vào chỗ lúa thưa. Lưng họ vẫn đứng thẳng ro, tay họ lại không lấm bùn. Họ cấy dặm như thế trong chu vi hoạt động của bán kính cây sào gắn chỉa ba. Xong, họ tiến sang chu vi khác cho đến khi xong đám ruộng. Người đi đường nhìn thấy họ cấy dặm như thể đang đứng chơi nhởn nhơ với cây sào trên tay.

Công việc cấy dặm lúa thích hợp với phụ nữ vì không cần sức mạnh mà chỉ cần sự tỉ mỉ và kiên trì. Và chính sự phát minh cây chỉa ba uốn cong đã giúp công việc cấy dặm đạt hiệu quả mà lại triệt tiêu được sự đau lưng vì khom người lên xuống. Một phát minh tuy quá đơn sơ nhưng kết quả thật phi thường.

Những dụng cụ được phát minh do yêu cầu thực tiễn quả là vô cùng ích lợi cho nông dân. Cây chỉa ba cấy dặm đơn giản này là một chứng minh hùng hồn cho sự sáng tạo không ngừng nghỉ của nông dân.

Việc đồng áng hôm nay cũng bớt nhọc nhằn hơn trước vì máy móc làm thay cho người khá nhiều. Ví như khâu làm đất hoàn toàn do máy cày đảm trách. Và ngay cả khâu gặt và tuốt lúa hột cũng vậy. Nhưng rốt cục nông dân vẫn không khá lên nổi chỉ vì thời tiết quá thất thường. Có thể nói công việc thành bại của nhà nông do thời tiết quyết định. Mà thời tiết lại là chuyện của ông trời toàn quyền.

Ví như đám ruộng đã qua khâu làm đất, rồi gieo sạ...nhưng vừa gieo sạ xong liền gặp mưa lớn thế là hỏng. Thế là công toi. Cho đến khi lúa đã ngậm sữa làm hột vẫn còn lệ thuộc thời tiết. Lúc này mà đang trưa thình lình gặp mưa thế là hạt lúa bị lép sạch. Thậm chí lúa đã chín rồi, hạt đã chắc rồi, cũng chưa chắc ăn. Mưa lớn liên tục thế là ngã rạp, bị ngâm nước và nứt mộng.

Thành quả của đồng áng luôn bấp bênh. Thế nên, công việc đồng áng đỡ khổ được chút nào là mừng chút ấy, còn đặt hết hy vọng vào thắng lợi to lớn thì người nông dân không nghĩ. Cho nên đối với nông dân, việc tạo ra được cây chỉa ba cấy dặm lại quan trọng hơn cả sự được mùa. Vì chính cây chỉa ba cấy dặm giúp nông dân đỡ khổ ngay trong công việc cấy dặm hằng ngày. Không còn gì ích lợi cụ thể hơn thế. Người nào nghĩ ra cây sào cấy dặm thật đáng được nông dân vinh danh và ghi ơn...

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm