| Hotline: 0983.970.780

Nông dân rất mừng khi được cán bộ kỹ thuật VnSAT đến tập huấn

Thứ Ba 01/03/2022 , 08:18 (GMT+7)

ĐBSCL Vượt qua khó khăn ban đầu, Dự án VnSAT đã hoàn thành sứ mệnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng phục vụ canh tác lúa cho nông dân.

Nông dân vùng dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang chuẩn bị xuống giống vụ Xuân Hè. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân vùng dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang chuẩn bị xuống giống vụ Xuân Hè. Ảnh: Minh Đảm.

Thời gian qua, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL thực hiện các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất. Đến nay, dự án đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, phần lớn các địa phương đã đạt và vượt nhiều nội dung yêu cầu đặt ra. Dự án VnSAT đã tạo được tín hiệu tốt trong dư luận nhân dân trong và ngoài vùng dự án.

Tuy nhiên, để đạt được những hiệu ứng tích cực trong nhân dân, ban đầu Dự án triển khai cũng gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương cấp cơ sở là đầu mối quan trọng trong việc phối hợp với các ngành chức năng, Ban quản lý Dự án các cấp tháo gỡ các khó khăn này.

Xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An có diện tích lúa khoảng 2.700ha. Từ khi được tập huấn các kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm nhận thức của nông dân bây giờ đã có sự thay đổi lớn. Nông dân quan tâm chú trọng tính toán trong sản xuất để đạt lợi nhuận tốt mà không còn chạy theo sản lượng như trước nữa. Hiện nông dân đã chú trọng sử dụng giống xác nhận, lượng giống gieo sạ giảm từ 20kg/1.000m2 xuống còn 12-16kg đối với sạ tay và 10kg đối với sạ hàng.

Công trình đường giao thông Dự án VnSAT hỗ trợ nhân dân xã Nhơn Hoà Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Công trình đường giao thông Dự án VnSAT hỗ trợ nhân dân xã Nhơn Hoà Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Mạnh Cang, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Lúc đầu triển khai Dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn, người dân từ chuyển từ nhận thức sản xuất theo truyền thống cũ sang kỹ thuật mới rất khó. UBND xã cũng phối hợp với các giảng viên, kiên trì tổ chức các lớp tập huấn. Dù ít người học hay khó khăn về đường đi cũng cố gắng tổ chức để nông dân được tiếp cận theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Thực hiện các mô hình mẫu để người dân đối chiếu so sánh để thấy hiệu quả của các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thay đổi tập quán sản xuất. Bây giờ, nông dân rất mừng khi cán bộ đến tập huấn.

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng người dân rất vui khi các công trình phục vụ sản xuất và đi lại tốt hơn. Tuy nhiên, ban đầu cũng vướng khâu giải phóng mặt bằng. Sau khi được địa phương tuyên truyền về hiệu quả của dự án thì người dân cũng vui vẻ hiến đất tạo điều kiện cho các công trình được thi công đảm bảo đúng tiến độ.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, từ khi các công trình được đầu tư đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả tích cực. Ông Lê Văn Tèo, Giám đốc HTX DVNN Mỹ Trinh, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho hay: Bên cạnh các mô hình chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm thì HTX còn được hỗ trợ nhà kho bảo quản lúa.

Dự án còn hỗ trợ địa phương làm các tuyến đường giao thông nông thôn đảm bảo yêu cầu vận chuyển nông sản, nhất là lúa của nông dân địa phương và các xã lân cận. Nếu hỏi về hiệu quả Dự án, chỉ có thể nói ngắn gọn bà con nhân dân vỗ tay rất cám ơn. Bởi ngày trước đường sình lầy lội đi lại khó khăn nay cắt lúa xe tới ruộng vận chuyển rất khoẻ.

Nhà kho chứa lúa Dự án VnSAT hỗ trợ HTX DVNN Mỹ Trinh xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Nhà kho chứa lúa Dự án VnSAT hỗ trợ HTX DVNN Mỹ Trinh xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang, đơn vị đã phối hợp các địa phương đề xuất danh mục công trình hạ tầng đầu tư tại các hợp tác xã đã đạt tiêu chí đào tạo và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam. Đến nay, Tiền Giang có 20 Tiểu dự án và 1 công trình đã và đang được đầu tư như: Nâng cấp 27 con đường giao thông nông thôn với kết cấu láng nhựa, trải bê tông, có tổng chiều dài gần 74km; 36 cây cầu giao thông; 30 cống điều tiết, cống kết hợp trạm bơm; 7 nhà kho tạm trữ; 1 lò sấy tháp...

Ngoài ra, để hỗ trợ đơn vị thực hiện dự án, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức khá nhiều lớp tập huấn về quản lý dự án; quản lý tài chính; giám sát đánh giá; về mua sắm đấu thầu; môi trường và xã hội; truyền thông,…Qua đó nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ cho thực hiện Dự án cũng như cán bộ, công chức ngành nông nghiệp về quản lý và triển khai thực hiện dự án ODA.

Đạt được kết quả  khả quan này là trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đã được sự quan tâm, hỗ trợ của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, Bộ NN-PTNT, Ban Quản lý Dự án Trung ương và các cơ quan chuyên môn. Đặc biệt là sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, cùng sự đồng thuận và sự tham gia tích cực của nông dân, doanh nghiệp. Từ nền tảng của những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng trong sản xuất lúa gạo bền vững.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.