| Hotline: 0983.970.780

Mùa màng thất bát, nỗi lo ăn đong hiện hữu ở Nam Định

Thứ Tư 08/11/2017 , 10:36 (GMT+7)

Ăn đong, khái niệm những tưởng đã lùi vào dĩ vãng một thời của nông dân. Thế nhưng chỉ sau một vụ lúa mùa thất bát nặng nề, nỗi ám ảnh ấy lại đang hiển hiện trước mắt nhiều bộ phận dân cư nông thôn miền Bắc.


Bà Nguyễn Thị Hân khóc nghẹn khi nhắc tới vụ lúa mùa
 

Tháng sau là đong gạo!

Ở Nam Định, nếu như các huyện huyện ven biển SX lúa luôn rình rập bão lũ, dịch bệnh thì những huyện có chân đất cao ở phía nam tỉnh này như Ý Yên và Vụ Bản lại khá yên tâm. Vụ mùa 2017 cũng vậy, khi mà tình hình dịch bệnh, nhất là bệnh lùn sọc đen bùng lên ở các huyện rìa đông bắc của tỉnh, cộng thêm mưa lũ suốt cả vụ, ngành nông nghiệp tỉnh này đã hi vọng Ý Yên (cùng với Vụ Bản) sẽ là “cứu cánh” cho sản lượng lúa của tỉnh.

15-55-50_1
Hơn 5 mẫu lúa của bà Nguyễn Thị Hân, thôn Nguyệt Hạ, xã Yên Tân (Ý Yên, Nam Định) không thu được cân thóc nào

Ấy thế nhưng khi lúa sắp tới kỳ vào bồ, mưa kèm lũ lớn do ảnh hưởng cơn bão số 11, cả 2 huyện này cũng chẳng tránh khỏi bị vùi dập. Tại Ý Yên, toàn bộ vùng lúa ở các xã ven sông Đáy như Yên Bằng, Yên Khang, Yên Phú... tan tành vì lũ. Các xã nằm sâu trong nội đồng của huyện này cũng không thoát cảnh mất mùa thảm hại.

Xã Yên Tân (huyện Ý Yên) là một ví dụ. Thôn Nguyệt Hạ nổi tiếng nhiều ruộng. Thiếu gạo ăn có lẽ là nỗi lo chỉ có ở đây vài thập niên về trước. Thế nhưng năm nay, ngay tới những gia đình trẻ, sức dài vai rộng như vợ chồng anh Đỗ Ninh Phúc (thôn Nguyệt Hạ) cũng ngay ngáy.

Để khẳng định mình không nói ngoa, vợ anh Phúc dẫn chúng tôi xuống nhà bếp, đếm tổng cộng có 6 bao thóc. Chị vợ anh quả quyết rằng trong đó có 2 bao đã được chị mua trữ từ trước. Còn vụ mùa vừa qua, tổng cộng 8 sào lúa, chỉ thu vẻn vẹn được 4 bao, nhưng toàn lúa lép, cầm lên thấy đen sì, nhẹ lèo phèo như trấu, cả 4 bao cân lên chưa nổi một tạ.

Anh Phúc bảo số thóc ấy do cả gia đình bổ ra đồng gặt vớt vát khi lũ về ngang ngực, lúc ấy cả 8 sào lúa nhà anh số mới chín đỏ đuôi, số mới đông sữa, chỉ cắt được phần ngọn, lúa đã cứng hạt. Thứ thóc ấy nhà anh Phúc đã thử xay lên, nhưng cơm nấu ra như cơm thiu, chẳng thể nuốt nổi nên dù nhà sắp hết gạo, cũng chẳng thể xát để ăn.

“Chẳng giấu gì anh, cả nhà chỉ còn vẻn vẹn 2 bao thóc mua trữ từ trước để dành. Nhà 4 miệng ăn, chắc chỉ 1 tháng nữa là hết thóc, phải đi đong gạo” – anh Phúc thú thực. Những gia đình trẻ khỏe như anh Phúc ở thôn Nguyệt Hạ dù sao vẫn có sức đi làm công việc phụ, riêng anh Phúc có thêm nghề lái xe thuê nên lương mỗi tháng 4-5 triệu, chi phí tiền gạo cả nhà mỗi tháng tính ra 200-300 nghìn đồng chưa phải là chuyện lớn. Chứ những hộ chủ yếu bám vào ruộng thì càng gay go.

Một mình trồng 5 mẫu lúa, nhưng chưa có năm nào, bà Nguyễn Thị Hân ở thôn Nguyệt Hạ lại lâm vào tình cảnh phải lo thiếu gạo ăn như năm nay. Kể chuyện với chúng tôi, bà Hân cứ liên tục khóc. Bà khóc một phần vì tủi phận đời éo le, một phần vì cái núi nợ vật tư hơn 20 triệu đồng đổ cho 5 mẫu lúa vụ mùa vừa qua, nhưng nay chẳng thu được một cân thóc nào. Khoản tiền vật tư ấy bà đã phải nèo nỉ các đại lí cho khất, với lãi suất 1%/tháng.

Mấy năm trước, phong trào bỏ ruộng ở xã Yên Tân cứ lan rộng ra. Tiếc ruộng, bà Hân thuê thầu, gom lại tập trung được hơn 5 mẫu cấy lúa, thả vịt. Lúa làm ra tới đâu, cho vịt đẻ ăn tới đó rồi bán trứng kiếm thêm lãi, ki cóp cũng sống tạm.
Thế nhưng năm nay, cả 5 mẫu lúa đang thì vào chắc hạt, lũ lên nhấn chìm. Năm mẫu lúa ấy bây giờ vẫn còn đứng nguyên như rơm ngoài ruộng. “Mọi năm có lúa, nuôi vịt còn có lãi, năm nay lúa mất sạch nên tôi tính phải bán đàn vịt đi. Nhưng vịt rẻ quá, có 24.000 đ/kg, bán thì lỗ to, mà giữ lại thì chẳng biết lấy thóc đâu ra cho chúng ăn”, bà Hân mếu máo.

Chồng bệnh tật mất sớm, bỏ lại 2 đứa con thơ và gia tài là một căn nhà cấp bốn 2 gian chỉ có một chiếc bàn uống nước. Đứa con gái vừa mười tám đôi mươi qua đời vì tai nạn giao thông, còn mỗi mụn con trai đang đi nghĩa vụ quân sự. Thành ra mấy năm nay, bà Hân sống một mình. Bà bảo nếu không có bàn thờ của chồng con, bà chỉ muốn bán quách nhà cửa, lên thành phố làm ôsin cho rồi.
 

Toàn tỉnh giảm 40 - 50%

Trong số các tỉnh thuộc ĐBSH, Nam Định là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong vụ mùa vừa qua, theo ước tính năng suất, sản lượng toàn tỉnh giảm 40 - 50%.

Tại huyện Nam Trực, theo ghi nhận của chúng tôi, hàng nghìn ha lúa bị mất trắng, người dân vứt bỏ ngoài đồng giờ trở thành nơi chăn thả trâu, bò. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Trực Vũ Văn Thắng cho biết, huyện gieo cấy 8.900ha lúa, thì 7.000ha lúa bị mất trắng. Thiệt hại nặng nhất là các xã Nam Thái, Nam Hải, Nam Lợi, Đồng Sơn.

Cũng theo ông Thắng, ngay từ đầu vụ, sau khi gieo sạ xong nhiều diện tích gặp mưa lớn nên bị ngập úng gây thối mộng, người dân phải cấy lại. Đến giữa vụ, dịch bệnh lại hoành hành, đặc biệt là bệnh rầy lưng trắng truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa.

Cuối vụ, mưa lớn và hồ Hòa Bình xả lũ khiến mực nước tại các sông trên địa bàn huyện dâng cao nên nước trong ruộng không tiêu thoát được, gây ngập úng nặng, cây lúa thối gốc, thóc nảy mầm. Về cơ bản, có hàng nghìn ha lúa mất trắng, nhiều gia đình không có thóc ăn.

Men theo con đường bê tông từ xã Nam Thái đến xã Đồng Sơn, chúng tôi gặp bà Phạm Thị Mít (thôn Hải Thượng, xã Nam Thái) hông đeo bao tải, tay cầm liềm đang đi mót lúa trên những thửa ruộng xác xơ. Bà Mít bảo, bông lúa 80% là bị lép, chỉ có ít hạt chắc nên bà tranh thủ vớt vát được hạt nào hay hạt đó về chăn gà.

15-55-50_2
Những mớ thóc đen sì do ngập lụt, không thể ăn được của nông dân huyện Ý Yên (Nam Định)

Bà Mít than thở: “Nhà tôi cấy hơn 5 sào lúa Bắc thơm 7, đầu tư phân bón, thuốc BVTV, dịch vụ nông nghiệp hết gần 3 triệu đồng, nhưng đến cuối vụ chỉ thu được hơn 70kg thóc, tính ra chưa nổi 1 triệu đồng, lỗ vốn to. Người già cả như chúng tôi chưa biết lấy thóc đâu ăn đợi đến năm sau đây”.

Cách đó không xa, vợ chồng anh Nguyễn Văn Quân (xóm 19, xã Đồng Sơn) cũng đang lúi húi nhặt nhạnh những bông lúa bị đen xịt, nửa lép, nửa chắc. Nhà anh cấy 8 sào lúa, mỗi sào chỉ thu hoạch được 10kg, trong khi mọi năm được 1,8 - 2 tạ.

Theo anh Quân, đây là một vụ lúa tả tơi thê thảm với người dân quê anh. Đầu vụ vừa gieo sạ xong gặp trận mưa lớn, gây ngập úng, thối mộng nên người dân phải gieo lại. Gieo lại được vài ngày, trời lại đổ mưa, người dân phải gieo lại lần nữa. Nhiều nhà phải gieo đi, gieo lại 3 lần mới xong.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái Đỗ Văn Tuyến buồn bã cho biết, toàn xã gieo cấy 668ha lúa, nhưng diện tích lúa bị mất trắng chiếm gần 90%. "Do vụ mùa mất hết, chúng tôi đã dừng tất cả các khoản thu liên quan đến nông nghiệp để bà con đỡ khổ”, ông nói.

Theo ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định: Vụ mùa 2017, toàn tỉnh có tới 9.100 ha lúa mất trắng, cùng 8.000 ha khác mất từ 30-70% năng suất do bệnh lùn sọc đen. Đặc biệt, số diện tích mất trắng do úng ngập lên đến hơn 20 nghìn ha.

Như vậy, riêng Nam Định đã có khoảng trên 33 nghìn ha lúa mất trắng, chiếm 50% trong tổng số diện tích 76 nghìn ha lúa toàn tỉnh. Bên cạnh đó, khoảng 45 nghìn ha lúa thu hoạch được nhưng đã bị ngâm nước do ngập lụt, đa phần phải thu hoạch non khi lúa mới chớm đỏ đuôi để chạy lũ nên chất lượng gạo rất thấp. Tổng cộng, sản lượng lúa vụ mùa của tỉnh giảm khoảng 50% so với mọi năm.

Ông Hà Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tân ngán ngẩm kết luận: "Chưa năm nào, SX vụ mùa chi phí lớn, nhưng lại mất mùa thảm hại như năm nay. Đầu vụ, lúa vừa đẻ nhánh rầy lưng trắng đã kín ruộng, lại sâu cuốn lá, ốc bươu vàng, dịch chuột. Thuốc BVTV phun 3-4 lần không xuể, mà cây lúa lúc trỗ đòng cứ cuộn tròn lại, chẳng thoát ra bông được.

Số diện tích phát triển tốt, lúa vừa chắc xanh thì mưa lũ dầm cho 3-4 ngày liền, không vớt được một hạt. UBND xã này đã họp bàn đánh giá, kết luận năng suất lúa tụt 50% so với mọi năm, trong đó gần 100ha gần như mất trắng!".

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm