| Hotline: 0983.970.780

Đa lợi ích từ hệ thống tưới tiết kiệm của dự án VnSAT

Thứ Ba 01/03/2022 , 10:35 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Nhờ hệ thống tưới tiết kiệm được dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư, người trồng cà phê giảm được rất nhiều chi phí sản xuất, cải thiện nhiều hạn chế so với trước.

Tiết kiệm chi phí trên đất khô cằn

Xã Quảng Hiệp là vùng đất khô cằn, đa số đất ở đây là đất sỏi đỏ nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Theo những hộ dân tại đây, lượng nước tưới cần thiết để phục vụ cho cây cà phê có thể phát triển tốt, cho năng suất cao gấp gần 2 lần những nơi khác.

Năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Triều (ngụ xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đăk Lăk), thành viên HTX Nông nghiệp Dịch vụ Quyết Tiến may mắn được dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.

Theo ông Triều, hệ thống có giá trị hơn 100 triệu đồng, trong đó gia đình bỏ tiền đối ứng hơn 40 triệu đồng cho 2 ha cà phê. Hệ thống được hỗ trợ đầu tư năm 2018, sau hơn 4 năm nhưng hệ thống tưới tiết kiệm của gia đình ông Triều vẫn hoạt động tốt. Từ khi được hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, gia đình ông Triều giảm được rất nhiều tiền công thuê lao động.

Ông Nguyễn Ngọc Triều vui mừng khi dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Ảnh: Minh Quý.

Ông Nguyễn Ngọc Triều vui mừng khi dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Ảnh: Minh Quý.

“Khi thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng mà cây cà phê trỗ hoa lại gặp mưa sẽ dễ dẫn đến bị bông chanh. Lúc này, người dân có thể sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm để bổ sung lượng nước cho cây, đỡ mất tiền công. Đối với hệ thông tưới tiết kiệm, người dân có thể tưới cả ngày lẫn đêm, chỉ cần xử lý chỗ van tổng. Nhìn chung công trình tưới tiết kiệm mà dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư cho người nông dân rất hiệu quả”, ông Triều đánh giá.

Theo ông Triều, hệ thống tưới này rất thuận tiện và lợi cho người dân. Nếu bảo dưỡng, duy tu tốt, có thể sử dụng lâu dài.

Trước đây, khi chưa đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, mỗi ca tưới gia đình ông Triều phải bỏ ra gần 2 triệu đồng thuê người. Bây giờ, có hệ thống tưới tiết kiệm, ông có thể tự tưới cho hơn 2 ha mà không phải thuê nhân công. Ngoài ra, trong thời gian tưới có thể nhặt chồi, cắt cành khô…

Tưới tiết kiệm cũng giúp giảm công lao động bón phân, vì phân bón được hòa tan, đưa vào hệ thống rồi tưới vào gốc. Như vậy còn giúp cây cà phê hấp thụ được cao hơn so với việc rải phân như truyền thống.

"Trước đây chưa có hệ thống tưới tiết kiệm, gia đình phải thuê người tưới dí để cung cấp nước cho cà phê. Mỗi vụ cà phê, gia đình tưới 4 lần như vậy mất gần 8 triệu đồng tiền thuê người. Từ khi được dự án VnSAT hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, gia đình giảm được số tiền này cộng với phân bón, tiền điện”, ông Triều nói thêm.

Nhờ hệ thống tưới tiết kiệm từ dự án VnSAT hỗ trợ, người dân tại xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar (Đăk Lăk) giảm được chi phí đầu tư cho cây cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

Nhờ hệ thống tưới tiết kiệm từ dự án VnSAT hỗ trợ, người dân tại xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar (Đăk Lăk) giảm được chi phí đầu tư cho cây cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Phạm Công Phi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Tiến cho biết, HTX được thành lập từ năm 2015 với 32 thành viên, thời điểm này đơn vị chưa có cơ sở vật chất và gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, HTX có 94 thành viên với diện tích hơn 230 ha cà phê.

Đến cuối năm 2016, HTX tham gia và được dự án VnSAT hỗ trợ các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, sân phơi, nhà kho và đặc biệt là 3 hệ thống tưới tiết kiệm.

“Dự án VnSAT hỗ trợ cho 3 thành viên HTX hệ thống tưới phun mưa đã giúp người dân tiết kiệm rất nhiều. Trước đây, người dân đa số tưới nước bằng điện với chi phí cao. Khi đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, đã giảm được ngày công lao động, giảm được lượng nước, không gây thất thoát phân bón”, ông Phi nói.

Ông Phi cho biết dự án VnSAT rất có lợi cho người dân và HTX. Trong đó, dự án hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật về cây cà phê, đầu tư cơ sở vật chất và định hướng cho HTX phát triển.

“Dự án VnSAT đầu tư cho thành viên HTX hệ thống tưới nước tiết kiệm, đã mang lại hiệu quả vô cùng to lớn đối với các thành viên khi đưa vào sử dụng trong canh tác nông nghiệp. Khi sử dụng, người dân tiết kiệm được khoảng thời gian lớn cũng như có điều kiện chăm sóc cây trồng trong vườn.

Đặc biệt, công năng của hệ thống tưới tiết khiệm là vào mùa nắng hay bón phân cho cây trồng, khi người dân bỏ phân vô tình gặp nắng thì có thể sử dụng hệ thống để tưới cho cây. Như vậy giúp phân tan hết, không gây nóng dẫn đến chết cây”, ông Phi nói thêm.

Nông dân tự bỏ tiền túi đầu tư

Nhận thấy nhiều lợi ích của hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa mà dự án VnSAT hỗ trợ cho các thành viên, nhiều người dân đã tự bỏ tiền túi ra đầu tư giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao lợi nhuận từ cây cà phê.

Nhiều người dân tự đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm khi nhận thấy lợi ích của mô hình này. Ảnh: Minh Quý.

Nhiều người dân tự đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm khi nhận thấy lợi ích của mô hình này. Ảnh: Minh Quý.

Bà Triệu Thị Châu, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, Đăk Lăk) cho biết, đơn vị được dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư một hệ thống tưới nhỏ giọt và một hệ thống tưới phun mưa cho các thành viên.

Theo bà Châu, khi được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và phun mưa, đã giúp người dân tiết kiệm được nhân công, nước và tránh gây thất thoát phân bón.

“Sau khi nhận thấy được lợi ích của việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và phun mưa, hiện nay hơn 50% các thành viên HTX đã đầu tư những hệ thống này. Đối với hệ thống tưới nhỏ giọt, đầu mùa chạy máy từ 8 - 12 tiếng, đến đợt 2 giảm còn 6 tiếng. Còn với hệ thống phun mưa, đợt đầu tưới 4 - 5 tiếng nhưng đợt 2 thì giảm còn nửa. Việc tưới nước qua hệ thống giúp người dân tiết kiệm rất nhiều chi phí”, bà Châu thông tin.

Còn ông Vũ Văn Hoạt, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ea Ngai (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk, Đăk Lăk) khẳng định, dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt giúp các thành viên tiết kiệm được 50% chi phí đầu tư.

Theo ông Hoạt, HTX được dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư 2 hệ thống tưới nhỏ giọt với kinh phí gần 100 triệu đồng. Trong đó thành viên HTX bỏ đối ứng hơn 20 triệu đồng/ha. “Khi đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, người dân tiết kiệm được công lao động, không gây thất thoát lượng phân bón cũng như lượng nước tưới. Bây giờ người dân chỉ cần ở nhà bật công tắc là có thể tưới nước cho vườn cà phê của gia đình”, ông Hoạt chia sẻ.

Mô hình tưới tiết kiệm giúp người dân tiết kiệm chi phí đầu tư cho cây cà phê, từ đó tăng lợi nhuận. Ảnh: Minh Quý.

Mô hình tưới tiết kiệm giúp người dân tiết kiệm chi phí đầu tư cho cây cà phê, từ đó tăng lợi nhuận. Ảnh: Minh Quý.

Vị giám đốc cho biết thêm, nhận thấy lợi ích của hệ thống tưới nhỏ giọt và phun mưa mang lại, nhiều thành viên HTX muốn đầu tư. Tuy nhiên, số tiền ban đầu bỏ ra quá lớn đối với người nông dân nên họ còn chưa mặn mà. “Dự án đã hết chương trình hỗ trợ người dân đầu tư hệ thống tưới thông minh. Nếu còn thì rất nhiều thành viên của HTX sẽ đăng ký tham gia vì những lợi ích của nó mang lại”, ông Hoạt cho biết.

Theo Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Lăk, địa phương có 12 tổ chức ông dân/HTX ứng dụng nhân rộng tưới tiết kiệm được 90 ha với 72 hộ. Hầu hết các hệ thống tưới tiết kiệm đều phát huy tác dụng, trong đó hiệu quả nhất là giảm được rất nhiều công lao động so với các phương pháp tưới dí từng gốc trước đây. Có 2 tổ chức nông dân ứng dụng công nghệ tưới bằng hệ thống cảm biến thông minh với 27 hộ/30 ha, gồm: 19 hộ HTX Quyết Tiến (huyện Cư M’gar) và 8 hộ HTX Ea Toh (huyện Krông Năng).

Việc ứng dụng các hệ thống này đã nâng cao hiệu quả sử dụng nước tiết kiệm hơn do có hệ thống cảm biến thông tin về độ ẩm trong đất, từ đó giúp các hộ dân tưới nước cho cà phê đúng thời điểm. Về diện tích ứng dụng các biện pháp tưới tiết kiệm (giảm 20% lượng nước) tại các huyện vùng dự án tính, đến nay đã có khoảng hơn 7.000 ha cà phê đã được nông dân áp dụng các biện pháp như phun mưa tại gốc, nhỏ giọt, canh đồng hồ nước, căn thời gian tưới…

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.