| Hotline: 0983.970.780

Mùa vàng ở Quảng Bình

Thứ Hai 04/05/2020 , 10:29 (GMT+7)

Một vụ đông xuân không mấy thuận lợi về thời tiết, sâu bệnh. Nhưng các địa phương trong tỉnh Quảng Bình vẫn có được vụ mùa bội thu và lúa bán chạy…

Giống lúa mới PN 99 ước năng suất 75 tạ/ha trên cánh đồng xã Lộc Thủy. Ảnh: Tâm Phùng.

Giống lúa mới PN 99 ước năng suất 75 tạ/ha trên cánh đồng xã Lộc Thủy. Ảnh: Tâm Phùng.

Bên đường rải nhựa rộng chan hòa nắng, chị Trần Thị Liên, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), đứng cạnh mấy đống lúa mới phơi một nắng đựng trong bao tải đợi ô tô đến chở đi.

Gạt mồ hôi trên mặt, chị hồ hởi: “Chồng em lái xe nên cũng bận, mình em làm ba mẫu ruộng (1,5 ha), gặt về cũng được trên 12 tấn. Em kêu thương lái bán 10 tấn được 62 triệu đồng”…

Đưa giống mới vào sản xuất theo chuỗi

Huyện Lệ Thủy là địa phương có diện tích gieo cấy lúa lớn nhất của tỉnh với trên 10.000 ha. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến đầu tháng 4/2020, thời tiết ngày nắng, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm không khí cao nên đã xuất hiện tình trạng bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa với diện tích gần 150 ha.

Trước tình hình đó, UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo Phòng NN - PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để nắm tình hình phát sinh, phát triển của bệnh nhằm khoanh vùng và xử lý triệt để, tránh lây lan ra diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Để phòng, chống bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa, trước đó huyện đã có những dự báo về dịch bệnh này. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX) và bà con nông dân bám ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn an toàn”.

Hiện các địa phương của huyện Lệ Thủy đang gặt rộ. Năng suất bình quân toàn huyện đạt khoảng 70 tạ/ha. Chúng tôi về xã Lộc Thủy thăm bà con đang hồ hởi bước vào vụ gặt. Được mùa, lúa nhiều nên đâu đâu cũng thấy lúa. Bên đường, trên sân, trên bạt giữa ruộng khô… chỉ một màu vàng rực của hạt thóc mẩy.

Ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho hay, toàn xã cấy gần 600 ha. Vì vậy, chủ trương của xã là thay thế các bộ giống lúa khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả trên diện tích sản xuất. “Chúng tôi đã đưa gần chục giống lúa mới vào sản xuất và thực hiện các mô hình trồng lúa, chế biến gạo sạch theo chuỗi gắn với doanh nghiệp”, ông Nhân cho biết.

Ông Đặng Ngọc Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuy Lộc (bên trái) kiểm tra mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị lúa, gạo với Công ty Giống cây trồng Quảng Bình. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Đặng Ngọc Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuy Lộc (bên trái) kiểm tra mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị lúa, gạo với Công ty Giống cây trồng Quảng Bình. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Nhân cùng các cán bộ HTX đưa chúng tôi ra vùng đồng Trạm Bơm, nơi có các thửa ruộng cấy giống lúa mới theo chuỗi còn chưa gặt. Lúa chín rực vàng, bông lúa cúi đều tắp.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Cty Giống cây trồng Quảng Bình (đơn vị liên kết) cùng ông Đặng Ngọc Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuy Lộc lội xuống ruộng lúa. Quan sát một lúc và đếm số hạt trên bông, ông Thắng bảo năng suất đạt khoảng 66 tạ/ha. Tuy nhiên, đây là giống lúa chất lượng cao nên năng suất không thể vượt trội.

  “Nhưng bù lại, chi phí sản xuất ít và giá thóc này trên thị trường lại cao hơn các giống khác đến 10 giá nên bà con nông dân có lãi nhiều hơn”, ông Thắng nói.

Đến một vùng đồng khác của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Xá đang sản xuất theo chuỗi, bằng giống lúa mới PB 99 của Công ty Giống cây trồng Quảng Bình. Trên vùng đồng rộng hơn 5ha lúa đều tăm tắp đang chín rộ.

Ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc HTX và cũng là người thực hiện hiện mô hình cho biết, giống này ít sâu bệnh. Cây lúa thẳng cứng, đợt mưa gió vừa qua lúa vẫn không gãy đổ. Ông Hải lội xuống bứt lên một nắm lúa đưa cho mọi người rồi bảo: “Mỗi bông có 175 hạt và chỉ có 16 hạt bị lép thôi. Năng suất lúa chắc chắn trên 75 tạ/ha”.

Vụ ĐX này, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình liên kết thực hiện 50 ha sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân huyện Lệ Thủy. Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, việc liên kết này, doanh nghiệp hỗ trợ ban đầu về giống, phân bón, kỹ thuật và kêu gọi, hợp đồng với các doanh nghiệp khác thu mua lúa cho cho bà con.

“Định hướng của chúng tôi là từ mô hình liên kết để mở rộng việc hỗ trợ bà con nông dân trong canh tác lúa theo lộ trình giảm dần sử dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV, tăng sử dụng phân bón hữu cơ và tiến đến sản xuất bền vững không chỉ với lúa gạo và còn cả những cây trồng khác”, ông Kỳ chia sẻ.

Vượt lên khó khăn, vụ lúa ĐX năm nay, nông dân Quảng Bình được mùa, được giá. Ảnh: T.Phùng.

Vượt lên khó khăn, vụ lúa ĐX năm nay, nông dân Quảng Bình được mùa, được giá. Ảnh: T.Phùng.

Thóc bán chạy như... ô tô trên cao tốc

Ngày từ đầu vụ, các doanh nghiệp ký kết với các HTX làm lúa gạo theo chuỗi đã báo sẽ thu mua lúa cho bà con “giá 62” (6,2 triệu đồng/tấn). Cũng với giá này, tư thương trả tiền tươi cho bà con khi lúa mới phơi được một nắng.

Nhà chị Trần Thị Liên (xã Lộc Thủy), chồng làm nghề lái xe nên cũng bận, mình chị làm đến 1,5 ha ruộng. Đang đợi ô tô đến chở lúa, chị bảo: “Chừa lại 2 tấn thôi, còn bán hết 10 tấn cầm 62 triệu đồng. Không lớn nhưng cũng chẳng nhỏ với nông dân. Vậy là vui lắm rồi”.

Niềm vui lớn được mùa, được giá của nông dân càng được nhân lên khi thời tiết nắng luôn mấy hôm ngầm giúp bà con thu hoạch, phơi lúa. Ông Nguyễn Văn Sơn, một người trồng nhiều lúa với diện tích trên chục ha cho hay, bữa nay chi phí làm lúa cứ như định sẵn. Trung bình mỗi ha tính tất tần tật từ khâu đầu đến khâu cuối hết 20 triệu đồng. Vụ này, cứ tính trung bình lúa 7 tấn/ha, nhân với “giá 62” thành ra 44 triệu đồng.

“Trừ cho phí rồi, bỏ túi được khoảng 23-25 triệu đồng/ha. Nhà tui có hơn 10 ha thì cứ nhân lên là biết lợi nhuận thôi hè”, ông Sơn nói rổn rảng.

Trên cánh đồng Ông Đồng (huyện Quảng Ninh) rộng gần ngàn ha đang vào vụ gặt rộ. Tiếng máy gặt, ô tô vận chuyển thóc rền trên những con đường nội đồng.

Bà Nguyễn Thị Thảo (xã Gia Ninh) có một ha ruộng vừa gặt xong. Bà không đưa lúa về nhà mà bán ngay cho thương lái tại bờ ruộng. “Tính toán chi li thì lãi cũng được 23 triệu đồng mỗi héc ta. Bữa trước tết có sửa nhà, làm sân còn nợ hơn hai chục triệu, bán được lúa coi như trả xong. Còn mấy sào ruộng bên vùng, vạt gần nhà thì gặt làm lương thực dự trữ ăn dần”, bà hồ hởi cho hay.

Nông dân Quảng Bình được mùa, thóc bán nhanh với giá 62 triệu đồng/tấn, lãi khoảng 23-25 triệu đồng/ha. Ảnh: Tâm Phùng.

Nông dân Quảng Bình được mùa, thóc bán nhanh với giá 62 triệu đồng/tấn, lãi khoảng 23-25 triệu đồng/ha. Ảnh: Tâm Phùng.

Theo nhiều người dân, vụ ĐX này giá lúa có sự đổi chiều. Nhiều năm trước thì “lứa tròn” (lúa truyền thống vì hạt thóc mẩy tròn) bán dễ và giá cũng cao. Nhưng năm nay, “lúa dài” (lúa khoa học kỹ thuật có hạt thóc dài hơn) bán chạy hơn và giá cao hơn nhiều.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Lệ Thủy nhìn nhận: “Đó cũng là tín hiệu tốt, thuận lợi cho việc đưa dần các giống lúa mới tiến bộ vào thay thế dần các giống lúa cũ, tạo chất lượng cao, thương hiệu tốt cho hạt gạo Lệ Thủy”.         

Năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ha

Ông Nguyễn Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Quảng Bình cho biết, vụ ĐX năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 29.600 ha lúa, đạt 104% kế hoạch. Năng suất bình quân đạt khoảng 60 tạ/ha.

“Một số địa phương có năng suất cao như Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch… Hiện diện tích lúa trà đầu ở các địa phương cơ bản thu hoạch xong. Trà chín vụ, trà muộn đang giai đoạn thu hoạch rộ. Tận dụng thời tiết nhiều nắng nên bà con nông dân đang tập trung nhân lực để thu hoạch”, ông Tứ nói.

Xem thêm
Trâu, bò vỗ béo 'cái nghèo teo đi'

THÁI NGUYÊN Ngoài được hỗ trợ toàn bộ con giống, người dân còn được hỗ trợ 50% thức ăn theo định mức và tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu, bò.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.