80 sản phẩm đoạt giải
Lễ tôn vinh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2020 được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang là mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng nên quá trình khảo sát bình chọn cũng chịu ảnh hưởng rất lớn, việc đi lại khó khăn khiến công tác khảo sát, triển khai kéo dài hơn so với các năm gần 3 tháng.
Trải qua gần 6 tháng làm việc, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, Ban tổ chức đã bình chọn ngẫu nhiên hơn 1.450 sản phẩm nông nghiệp của tất cả các vùng miền trên cả nước. Tại vòng sơ khảo Hội đồng bình chọn đã chọn ra 351 trong số 1.450 sản phẩm được khảo sát.
Trong số 351 sản phẩm, cuối cùng thì 80 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu nhất đã được trao danh hiệu Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2020, trong đó có sản phẩm phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh của Công ty cổ phần Tổng công ty Sông Gianh, đóng tại phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến: Thời gian qua, đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách, ngành nông nghiệp đã có những ứng phó kịp thời và hiệu quả, nên kết quả sản xuất vẫn đạt khá, thậm chí năng suất vụ lúa đông xuân năm 2020 còn tăng so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt và đặc biệt đến thời điểm này chúng ta đã tái được đàn lợn vượt trên 100% so với trước khi dịch bệnh xảy ra và nhìn chung năm nay vẫn là một năm nông nghiệp được mùa, được giá trên nhiều mặt trận.
Chúng ta có thể tự hào rằng, ngành nông nghiệp đã phát huy tốt vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định chính trị và phát triển nền kinh tế-xã hội trong giai đoạn bị dịch bệnh Covid-19,...
Thành công đó có phần đóng góp của Chương trình khảo sát, bình chọn và tôn vinh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam.
Một thương hiệu phân bón của nhà nông
Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh của Công ty cổ phần Tổng công ty Sông Gianh lâu nay được người nông dân khắp cả nước biết đến và nhiệt tình đón nhận.
Phân bón mang thương hiệu Sông Gianh đã gắn bó mật thiết với người nông dân và nền nông nghiệp sạch, bền vững của nước nhà, đưa Sông Gianh trở thành “con chim đầu đàn” của ngành phân bón hữu cơ vi sinh.
Qua câu chuyện với ông Biền Văn Nga, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty được biết, trải qua hơn 30 năm hoạt động đến nay, Sông Gianh đã có 13 chi nhánh đồng thời là nhà máy sản xuất phân bón tại tỉnh Quảng Bình, Đắc Lắk, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, cùng trên 500 nhà đại lý, phân phối trên toàn quốc.
Tổng công ty cũng đã triển khai nhiều mô hình bón phân hữu cơ cho cây lúa trên các vùng đất ít có điều kiện canh tác đạt kết quả tốt. Phân bón Sông Gianh không chỉ có mặt trên đồng ruộng hầu khắp cả nước mà còn lan sang đồng ruộng nước bạn Lào và Campuchia.
Theo ông Biền Văn Nga, hiện nay được sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật và công nghệ của các nhà khoa học trong và ngoài nước, Tổng công ty đã sản xuất và lưu hành trên thị trường nhiều dòng sản phẩm phân bón phù hợp với nhiều chất đất và tất cả các loại cây trồng.
Đó là, dòng phân hữu cơ vi sinh, dòng phân hữu cơ sinh học, dòng phân hữu cơ khoáng chuyên dùng, dòng phân đa lượng NPK, dòng phân bón lá và dung dịch dinh dưỡng cây trồng Sông Gianh. Các sản phẩm phân bón này được đưa vào danh mục các loại phân bón được lưu hành tại Việt Nam và được công bố chất lượng theo quy định hiện hành.
Lúa hữu cơ mang dấu ấn phân bón Sông Gianh
Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây nông sản hữu cơ Sông Gianh đã được nhiều nông dân và doanh nghiệp chọn lựa bởi không chỉ tạo ra chất lượng thơm ngon mà còn tác động tích cực tới môi trường và sức khỏe người dân.
Trước đây, mỗi nông dân, mỗi vụ phải đổ xuống đồng ruộng hàng chục kg thuốc hóa học thì nay nhiều cánh đồng đã như được hồi sinh nhờ phát triển thuận theo tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Tân ở thôn Kênh, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Khê (Hà Tĩnh) cho biết, dùng phân hữu cơ giúp môi trường, sinh vật và thiên địch trong ruộng lúa phát triển mạnh.
Không chỉ gia đình ông Tân, vụ hè thu năm nay, nông dân trồng lúa ở 4 huyện của tỉnh Hà Tĩnh đã bắt đầu quen với khái niệm đạt chuẩn hữu cơ, dự kiến năng suất lúa đạt từ 53 – 56 tạ/ha. Đây là cơ sở để những nông dân như ông Tân tin vào hiệu quả bền vững của lối canh tác này.
Theo ông Biền Văn Nga, phân hữu cơ không có hóa chất, không độc hại và thành phần dinh dưỡng cân đối giúp tăng năng suất cũng như chất lượng nông sản, đặc biệt là cải tạo đất và bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng phân bón Sông Gianh cho hay, điều quan tâm lớn nhất với nông nghiệp Hà Tĩnh vẫn là môi trường và sản xuất bền vững.
Sản xuất nông nghiệp nhiều năm qua chạy theo xu hướng dùng phân bón hóa học, thuốc BVTV quá nhiều, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái đất và nước. Và chính nông nghiệp hữu cơ sẽ giải quyết cơ bản vấn nạn này.
Muốn có nông nghiệp hữu cơ phải sử dụng phân bón hữu cơ. Riêng năm nay, Hà Tĩnh đầu tư mô hình nông nghiệp hữu cơ với 90ha trên lúa và 50ha cây ăn quả, trong đó nhiều diện tích bà con bón phân hữu cơ Sông Gianh.
Bừng sáng những vùng cây ăn quả
Những ngày cuối năm, trở lại vùng cam Kim Bôi (Hòa Bình), nơi dịch bệnh Greening đang tàn phá cây cam thì vườn cam hơn 3ha nhà ông Nguyễn Xuân Thắng, xã Tú Sơn (Kim Bôi) vẫn thắng lớn.
Những năm trước đây, cam nhà ông Thắng chỉ cho năng suất 30- 40 tấn quả/ha thì năm 2019 vọt lên 40- 45 tấn, thậm chí những diện tích bón phân hữu cơ Sông Gianh đạt kỷ lục 70 tấn quả.
“Quả là một kỳ tích”, ông Thắng thốt lên. Nếu trước kia chỉ bón phân chuồng, một khi ngâm ủ không kỹ phân tươi tấn công vào bộ rễ làm cây bị nấm bệnh thì nay ông Thắng chuyển hẳn sang dùng phân hữu cơ vi sinh.
Ông bón phân cho cây cam 4 lần/năm gồm giai đoạn sau thu hoạch, dưỡng hoa, ra quả, dưỡng quả, và dừng hẳn việc bón phân, phun thuốc 2 tháng trước khi thu hoạch. Những quả cam đường Canh, cam lòng vàng được bón phân hợp lý quả vàng ruộm, vỏ mỏng tang, nhìn thật thích mắt.
Thăm vườn cam, ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình không thể không thừa nhận hiệu quả của mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ này.
Theo ông Hùng, tỉnh có hơn 8.000 ha cây ăn quả, nếu đồng loạt sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, hạn chế thuốc BVTV, tích cực cải tạo đất thì sản lượng và chất lượng cây ăn quả của tỉnh Hòa Bình sẽ được nâng cao, qua đó tăng uy tín, thương hiệu và giá trị vùng cây ăn quả của tỉnh, góp phần sản xuất bền vững.
Còn theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, bón phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh, hạn chế dùng phân hóa học và thuốc BVTV độc hại chính là thay đổi nhận thức của người trồng cây có múi, cải tạo và bồi bổ đất, kiểm soát tốt chất lượng nông sản.
Tại vùng bưởi huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), thăm vườn bưởi nhà ông Vũ Xuân Chiêm, xã Xuân Vân (Yên Sơn), bắt gặp nhiều chùm bưởi cả chục quả, nặng trĩu cành, đều tăm tắp, da quả bưởi vàng sáng… thật thích mắt. Những cây bưởi có tán lá dày dặn, cành cứng cáp, đầy sức sống… nhờ bón phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh.