Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đang tập trung xử lý triệt để các ổ dịch, kêu gọi người dân diệt loăng quăng để phòng chống dịch bệnh.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 20.758 ca SXH, trong đó có 3 trường hợp tử vong (2 ca ở Củ Chi, Tân Phú vào tháng 1/2019 và 1 ca tử vong ở Bình Tân vào tháng 4/2019).
Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra tình hình dịch bệnh tại TP HCM. |
BS CKII Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở y tế TP.HCM cho biết, trước đây, SXH được cho là bệnh của trẻ em, tuy nhiên hơn 10 năm nay tỷ lệ bệnh nhân SXH người lớn (trên 15 tuổi) xấp xỉ 50% trong tổng số ca bệnh ghi nhận được. Các trường hợp tử vong do SXH hầu hết ghi nhận trên bệnh nhân có cơ địa béo phì, bệnh mạn tính; một số trường hợp tử vong ở người lớn còn do chủ quan tự điều trị tại nhà, đến bệnh viện trễ. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng dẫn đến biến chứng như sốc, suy tạng, xuất huyết khó cứu chữa.
Để chủ động phòng chống SXH, ông Hưng cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nguy cơ nhằm phòng chống SXH. Mặt khác, mỗi người dân phải tự ý thức phòng bệnh như diệt lăng quăng, đậy kín lu, hồ, thùng chứa nước khi không dùng đến; lật úp các xô, lọ, chai; hàng tuần thay nước trong lọ hoa; dọn dẹp vật phế thải và nơi đọng nước quanh nhà; giữ gìn nhà cửa thông thoáng để hạn chế nơi muỗi ẩn nấp; sử dụng bình xịt, nhang, kem chống muỗi để tránh muỗi chích.
BS Quách Thị Kim Phúc, Khoa Nhi (BV Hoàn Mỹ Cửu Long) thăm khám cho bệnh nhân K. |
Mới đây, bệnh nhi N.V.K (16 tuổi, nặng 64kg, ở Trà Vinh) nhập viện tại BV Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng sốt cao liên tục 4 ngày, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ăn uống ít, chán ăn. Bệnh nhi được chẩn đoán: Sốt xuất huyết Dengue ngày thú 4.
Sau nhập viện, bé bắt đầu có dấu hiệu lừ đừ, nhợn ói liên tục, đau bụng nhiều vùng hạ sườn phải, rối loạn vận mạch, tay chân mát, huyết áp 115/70mgHg. Ngay sau đó, bệnh nhi được chuyển qua phòng hồi sức tích cực nhi và bắt đầu truyền dịch hiệu chỉnh cân nặng theo phác đồ điều trị SXH Dengue.
Sau 2 ngày 2 đêm điều trị tích cực, bệnh nhi đã phục hồi tốt, ăn uống khá hơn, giảm đau bụng, huyết áp rõ, xét nghiệm máu tiểu cầu lên 50000/mm3, hematorit 47%.
Theo BS Quách Thị Kim Phúc, Khoa Nhi (BV Hoàn Mỹ Cửu Long), bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
Trước đó, ngày 11/5 Sở Y tế TP.HCM đã phát động “Chiến dịch Phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên toàn thành phố nhằm hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2019”.