| Hotline: 0983.970.780

Muôn kiểu giải hạn cho cây trồng

Thứ Tư 24/04/2024 , 08:27 (GMT+7)

Đồng Nai Trước tình trạng nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài, nông dân tỉnh Đồng Nai đã áp dụng nhiều giải pháp giúp ‘giải hạn’ cho cây trồng.

Tạo thực bì, 'săn' nước, tưới đêm…

Với kinh nghiệm trồng vườn lâu năm, trước tình trạng khô hạn gay gắt, anh Nguyễn Thanh Phước (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã thực hiện giữ cỏ, thực bì phủ kín đất trống để tạo ẩm cho cây trồng. “Ngoài cỏ, thực bì thì nông dân có thể đắp bạt hoặc tạo các lớp rơm để giữ ẩm cho cây. Anh nhìn xem, vườn măng cụt vẫn sinh trưởng và phát triển tốt ngay cả trong cao điểm mùa khô này”, anh Phước chia sẻ.

Vườn măng cụt của gia đình anh Phước luôn có cây cỏ phủ kín mặt vườn, tạo độ ẩm rất tốt. Ảnh: Minh Sáng.

Vườn măng cụt của gia đình anh Phước luôn có cây cỏ phủ kín mặt vườn, tạo độ ẩm rất tốt. Ảnh: Minh Sáng.

Ngoài phủ thực bì tạo độ ẩm, nhiều nông dân đang “săn” tìm mạch nước ngầm để vượt qua giai đoạn mùa khô hạn đầy khó khăn này. Gia đình ông Nguyễn Văn Sinh (ấp Suối Đục, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) sau nhiều lần đào, khoan giếng không hiệu quả, rất may mới đây đã khoan đúng vị trí mạch nước ngầm, giúp 2,3 ha sầu riêng không chịu cảnh “chết đứng” vì khô khát.

“Vườn sầu riêng của gia đình tôi nếu không kịp có nước tưới thì chỉ khoảng một tuần nữa là chết héo hết, rất may “săn” được mạch nước này…”, ông Sinh phấn khởi kể.

Theo ông Sinh, không phải ai khoan giếng cũng may mắn tìm được mạch nước ngầm, vì thế các hộ trồng sầu riêng xung quanh đang được ông chia sẻ nguồn nước để cùng cứu vườn cây qua cao điểm mùa khô khát. 

Ngoài việc tìm mạch nước, hầu hết nông dân đều đang triệt để tiết kiệm nguồn nước ít ỏi còn lại. Thời điểm này, các xã viên HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) đang chủ động tưới giảm lượng nước cho vườn sầu riêng.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Xuân Định cho biết: “Đang đỉnh điểm nắng nóng nên bà con phải tăng số lần tưới hàng ngày, nhưng lại chủ động giảm lượng nước triệt để, giúp cho vườn cây luôn giữ độ ẩm không bị khô hạn”. Theo bà Nga, năm nay năng suất sầu riêng sẽ giảm, do khí hậu cực đoan khiến cây rụng nhiều bông và trái non.

Ngoài nguồn nước tự nhiên, nhiều nông dân đã quyết định dùng nước sinh hoạt để tưới duy trì vườn cây. Trong điều kiện nắng nóng, khô hạn gay gắt, cây sầu riêng thường bị cháy chóp lá, cháy đầu lá, ảnh hưởng đến khả năng quang hợp và tổng hợp dinh dưỡng của cây. Do đó, việc sử dụng nước sạch sinh hoạt tưới cho cây trồng nói chung cũng như cây sầu riêng là giải pháp tình thế buộc phải áp dụng. Nông dân cũng chọn thời điểm tưới cây vào lúc chiều mát, đêm khuya hoặc sáng sớm sẽ hiệu quả hơn và tránh lãng phí nước do bốc hơi nhanh.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết: “Do mùa khô năm nay thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài hơn mọi năm nên các địa phương đã triển khai đồng loạt các giải pháp chống hạn, mặn, gồm trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất, sinh hoạt; tổ chức vận hành các công trình thủy lợi thông suốt như đóng mở các cống, đập thủy lợi hợp lý và kịp thời nhằm tích trữ được nguồn nước để đảm bảo cho sản xuất”.

Theo ông Sinh, nông dân cần thực hiện các giải pháp giữ ẩm với các biện pháp như giữ lớp thực bì tự nhiên, giữ cỏ, ủ gốc đến sử dụng màng che tạo bóng râm, màng phủ nông nghiệp, lưới ủ gốc, dùng chất giữ ẩm. Lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có thể hỗ trợ nhau để trồng, nuôi xen theo hình thức đa tầng, phát huy lợi thế cộng sinh, không cạnh tranh, xung đột trong việc sử dụng nước. Đồng thời, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục và các chế phẩm sinh học làm tăng khả năng chống chịu hạn, mặn.

Triệt để tưới tiết kiệm

Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, giải pháp tưới tiết kiệm với ngành nông nghiệp phải được đưa lên hàng đầu nhằm tiết kiệm nguồn nước quý giá cho toàn vụ. Nhiều nông dân trồng sầu riêng ở Xuân Lộc (Đồng Nai) đã sớm đầu tư áp dụng công nghệ tưới, phun tiết kiệm để chống khô hạn.

Nhiều nông dân trồng sầu riêng ở Xuân Lộc (Đồng Nai) đã sớm đầu tư áp dụng công nghệ tưới, phun tiết kiệm để chống khô hạn. Ảnh: Minh Sáng.

Nhiều nông dân trồng sầu riêng ở Xuân Lộc (Đồng Nai) đã sớm đầu tư áp dụng công nghệ tưới, phun tiết kiệm để chống khô hạn. Ảnh: Minh Sáng.

Nông dân Đỗ Vĩnh Thụy (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) từ lâu đã áp dụng giải pháp này, cho rằng: Việc lắp đặt hệ thống tưới tưới tiết kiệm và tưới đúng cách trong mùa khô là rất cần thiết. Đồng thời, chỉ nên tưới nước vào ban đêm cho vườn sầu riêng, vừa đảm bảo nguồn nước tưới hiệu quả, vừa hạn chế thấp nhất tình trạng hao phí nước do bị bốc hơi khi trời nắng gắt; giúp cây trồng hấp thụ được đầy đủ nước tưới, cây không bị sốc nhiệt khi tưới nước trong trời nắng gắt.

“Nhờ tưới tiết kiệm và chọn thời điểm tưới phủ hợp, vườn sầu riêng của gia đình tôi vẫn sinh trưởng tốt, không xảy ra hiện tượng khô bông hay rụng trái non như một số nhà vườn khác”, ông Thụy khoe.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc, để đối phó với tình hình khô hạn, xã Xuân Phú và Xuân Thọ đã thử nghiệm mô hình lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để trồng bắp giúp giảm lượng nước tưới, tăng hiệu quả sản xuất. Bà Lê Thị Xuân Trang, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc cho biết: “Công nghệ tưới tiết kiệm với phân bón được hòa tan trong nước giúp giảm hao hụt phân bón, giảm nhân công, giảm những tác hại đến cây bắp do việc bón phân trực tiếp vào cây. Mô hình này đã cho hiệu quả bước đầu và đang tiếp tục được thử nghiệm để làm mô hình điểm, từ đó nhân rộng ra cho nông dân”.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, để ứng phó trước khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất, ngành nông nghiệp các địa phương và nông dân đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống hạn. Ngoài việc đầu tư thêm các công trình thủy lợi, tỉnh Đồng Nai kêu gọi các địa phương tiết kiệm nguồn nước tưới và khuyến khích nhân rộng hệ thống tưới nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp. Việc tưới tiết kiệm được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu đang được nông dân nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có gần 59,8 ngàn ha (chiếm gần 31,3% trên tổng diện cây trồng chủ lực của tỉnh) đã được ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.