| Hotline: 0983.970.780

Mùa khô hết chật vật nhờ hệ thống tưới phun mưa

Thứ Năm 03/03/2022 , 09:33 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Với hệ thống tưới nước tiết kiệm của Dự án VnSAT, người trồng cà phê ở Lâm Đồng hưởng nhiều lợi ích, vừa đảm bảo nước, phân bón cho cây, vừa tiết kiệm chi phí.

Vượt qua mùa khô

Những năm qua, người trồng cà phê ở khu vực xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, Lâm Đồng) thường xuyên chịu thiệt hại do tình trạng khô hạn kéo dài. Nhiều diện tích cà phê bị khô héo, rụng lá, rụng quả non khi nguồn nước tưới không được đảm bảo. Ông Đoàn Mỹ, hộ dân ở xã Tân Nghĩa thổ lộ, khi gia đình đang bế tắc trong vấn đề nước tưới thì nhận được sự hỗ trợ của dự án VnSAT.

Nhờ hệ thống tưới phun mưa tại gốc, gia đình ông Lê Ngọc Chánh (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng) chủ động nguồn nước tưới cho cà phê trong mùa khô. Ảnh: Minh Hậu.

Nhờ hệ thống tưới phun mưa tại gốc, gia đình ông Lê Ngọc Chánh (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng) chủ động nguồn nước tưới cho cà phê trong mùa khô. Ảnh: Minh Hậu.

Nông dân này cho hay, gia đình được dự án hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt hệ thống máy, ống, béc tưới và được cán bộ hướng dẫn vận hành kỹ thuật tưới nước kết hợp với bón phân. Hiện nay, nguồn nước từ chiếc giếng khoan duy nhất trong vườn đủ để gia đình ông Mỹ tưới cho gần 1ha cà phê, không còn lo thiếu nước như trước đây.

Cũng ở xã Tân Nghĩa, cuối năm 2020, gia đình ông Lê Ngọc Chánh được Dự án VnSAT hỗ trợ mô hình tưới nước phun mưa tại gốc trên diện tích 1ha cà phê. Theo ông Chánh, chi phí đầu tư cho hệ thống máy, ống, béc tưới… mất khoảng 80 triệu đồng nhưng gia đình chỉ cần đối ứng 40 triệu đồng, còn lại Dự án VnSAT hỗ trợ.

"Gia đình tôi gắn bó với nghề trồng cà phê từ những năm 1990 và chủ yếu tưới theo hình thức bơm nước trực tiếp vào gốc. Do vậy, lúc mới lắp đặt máy, tôi vẫn lo lắng về hiệu quả, sợ cách tưới kiểu này không đủ lượng nước cho cây phát triển. Tuy nhiên, sau một mùa khô, tôi đã nhận ra cách tưới bằng hệ thống phun mưa tại gốc không những tiết kiệm mà cây còn phát triển mạnh mẽ", ông Lê Ngọc Chánh thổ lộ.

Dự án VnSAT hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt cho người dân thực hiện mô hình tưới phun mưa tại gốc. Ảnh: Minh Hậu.

Dự án VnSAT hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt cho người dân thực hiện mô hình tưới phun mưa tại gốc. Ảnh: Minh Hậu.

Theo nông dân này, các béc phun mưa bao quanh gốc cà phê và phun đều. Mỗi giờ, một béc phun có thể cung cấp 60 lít nước và nguồn nước này thấm dần xuống đất, tạo độ ẩm ổn định nên hệ vi sinh vật ở vườn được duy trì, rễ cây phát triển mạnh ngay cả lúc cao điểm mùa khô.

Nói về cách làm truyền thống trước đây, ông Lê Ngọc Chánh cho biết, gia đình có 3ha vườn cà phê nằm trên triền đồi nên mỗi lúc mùa khô về, gia đình rất vất vả trong việc tìm nguồn nước, nguồn nhân công tưới. Để đảm bảo nước cho vườn, ông phải khoan nhiều giếng. "Khi giếng có nước, gia đình lại cắt cử người hoặc thuê nhân công để thay nhau kéo ống từ gốc này qua gốc khác. Việc tưới cho mỗi ha vườn có khi phải mất cả ngày lẫn đêm vẫn không xong", ông Lê Ngọc Chánh kể.

Tại thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), gia đình ông Trần Văn Xuất được Dự án VnSAT hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa tại gốc trên diện tích 0,8ha cà phê. Nhờ hệ thống tưới này, về mùa khô, cây trên vườn của gia đình ông vẫn tươi tốt, tỉ lệ hoa đậu quả cao hơn so với các mô hình tưới truyền thống. Thấy lợi ích của việc tưới phun mưa quá hiệu quả, gia đình ông đã đầu tư vốn để lắp đặt trên toàn bộ 3ha vườn.

Nguồn nước tưới được trải đều trên nền vườn giúp cây trồng hấp thụ tối đa. Ảnh: Đăng Lâm.

Nguồn nước tưới được trải đều trên nền vườn giúp cây trồng hấp thụ tối đa. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Xuất cho biết, từ ngày có hệ thống tưới phun mưa, gia đình không còn phải lo thiếu nước tưới, không phải chạy vạy tìm nhân công tưới như trước đây. Ngày chưa lắp đặt tưới phun mưa, mỗi khi ăn Tết xong, gia đình phải thuê gần 10 người chỉ để đảm bảo khâu này. Tuy nhiên, từ khi hệ thống tưới được hoàn thiện, việc tưới cho cả 3ha vườn chỉ cần 3 người vận hành. 3 người này cũng làm các công việc nhàn hạ như khởi động – tắt máy, mở các van ở khu cần tưới và kiểm tra các béc phun.

Tại Lâm Đồng, Dự án VnSAT được triển khai ở 8 huyện, thành phố với quy mô 16.500 ha cà phê và 15.000 hộ nông dân tham gia. Theo Ban quản lý dự án VnSAT Lâm Đồng, tỉnh này đã kêu gọi, thành lập 41 tổ chức nông dân, trong đó có 7 HTX và thành lập mới 34 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững.

Thời gian qua, tổng vốn thực hiện dự án ở địa phương này là khoảng 211 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 132,9 tỷ đồng, vốn đối ứng 38,2 tỷ đồng và vốn tư nhân 39,9 tỷ đồng. Số người hưởng lợi từ dự án là khoảng 56.392 người. Nông dân tham gia dự án đã tăng lợi nhuận 20,73% so với trước khi tham gia dự án và tăng 21,28% so với nông dân ngoài vùng dự án.

Tưới nước, bón phân đều tiện

Theo ông Trần Văn Xuất, hệ thống tưới nước phun mưa tại gốc đã mang lại rất nhiều lợi ích, vừa góp phần tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí nhân công, vừa có thể bón phân, thúc đẩy sự phát triển của cây. Theo ông Xuất, trước đây, việc bón phân cho cà phê chỉ được thực hiện vào mùa mưa. Do vậy, có những lúc phân vừa bón xuống thì hôm sau xảy ra mưa lớn nên bị rửa trôi gần hết. Điều này gây thất thoát lượng lớn phân bón, gây tổn hao chi phí mà cây trồng lại không được đảm bảo chế độ dinh dưỡng.

"Khi lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, gia đình tôi sử dụng phân bón hòa vào nước rồi bật máy cho phân bón theo nước đến tận gốc cây. Việc bón phân kiểu này tiện ở chỗ là mình có thể bón cho cây bất cứ lúc nào, mùa nào trong năm. Lượng phân bón được chuyển đến gốc cây cũng vừa đủ để thẩm thấu vào đất cho cây hấp thụ nên vừa tiết kiệm được lượng phân, vừa giúp cây phát triển tốt nhất", ông Trần Văn Xuất, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà nhận xét.

Thông qua hệ thống tưới phun mưa tại gốc, người dân có thể vừa tưới nước, vừa bón phân. Ảnh: Đăng Lâm.

Thông qua hệ thống tưới phun mưa tại gốc, người dân có thể vừa tưới nước, vừa bón phân. Ảnh: Đăng Lâm.

Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Chánh, ngụ xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, Lâm Đồng) nói, khi bón phân thông qua hệ thống tưới phun mưa, lượng phân bón được tính toán cụ thể. Nguồn phân này không thừa, không thiếu nên cây hấp thụ tối đa và năng suất, chất lượng cà phê vì thế cũng tăng cao hơn so với trước đây.

Trước đây, để bón phân cho một 1ha vườn phải mất nhiều ngày vì người khơi đất, người vác bao phân đi bón. Đặc biệt, về mùa mưa, đất ở vùng Tân Nghĩa (Di Linh) trở nên dẻo, quánh nên việc vận chuyển, bón phân là điều vô cùng khổ ải. "Bây giờ chỉ cần cho phân bón vào nước theo công thức cụ thể và khởi động máy là mọi thứ xong xuôi", ông Chánh phấn khởi.

Cũng theo ông Chánh, việc bón phân thông qua hệ thống tưới tiết kiệm tạo ra sự đồng đều nên cây trong vườn cũng phát triển đồng đều và cho năng suất ổn định. Ngoài ra, chủ vườn có thể bón phân bất cứ lúc nào, không nhất thiết phải chờ bón vào mùa mưa như cách làm truyền thống.

Ông Lê Ngọc Chánh nói: "Cứ thấy cây suy yếu, cần 'ăn' là mình cho phân vào máy để bón. Bất kể mùa khô hay mùa mưa, hệ thống này bón và cây hấp thụ được hết. Chính điều này nên mình có thể chủ động trong việc kích thích sự sinh trưởng, phát triển hoặc hãm sự phát triển cho cây để tạo ra năng suất, chất lượng cao nhất".

Hiện nay, trước những lợi ích mà hệ thống tưới tiết kiệm mang lại, nhiều hộ dân trồng cà phê nằm ngoài Dự án VnSAT cũng học hỏi, đầu tư để phát triển.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc HTX Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) cho biết, thời gian qua, Dự án VnSAT đã hỗ trợ 3 thành viên của HTX thực hiện 3 mô hình tưới nước phun mưa tại gốc. Đây là hoạt động vô cùng thiết thực, giúp người dân ổn định sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. Hệ thống tưới phun mưa tại gốc đã giúp nông dân phát triển kinh tế. Đầu tiên là tiết kiệm được nguồn nước, thứ 2 là tiết kiệm được nhân công lao động.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Ngọc, xã Tân Nghĩa thuộc vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đất đai khô hạn, nguồn nước tưới sụt giảm vào mùa khô. Do vậy, suốt nhiều năm liền, việc sản xuất cà phê của người dân bị ảnh hưởng do cây khô héo, năng suất giảm, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân.

Khi người dân áp dụng hệ thống tưới phun mưa tại gốc vào sản xuất, người dân không còn phải chịu thiệt hại do khô hạn. Nguồn nước được tiết kiệm hơn trong khi độ ẩm của vườn luôn được duy trì, giúp cây sinh trưởng ổn định. Từ những vấn đề trên, nông dân giảm mạnh được chi phí đầu, tăng được nguồn thu nên lợi nhuận được cải thiện.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.