| Hotline: 0983.970.780

Nước tưới cho Tây Nguyên

Tưới tiết kiệm: Cái khó bó cái khôn

Thứ Sáu 12/04/2024 , 10:24 (GMT+7)

Tưới tiết kiệm mang lại rất nhiều lợi ích mà bản thân nông dân hiểu rất rõ, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.

Lãng phí nước tưới - "gậy ông đập lưng ông"

Hiện Tây Nguyên đang ước vào cao điểm mùa khô, nhiều ao hồ, khe suối trên địa bàn mực nước đã xuống thấp. Thế nhưng, hầu hết người dân vẫn giữ thói quen tưới nước cho cà phê một cách lênh láng mà không mấy ai quan tâm đến việc phải tiết kiệm nước.

Tại Đắk Lắk, tỷ lệ người dân áp dụng tưới tiên tiến cho cây cà phê còn hạn chế. Theo đó, người dân chủ yếu tưới nước theo kiểu bơm nước lên rồi cho chảy thoải mái vào gốc cà phê. Đến khi gốc cà phê đầy nước, bà con mới chuyển vòi qua cây khác để tiếp tục tưới.

Người trồng cà phê ở Tây Nguyên ngày càng phải khoan giếng sâu hơn nhưng nguồn nước ngày càng khó khăn, cạn kiệt. Ảnh: Đăng Lâm.

Người trồng cà phê ở Tây Nguyên ngày càng phải khoan giếng sâu hơn nhưng nguồn nước ngày càng khó khăn, cạn kiệt. Ảnh: Đăng Lâm.

Bài liên quan

Theo ông Nguyễn Công Thành (huyện Krông Búk), nhiều năm nay, gia đình vẫn tưới nước theo kiểu dí ống nước trực tiếp vào gốc cà phê. Không chỉ ông, mà rất nhiều người trồng cà phê khác ở Đắk Lắk cũng giữ thói quen tưới nước theo kiểu đó.

Người dân chủ yếu vẫn giữ thói quen kéo vòi tưới nước trực tiếp vào gốc cà phê. Với tâm lý chung là tưới càng nhiều càng tốt, tưới được đợt nào hay đợt đó, người dân hầu như chưa có khái niệm tưới tiết kiệm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chính nông dân đang làm hao phí nguồn nước, dễ dẫn đến nguy cơ khô hạn cho chính vườn cây của mình.

Những năm qua, số hộ dân tưới cà phê bằng hệ thống phun béc hoặc các mô hình tưới tiết kiệm có tăng lên, nhưng còn rất khiêm tốn.

Bài liên quan

Tại Gia Lai, gia đình anh Brin (làng A, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) có vườn cà phê 1ha. Mùa tưới năm nay, anh cùng vợ con phải kéo ống nhựa khắp vườn, dí vào từng gốc cà phê để tưới.

“Tưới kiểu truyền thống này chỉ được 10 gốc cà phê thì hết nước, rồi phải đợi nước lên mới tưới tiếp được. Tưới kiểu này rất phí nguồn nước nhưng không còn cách nào bời không có tiền đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm”, anh Brin chia sẻ.

Cũng theo anh Brin, tưới theo kiểu truyền thống, bên cạnh tốn nước còn tốn sức và tốn công nữa. Nếu tưới tiết kiệm, chỉ cần mở công tắc điện, thậm chí dùng điện thoại thông minh điều khiển từ xa thì tưới truyền thống phải kéo ống nhựa luồn lách qua từng hàng, từng gốc cà phê.

Tưới tràn kiểu truyền thống không kiểm soát được nguồn nước gây lãng phí rất lớn. Ảnh: Minh Quý.

Tưới tràn kiểu truyền thống không kiểm soát được nguồn nước gây lãng phí rất lớn. Ảnh: Minh Quý.

Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Liễu (làng Kép, xã Ia Mơ Nông) cũng đang thực hiện tưới tràn theo kiểu truyền thống cho vườn cà phê 2,5ha của gia đình. Những ống nước đước đẩy lên cao phun lênh láng ra khắp vườn cây.

Bà Liễu cho biết, tưới kiểu truyền thống này chắc chắn sẽ lãng phí nước rất nhiều, giếng khoan của gia đình bắt đầu có dấu hiệu cạn kiệt. “Trước đây nguồn nước dồi dào, gia đình thực hiện tưới 6 tiếng để cây cà phê hấp thụ nước tốt nhất. Còn hiện tại, tưới 4 tiếng đã phải dừng vì hết nước. Trong thời gian tới sẽ càng khô hạn nên gia đình chỉ mong sao có nước để duy trì cho cây cà phê không bị khô héo”, bà Liễu chia sẻ.

Người dân chủ yếu tưới truyền thống gây lãng phí nguồn nước dẫn đến nhiều sông, hồ trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng cạn kiệt. Theo ghi nhận thực tế, với tốc độ sử dụng nước lãng phí như hiện nay, chỉ trong thời gian ngắn nữa, các sông, hồ sẽ trơ đáy.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà, Kon Tum) cho biết, trước đây, người dân trên địa bàn chủ yếu tưới tràn vào gốc cây thì nay đã sử dụng những béc tưới trên cao. Hình thức tưới này có giảm lãng phí nước tưới hơn đôi chút so với tưới tràn vào gốc nhưng cũng tiêu tốn nước rất lớn. Nước từ ống béc trên cao phun ra khắp vườn nhưng chủ yếu tưới cho thân và lá cây cà phê. Để gốc cây đủ lượng nước thì phải tưới rất lâu, như vậy rất lãng phí.

Biết lợi, nhưng khó...

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh yếu tố thời tiết, khí hậu vào mùa khô ngày càng khắc nghiệt, chính việc nông dân sử dụng vô tội vạ nguồn nước cũng là nguyên nhân lớn khiến các sông, hồ trên địa bàn đang mau chóng cạn kiệt, nguy cơ cây cà phê sẽ thiếu nước trong thời gian tới là rất lớn.

Tưới tràn kiểu truyền thống không chỉ lãng phí nước, vừa tốn rất nhiều công sức. Ảnh: Đăng Lâm.

Tưới tràn kiểu truyền thống không chỉ lãng phí nước, vừa tốn rất nhiều công sức. Ảnh: Đăng Lâm.

“Với việc tưới xả tràn hay tưới béc quay trên cao đang gây lãng phí lớn nguồn nước, trong khi đó mạch nước ngầm cũng đang cạn kiệt. Trước tình hình này, để đảm bảo nước tưới trong thời kỳ khô hạn cũng như ứng phó lâu dài với biến đổi khí hậu như hiện nay, HTX đang đẩy mạnh mở rộng diện tích lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tận gốc cho các thành viên nhằm tiết kiệm nước hiệu quả nhất”, ông Sáu chia sẻ.

Huyện Chư Sê cũng là một trong những địa phương có diện tích cây trồng lớn của tỉnh Gia Lai. Thống kê từ Phòng NN-PTNT huyện này cho biết, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện có 1.600ha lúa, gần 11.000ha cà phê, khoảng 1.200ha hồ tiêu, 300ha chanh leo cùng nhiều loại cây trồng khác.

“Huyện vừa thành lập đoàn đi kiểm tra một số vùng có diện tích cây trồng lớn, hoặc những địa phương có khả năng thiếu nước tưới hôm. Trước mắt chưa có hiện tượng cây trồng bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới. Tuy nhiên trong thời gian ngắn sắp tới, nếu không có mưa thì hạn hán là điều khó tránh khỏi trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê cho biết.

Cũng theo ông Hợp, từ nhiều năm nay, được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án nên không ít vườn cây đã được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Tuy nhiên, còn rất nhiều bà con vẫn phải kéo ống tưới theo kiểu truyền thống. Những trường hợp này hoặc là do không chủ động được nguồn điện, nguồn nước, hoặc nước yếu nên khó lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun béc trên cao.

Với vườn cà phê, tưới tiết kiệm có rất nhiều cái lợi. Áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt dưới gốc vừa tiết kiệm nước, công sức lao động, vừa tiết kiệm được cả phân bón bởi phân bón được đưa vào nguồn nước, dẫn đến từng gốc cây. Còn với hình thức tưới phun béc trên ngọn thì vừa rửa được cây, làm mát cây, còn góp phần xua đuổi côn trùng, sâu hại… Và tất nhiên, với phương thức tưới truyền thống thì không thể có được những ưu điểm như trên.

Nếu cứ áp dụng tưới tràn sẽ làm cho nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Nếu cứ áp dụng tưới tràn sẽ làm cho nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk (Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk), nhận thức của người dân về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn còn hạn chế. Hiện tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rõ nét đến sự phát triển ngành nông nghiệp, trong đó cà phê là một trong những cây trồng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Do nhiệt độ có xu hướng tăng, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tưới cho cây cà phê đang ở mức báo động.

Chính vì vậy, nếu đúng kỹ thuật, lượng nước tưới cho cà phê chỉ cần từ 340 - 400 lít/cây/lần. Tưới như vậy nông dân có thể tiết kiệm được hơn 30% lượng nước. Khi tưới lượng nước vừa đủ theo đúng quy cách, quá trình sinh trưởng của cây cà phê sẽ rất tốt, cho trái nhiều hơn. Nếu có lượng nước phù hợp, cây cà phê sẽ hấp thụ các dưỡng chất từ đất tốt hơn nên năng suất sẽ cao hơn. Đặc biệt, tưới nước vừa đủ sẽ giúp người dân giảm đáng kể lượng phân bón do không bị nước dư thừa cuốn trôi.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) : “Vẫn biết tưới tiết kiệm có rất nhiều cái lợi so với tưới truyền thống, tuy nhiên không phải vườn cây nào cũng có thể lắp đặt được hệ thống tưới tiết kiệm. Ngoài những khó khăn về nguồn điện, nguồn nước, việc bỏ ra 30 - 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho mỗi một ha cà phê cũng là cả một vấn đề với không ít chủ vườn, nhất là trong bối cảnh giá cà phê lên xuống thất thường, bà con không yên tậm để mạnh dạn đầu tư vì sợ rủi ro”.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.