| Hotline: 0983.970.780

Nước tưới cho Tây Nguyên

Tưới tiết kiệm - giải pháp đột phá

Thứ Hai 15/04/2024 , 08:30 (GMT+7)

Tưới tiết kiệm đang là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở Tây Nguyên.

Tưới tiết kiệm là giải pháp tối ưu trước biến đổi khí hậu. Ảnh: Tuấn Anh.

Tưới tiết kiệm là giải pháp tối ưu trước biến đổi khí hậu. Ảnh: Tuấn Anh.

Sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên đang chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán. Việc áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm trên cách loại cây trồng, đặc biệt là cây cà phê đang trở nên cấp bách.

Tỉ lệ tưới tiết kiệm còn rất thấp

Bài liên quan

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, từ nay đến tháng 5/2024, khả năng còn xảy ra nắng nóng ở khu vực TP Kon Tum và các huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Rẫy. Từ tháng 1 đến tháng 3/2023, trên phạm vi toàn tỉnh nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 0,5 - 1,2 độ C so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Trước tình hình nắng nóng kéo dài gây ra tình trạng thiếu nước cho cây trồng cạn, việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước đang là một trong những giải pháp khắc phục nhằm nâng cao giá trị sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm cũng giúp chủ động nguồn nước tưới, thay đổi thời vụ canh tác, chủ động sản xuất các mặt hàng nông sản theo yêu cầu thị trường.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, thời gian qua, việc ứng dụng tưới nước tiết kiệm trên địa bàn đã được triển khai và ứng dụng ngày càng rộng rãi. Việc tưới tiết kiệm trên địa bàn tỉnh hiện đang ứng dụng chủ yếu ở 2 loại hình là tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa.

Tính đến cuối năm 2023, diện tích cây trồng cạn được ứng dụng tưới nước tiết kiệm trên địa bàn tỉnh đạt gần 17 ngàn ha. Trong đó, các cây trồng được ứng dụng chủ yếu là cây công nghiệp (cà phê), cây ăn quả và rau màu.

Tưới tiết kiệm đang được áp dụng ngày càng phổ biến trên cà phê tái canh ở Kon Tum. Ảnh: Tuấn Anh.

Tưới tiết kiệm đang được áp dụng ngày càng phổ biến trên cà phê tái canh ở Kon Tum. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Công nghệ chủ yếu được áp dụng là tưới nhỏ giọt của Isarel gắn với việc lắp đặt hệ thống nông nghiệp thông minh, sử dụng cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và tự động điều khiển máy bơm hoạt động theo nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Ngoài ra, còn có các công nghệ tưới quấn quanh gốc, tưới cục bộ, phun mưa... Trong đó, công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Isarel chiếm khoảng 70% diện tích.

Tại tỉnh Gia Lai, nhằm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh này đã xây dựng nhiều phương án tích cực, mang lại hiệu quả khả quan. Hiện toàn tỉnh có hơn 44.000ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước gồm hơn 12.500ha cà phê, 10.400ha cây ăn quả và 2.400ha hồ tiêu... Trong đó, diện tích do người dân tự đầu tư là hơn 33.200ha, doanh nghiệp hơn 9.000ha và nhà nước đầu tư hơn 140ha.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Gia Lai với diện tích hơn 100 ngàn ha. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện còn khoảng 10.000ha cà phê cần được tái canh để đảm bảo năng suất, chất lượng. Diện tích cà phê lớn, song việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước còn thấp. Hiện mới có hơn 12.500ha cà phê của tỉnh áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước (chiếm 12,5%), nguyên nhân chủ yếu do chi phí đầu tư hệ thống tưới này khá cao, bình quân 30 - 40 triệu đồng/ha.

Giảm áp lực khai thác nước ngầm

Ghi nhận thực tế tại huyện Đăk Hà, nơi được xem là thủ phủ cà phê của tỉnh Kon Tum, rất nhiều diện tích cà phê đã được người dân đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tận gốc. Dẫn chúng tôi dạo quanh khu vực sản xuất cà phê thuộc xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà), ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung cho biết, từ thực tế nguồn nước ở các sông hồ ngày càng cạn kiệt, việc tưới tiết kiệm sẽ là bài toán giúp cây cà phê đảm bảo đủ nguồn nước tưới.

Một số hộ dân sử dụng tưới béc trên cao vẫn gây lãng phí nguồn nước. Ảnh: Tuấn Anh.

Một số hộ dân sử dụng tưới béc trên cao vẫn gây lãng phí nguồn nước. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Hiện nay, HTX đã vận động được các thành viên đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm với diện tích trên 20ha. Chính nhờ có hệ thống tưới tiết kiệm nên những vườn cà phê dù được trồng trên những quả đồi nhưng vẫn luôn xanh tươi.

“Tưới tiết kiệm là giải pháp hữu hiệu, có tính đột phá cho vùng khô hạn, thiếu nguồn nước và trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông sản, cải thiện sinh kế của người dân”, ông Sáu chia sẻ.

Ông Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) cho biết, hiện HTX có khoảng 300 hộ dân trồng cà phê với diện tích liên kết khoảng 490ha. Theo khảo sát thực tế vào mùa khô, có hộ dân sử dụng công nghệ tưới tiên tiến khoảng hơn 60%. Riêng với công nghệ tưới phun mưa tận gốc thì còn ít, phần lớn được các hộ dân sử dụng trên cây cà phê tái canh.

“Từ thực tế của các hộ dân cho thấy, công nghệ tưới tiết kiệm giúp giảm chi phí nhân công, cũng như tiết kiệm nước cho vườn cây cà phê. Với đặc thù khu vực Tây Nguyên có địa hình phức tạp, công nghệ tưới tiết kiệm đã được người dân áp dụng linh hoạt nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho cây cà phê”, anh Hữu Anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon tum cho biết, việc triển khai thực hiện ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại hiệu quả rất cao.

Phương pháp tưới tiết kiệm đã giảm được lượng nước tưới rất lớn so với tưới tràn truyền thống. Điều này giúp giảm áp lực khai thác nguồn nước ngầm và đủ nước sử dụng trong cả mùa khô kéo dài. Đồng thời tạo điều kiện phục hồi hệ sinh thái ở các vùng đất bị hạn hán, xói mòn và đang có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.

Tưới tiết kiệm nước đang là giải pháp tối ưu trước biến đổi khí hậu. Ảnh: Đăng Lâm.

Tưới tiết kiệm nước đang là giải pháp tối ưu trước biến đổi khí hậu. Ảnh: Đăng Lâm.

“Việc ứng dụng công nghệ tưới tưới tiết kiệm đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp tăng năng suất cây trồng trung bình từ 10 đến 30%, giảm 20 đến 50% chi phí công lao động, tiết kiệm từ 20 đến 40% lượng nước so với phương thức tưới truyền thống. Ngoài ra, việc bón phân qua hệ thống tưới còn giúp giảm từ 10 đến 30% lượng phân bón, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình canh tác”, ông Tâm chia sẻ.

Cũng theo ông Tâm, ưu điểm lớn nhất của phương pháp tưới nước tiết kiệm là người dân không phải tốn công đào mương dẫn nước, đồng thời điều chỉnh được lượng nước tưới theo nhu cầu của từng loại cây trồng nên tiết kiệm đáng kể nguồn nước. Ngoài ra, còn có thể hòa lẫn các loại phân bón dễ hòa tan như đạm, kali hay các loại phân bón dạng nước... thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng.

Với hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp nên hiện nay, công nghệ tưới tiết kiệm đã được áp dụng rộng rãi tại các địa phương đối với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây cà phê.

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp để gia tăng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm giúp mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao”, ông Tâm chia sẻ.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp, HTX đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vẫn còn rất hạn chế so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

“Thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công nghệ tưới tiết kiệm để người dân, doanh nghiệp, HTX cùng nhân rộng thực hiện. Đồng thời, Sở sẽ tham mưu các cấp về chính sách hỗ trợ tưới tiết kiệm, hỗ trợ chuyển đổi số… Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có khoảng 120 ngàn ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước”, ông Nghĩa thông tin.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.