| Hotline: 0983.970.780

Mường Lay, thị xã ven trời

Thứ Tư 04/12/2024 , 06:00 (GMT+7)

Nằm cuối trời Tây Bắc, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên giống như số phận của một bậc hồng nhan, một thiếu nữ Thái trắng đẹp tuyệt trần nhưng cũng lắm đa đoan.

Ông Lù Văn Chanh, người Thái trắng ở bản Đớ. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Lù Văn Chanh, người Thái trắng ở bản Đớ. Ảnh: Hoàng Anh.

Chiều nào cũng vậy, ông Lù Văn Chanh, một người Thái trắng ở thị xã Mường Lay cũng ngồi đó, thẫn thờ bên bờ dòng Nậm Lay, buông ánh mắt buồn vào khoảng không vô định giữa mây trời, sóng nước. Thi thoảng lại hắt ra một tiếng thở dài thườn thượt, xuôi theo bóng một chiếc thuyền đuôi én đang dần khuất hẳn giữa màu xanh ngằn ngặt phía cuối ngã ba sông.

Dưới ấy là nơi giao cắt của dòng Nậm Lay từ trên cổng trời Ma Thì Hồ xuống, sông Đà bên Mường Tè, sông Nậm Na mạn Sìn Hồ sang. 3 con sông, 3 dòng chảy của lịch sử núi rừng Tây Bắc, đời đời lách từng vách núi đá, len lỏi qua những cánh rừng già để cùng nhau tắm tưới cho Mường Lay, thủ phủ của cộng đồng người Thái trắng ở trên rẻo cao này.

Đã xấp xỉ một phần tư thế kỷ rồi đấy. Giọng Lù Văn Chanh lẩm bẩm. Kể từ khi người Thái trắng Mường Lay và nhiều đồng bào dân tộc khác ở trên này ra đi để nhường lại quê cũ cho công trình thủy điện Sơn La. Một cuộc đại di dời có lẽ là lớn nhất lịch sử vùng Tây Bắc. Ra đi để mang lại ánh sáng cho Tổ quốc. Ra đi để xây dựng quê hương mới, bằng niềm tin mãnh liệt rằng chắc chắn sẽ tốt hơn nơi ở cũ.

Vậy mà, một phần tư thế kỷ trôi qua ngỡ như chỉ vừa chớp mắt. Những miền đất tưởng như quen hóa ra vẫn còn xa lạ. Những phận người còn lắm dùng dằng, lắm những nỗi nhọc nhằn và chưa thể quen với cái mác làm công dân của một thị xã.

Một thị xã Mường Lay mang nhiều nỗi niềm khắc khoải, thị xã khiến người ta có cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến là rất nhỏ và ít hơi người.

Mường Lay, thị xã trong tầm mắt. Ảnh: Tùng Đinh.

Mường Lay, thị xã trong tầm mắt. Ảnh: Tùng Đinh.

1.

Quê cũ của Lù Văn Chanh là bản Đớ, cũng là một cộng đồng người Thái trắng, cũng nằm bên dòng Nậm Lay này. Đến đây tự đời nào thế hệ ông không được rõ. Chỉ biết đó là một bản làng ven sông suối, gắn với hình ảnh từng cọn nước, ruộng lúa, nương rẫy và những mái nhà sàn xâm xấp, lẩn khuất dưới bìa rừng, cách thị xã Mường Lay ngày nay độ vài ba cây số tính theo đường chim bay.

Mường Lay cũ ấy, trong tiếng Thái mang nghĩa là vùng đất chạy trốn. Có một tương truyền về gốc gác của cái tên thị xã ngày nay rằng: Thuở xưa khi cộng đồng người Thái trắng từ phương Bắc xuống định cư ven vùng ngã ba sông này đã trải qua quãng thời gian dài chạy giặc Cờ vàng. Đất rộng người thưa, núi rừng hoang hoải không biết sẽ bị tập kích lúc nào, nhất là mỗi khi đêm tối nên đồng bào mới nghĩ ra cách đốt sáp nến gắn trên sừng dê, giống như cách tướng Thục tên Trương Phi thời Tam Quốc buộc nhành cây vào đuôi ngựa để đánh lừa giặc Tào Tháo. Đêm đến, khi đám giặc Cờ vàng cử quân vào thám thính, nhìn thấy hàng trăm ánh nến lấp lóe giữa rừng, tưởng bản làng đông đúc bèn hò nhau tháo chạy. Cái tên Mường Lay có từ ngày đó.

Trải qua biết bao biến động, thăng trầm, từ thời vua Thái Đèo Văn Long ngự trị, bán mình cho giặc Pháp quay ra gây nợ máu với cách mạng, với đồng bào, trải qua biết bao cơn biến thiên của thời cuộc, nhưng người Thái trắng vẫn cang cường bám theo bìa rừng, theo con suối mà sinh sống, như phong tục tập quán suốt bao đời nay ở vùng cao “người Xá ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước, người Mông ăn theo sương mù”. Sau gần 10 năm làm thủ phủ của Khu tự trị Thái, đến năm 1962 Mường Lay trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lai Châu cũ và đã có một thời đổi tên thành thị xã Lai Châu.

Những năm tháng ấy, ông Chanh bồi hồi, vùng đất ngã ba sông là thủ phủ của người Thái trắng hẵng còn đông đúc lắm. Năm 1967, để phục vụ giao thông từ cửa khẩu Ma Lù Thàng về xuôi, cây cầu Hang Tôm được xây dựng bắc qua đoạn sông Đà để kết nối mạn Phong Thổ, Sìn Hồ của Lai Châu với Mường Lay, Tuần Giáo, Điện Biên bây giờ. Tuyến quốc lộ 12 với sự giúp đỡ của người Trung Quốc cũng được xây dựng để nối khu vực biên giới dọc theo sông Nậm Na đấu vào điểm cuối cùng của quốc lộ 6, khơi thông mạch máu vùng cao và đưa trung tâm tỉnh Lai Châu cũ trở thành một điểm nhộn nhịp giữa ven trời. Dân số Mường Lay đã có lúc lên đến gần chục vạn. Người dân tộc bản địa, người dưới xuôi lên đây lập nghiệp, bà con cùng nhau sinh sống trong các khu dân cư tập trung tại Đồi Cao, Bản Xá, Nậm Cản, thị trấn Mường Lay, chạy theo triền thung lũng giữa hai sườn núi. Tuy nhiên hai trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào các năm 1990 và 1996 đã khiến nhiều bản làng ở Mường Lay lâm cảnh đau thương, mất mát. Ông Chanh kể, đận ấy chết cả trăm người. Sau này thỉnh thoảng dòng Nậm Lay còn tao tác gầm gào, tung bọt trắng xóa, chẳng khác gì một dải tang trắng treo vành ngang thung lũng.

Đến năm 1992, khi tỉnh lỵ tỉnh Lai Châu được chuyển về thị xã Điện Biên Phủ, Mường Lay như thể hóa thành một thiếu phụ xa chồng, một hòn vọng phu buồn tủi. Tất cả các cơ quan hành chính rời đi mang theo đội ngũ cán bộ và số lượng lớn người dân các đồng bào đến trung tâm tỉnh lỵ mới, bỏ lại một Mường Lay cô quạnh giữa rừng. Qua có một đêm mà thị xã như vắng hẳn cả tiếng người. Chỉ còn lại một vài bản làng người Thái trắng, người Kinh, người Hoa, người Hà Nhì và người Dao còn sinh sống rải rác ven bờ Nậm Lay. Bản Đớ của Lù Văn Chanh là một trong số ít cộng đồng người Thái chọn ở lại gắn bó với cái nôi của đồng bào mình, không ngờ rằng quyết định đó cũng chẳng kéo dài được lâu.

Dòng Nậm Lay buồn bã chảy qua thị xã. Ảnh: Tùng Đinh.

Dòng Nậm Lay buồn bã chảy qua thị xã. Ảnh: Tùng Đinh.

Trước những năm 2010, để phục vụ tích nước hồ thủy điện Sơn La, cả Mường Lay tiếp tục bước vào một cuộc thiên di kỳ vỹ khác. Một chương trình di dân lớn nhất trong lịch sử Tây Bắc. Theo quy hoạch lòng hồ thủy điện, gần như toàn bộ dân cư thị xã Mường Lay bao gồm nhiều công trình công cộng sẽ nằm lại dưới lòng hồ. 84% số hộ dân của thị xã nằm dưới vùng ngập nước. Nhà nước gọi mình sẵn sàng lên đường. Người Thái ở bản Đớ cùng với hơn hai vạn hộ khác, xấp xỉ khoảng mươi vạn nhân khẩu thuộc nhiều đồng bào dân tộc các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên sẵn sàng bỏ lại quê hương đã gắn bó tự bao đời, dắt díu nhau lên đường mà lòng không chút gợn.

Theo phương án vạch ra, nhà nước ưu tiên đồng bào di vén từ vùng ngập đến những chỗ ở cao hơn. Nghĩa là nước dâng đến đâu bà con di dời nhà cửa, trâu bò lợn gà lên đến đó. Giữa năm 2010, những hộ dân cuối cùng trong số hơn 4 nghìn hộ dân của thị xã có nhà dưới mức nước 195m phải di dân lên vị trí cao hơn để dẫn dòng, đóng đập tích nước thủy điện Sơn La. Thị xã Mường Lay mới được khai mở bằng cách san gạt những quả đồi nằm dọc hai bờ sông Nậm Lay. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, tách nhập, di dân tái định cư lên, hiện Mường Lay có 2 phường và 1 xã, diện tích tự nhiên hơn 114km2, thống kê dân số mới nhất vào khoảng gần 1,2 vạn người.

Sau cuộc đại di dời lịch sử, toàn bộ thị xã Mường Lay mới được quy hoạch, xây dựng chạy dọc theo hai bờ sông, men theo một thung lũng hẹp và dài, chạy tít ra ngã ba sông, nơi cầu Hang Tôm mới lừng lững bắc qua sông Đà vẫn mang nhiệm vụ phân định ranh giới hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu bây giờ. Vào những hôm trời ít sương mù, đứng trên cầu có thể dễ dàng nhìn thấy dấu tích của cầu Hang Tôm cũ, nơi người Pháp từng bắc chiếc cầu dây văng dài nhất xứ Đông Dương vào thế kỷ trước. Cũng từ đây có thể trông thấy dấu tích dinh thự vua Thái Đèo Văn Long nằm trên đồi Pú Vạp cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Xa xa nữa là đền thờ vua Lê Thái Tổ, di tích Nhà tù Lai Châu…

Thị xã Mường Lay đẹp như một bức tranh. Ảnh: Tùng Đinh.

Thị xã Mường Lay đẹp như một bức tranh. Ảnh: Tùng Đinh.

Những khu dân cư được quy hoạch lề lối, những mái nhà sàn đặc trưng của người Thái xếp hàng đều tăm tắp cạnh bờ sông. Đôi chỗ như phường Sông Đà, như bản Na Nát, bản Đớ, cả một khu dân cư vươn hẳn ra bến sông tạo thành từng bán đảo nhỏ. Màu thời gian trên những nếp nhà sàn lợp bằng mái đá theo kiểu truyền thống của đồng bào Thái điểm xuyết, nhấn nhá giữa màu xanh của núi rừng, màu xanh ngọc bích của nước sông Đà, sông Nậm Lay. Nhìn từ trên cao xuống Mường Lay hôm nay không khác gì bức tranh sơn thủy đẹp tuyệt vời. Mây núi ôm ấp thị xã, dòng sông Đà như dải lụa mềm uốn quanh bán đảo, bảo sao không ít người đã ví thị xã ven trời này là viên ngọc sáng của núi rừng Tây Bắc, một Hạ Long trên rẻo cao.

Đây chắc chắn là thị xã đẹp bậc nhất của đất nước mình. Anh bạn nhiếp ảnh lần đầu đến với Mường Lay đã liên tục thốt lên như vậy. Chỉ có điều, nhiếp ảnh gia lập tức tỏ vẻ bùi ngùi, thị xã mà sao người đi đâu hết. Vắng tiếng xe cộ, tiếng người đã đành, đến mấy cột đèn giao thông ở các ngã tư dường như cũng chẳng buồn xanh đỏ. Dong xe suốt qua cả 3 cây cầu lớn từ Hang Tôm đến cầu Bản Xá, cầu Cơ khí Nậm Cản chẳng cần phải bấm còi. Đi cả vào những bản làng người Thái ở Na Lay, Sông Đà, Lay Nưa cũng toàn là hoang vắng.

Ông lão Lù Văn Chanh lý giải: Dạo tôi còn công tác ở phường, anh em đi thống kê chỉ toàn người đi chứ gần như không có người đến. Như ở phường Sông Đà, diện tích tự nhiên rộng 29,33km2 nhưng dân số năm ngoái chỉ nhỉnh hơn nghìn người một tý, tức mật độ dân số vào khoảng 34 người/km2. Nghe nói, mới vừa rồi HĐND thị xã đã thông qua nghị quyết nhằm đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính, có thể tới đây sẽ chuyển 2 xã của huyện Mường Chà về Mường Lay, qua đó nâng số dân toàn thị xã lên khoảng 20 nghìn người. Nhưng đó vẫn còn là chuyện tương lai.

Hiện tại, nhắc đến Mường Lay mặc nhiên gắn với nhiều tên gọi. Thị xã đẹp nhất nhưng cũng là thị xã ít dân nhất, ít phường xã nhất, hẹp nhất cả nước. Chắc có lẽ cũng là thị xã buồn nhất nước. Giọng ông Chanh đột nhiên chùng xuống.

Thị xã đẹp nhất nhưng cũng là thị xã ít dân nhất, ít phường xã nhất, hẹp nhất cả nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Thị xã đẹp nhất nhưng cũng là thị xã ít dân nhất, ít phường xã nhất, hẹp nhất cả nước. Ảnh: Tùng Đinh.

2.

Có một thứ từ bấy lâu nay được xem là đặc sản du lịch của Mường Lay. Đó là những ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái trắng lợp bằng mái đá. Ông Chanh kể rằng, những nếp nhà sàn mái đá truyền thống ấy có gốc gác từ bên xã Lê Lợi, trước cũng thuộc Mường Lay nhưng nay cắt về huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, nơi dinh thự Đèo Văn Long dựng lên ngày trước.

Theo phong tục của đồng bào, thay vì lợp nhà bằng cỏ gianh người Thái trắng Mường Lay thường sử dụng đá vỉa tự nhiên khai thác dưới lòng sông Đà, mang về chẻ thành từng mảnh mỏng, cắt gọt thành từng viên như người dưới xuôi đúc ngói hình vuông, tạo khớp trên từng đỉnh để khi ghép vào có thể ăn liền lại nhau. Bình quân, để lợp đủ mái cho một ngôi nhà sàn gỗ 5 gian sẽ phải cần đến ít nhất 4.000 viên đá xếp chéo, so le với nhau theo hình vảy cá. Đời này qua đời khác, người Thái trắng Mường Lay quen với phong tục này, dù nhà mái đá thường nóng vào mùa hè, lạnh vào mùa đông. Khi trở thành cư dân thị xã ngày nay, nhiều gia đình mang theo nhà cũ ở các bản làng lên tái định cư, hình thành nên những điểm check in tuyệt đẹp bên sông Đà. Có người gìn giữ vì nét văn hóa đồng bào, nhưng cũng có người vì điều kiện cuộc sống không thể thay thế bằng vật liệu hiện đại.

Như gia đình bà Tòng Thị Quê ở bản Đớ, cạnh nhà ông Chanh. Hai vợ chồng, hai đứa con, từ khi lên tái định cư, trở thành công dân thị xã Mường Lay đành rằng nhà cửa khang trang hơn tuy nhiên cái ăn, cái mặc xem chừng khó khăn hơn nơi ở cũ. Giống như bao gia đình khác, nhà chị sống dựa vào diện tích lúa nước được chia ở vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, mỗi lao động chính được chừng 100m2. Mấy năm trước kia, khoảng từ tháng 3 đến tháng 9, khi Thủy điện Sơn La chưa tích nước, bà con tranh thủ cấy cày, dù chỉ được một vụ nhưng cũng đủ gạo ăn. Năm nay không hiểu sao lòng hồ tích nước sớm hơn, rút cũng muộn hơn nên không ai làm ăn gì được. Bất lực với ruộng, người ở các bản ai có sức kiếm việc làm thuê hoặc lên nương vỡ vạc thêm đất trồng sắn, trồng ngô. Kẻ già yếu chỉ biết ngồi nhà, chán quá bèn ra bờ sông ngồi thẫn thờ như Lò Văn Chanh, ngắm nhìn sông núi cho qua ngày vậy. Đôi tay, đôi chân vốn quen với lao động, bây giờ không biết làm gì, cứ rệu rã hết cả ra.

Nhà sàn mái đá ở Mường Lay. Ảnh: Tùng Đinh. 

Nhà sàn mái đá ở Mường Lay. Ảnh: Tùng Đinh. 

Ông Chanh lộ rõ vẻ chán chường: Thị xã ít người nên muốn làm thuê cũng ít việc mà lên nương lên rẫy hay chăn nuôi thêm con lợn con gà cũng khó khăn. Đất đai mênh mông như thế nhưng nơi đâu cũng là đất rừng nhà nước, không ai được phép đụng vào. Xưa ở bản cũ đất đai thoải mái, nuôi con gì cũng dễ, nhưng lên đây nhà cửa san sát, không nuôi được gì. Cái ăn của bà con thị xã ngày càng vất vả. 84 hộ dân bản Đớ nhà nào cũng ít việc, gần như chẳng thấy ai có công ăn việc làm ổn định. Cứ chiều chiều ra bờ sông thấy bà con ngồi dài ra đấy. Ai cũng thở than. Không khí não nề như muốn bao trùm luôn cả khúc sông chảy ngang thị xã.

Nan giải đấy. Một số lãnh đạo Mường Lay chia sẻ thêm. Để hỗ trợ sinh kế cho người dân, hằng năm Đảng, chính quyền thị xã cũng chỉ đạo mở nhiều lớp dạy nghề, định hướng bà con phát triển thêm các mô hình chăn nuôi, thủy sản nhằm kiếm thêm sinh kế. Chỉ ngặt một điều không có đất, không có nước. Đồi núi mênh mông nhưng từ ngày thực hiện Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, Mường Lay bị thu hồi hơn 600ha đất phục vụ việc xây dựng các khu, điểm tái định cư hoặc bị nhấn chìm xuống lòng hồ, trong số đó có tới 500ha là đất nông nghiệp. Sau khi thị xã mới hình thành, đất đai sản xuất ít đi, dân lại nhiều lên, quỹ đất lại hết, quy hoạch nơi đâu cũng vướng phải rừng nên nhiều bản phải trông cậy vào diện tích đất bán ngập vùng lòng hồ thủy điện. Dù chịu khó làm lụng lắm rồi nhưng canh tác vẫn theo kiểu rất tạm bợ, bởi vì con nước lên xuống như thế nào không biết. Chưa kể diện tích vùng bán ngập đấy lại còn là đất của bên thủy điện quản lý chứ thực ra cũng chẳng phải đất của thị xã bố trí cho bà con.

Có một dạo, thị xã đẩy mạnh xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản nhằm tận dụng lợi thế nguồn nước sông Đà, sông Nậm Na, Nậm Lay và vùng lòng hồ thủy điện. Chỉ được vài ba tháng, đến khoảng tháng 5, tháng 6, mùa nước cạn tôm cá trên sông theo dòng nước đi hết, bỏ lại lòng hồ trơ đáy, kéo dài cả hàng chục cây số. Thiếu đất sản xuất, thiếu mô hình giúp bà con có thêm sinh kế trở thành vấn đề nan giải của thị xã, nghĩ nát óc ra vẫn chưa tìm được hướng đi sáng sủa.

Ông Lò Văn Chiêu. Ảnh: Tùng Đinh. 

Ông Lò Văn Chiêu. Ảnh: Tùng Đinh. 

Một giải pháp sinh kế khác của Mường Lay là du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Ai lên đây ngày đầu tiên cũng bảo, thị xã đẹp thế này, yên bình thế này phải đẩy mạnh phát triển du lịch mới phải. Tuy nhiên ở sang đến ngày thứ hai, thứ ba đã vội vàng thấy chán. Ông Lò Văn Chiêu, một giáo viên người Thái trắng nghỉ hưu, hiện đang làm Câu lạc bộ văn hóa người Thái Mường Lay ngậm ngùi: Mỗi năm được vài ngày lễ hội sông nước, vài đêm Mường Lay lung linh điện đèn huyền ảo, còn lại cơ bản là buồn. Thị xã cách thành phố Điện Biên Phủ 103 cây số, cách Thủ đô Hà Nội 576 cây số, cơ bản vào ra đều đường độc đạo, nên dù đẹp đến mấy cũng khó có thể vui lên được.

Lò Văn Chiêu nghiên cứu: Ngày trước người Thái trắng Mường Lay chủ yếu sống bằng ruộng nương, chăn nuôi và miền sông nước sông Đà. Hình tượng người lái đò trong thiên tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân cũng xuất phát từ Mường Lay, gắn với con thuyền đuôi én, thuyền độc mộc của người Thái. Hằng năm, tỉnh Điện Biên dành ra mấy ngày đầu xuân để tổ chức lễ hội đua thuyền đuôi én nhằm thu hút hoạt động du lịch, cầu cho mưa thuận gió hòa. Đó là những ngày cộng đồng người Thái trắng ở Mường Lay vui nhất. Được vài hôm xong xuôi lại quay về với nỗi buồn khắc khoải. Càng vật vã lo lắng mưu sinh lại càng thấy nhớ những năm tháng ở quê cũ. Nhưng bản làng hiện đang nằm đâu đó dưới lòng hồ thủy điện rồi còn đâu.

Ông Lò Văn Chiêu khoe bản sưu tầm '12 truyện làm người' của người Thái trắng.

Ông Lò Văn Chiêu khoe bản sưu tầm "12 truyện làm người" của người Thái trắng.

Có người ví Mường Lay hôm nay giống như một thiếu nữ Thái trắng đẹp nhưng buồn cũng là vì thế. Theo báo cáo của UBND thị xã Mường Lay, đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn thị xã đạt 56,93 triệu đồng/năm (gấp 3,3 lần so với năm 2012); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hiện chỉ còn 8,09%, giảm 9,97% so với năm 2021. Thời điểm này Mường Lay cũng đang trình hồ sơ để công nhận thị xã đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đằng sau những con số đó, nỗi khắc khoải thiếu đất sản xuất, sinh kế của bà con không biết bao giờ mới nguôi ngoai.

Trước lúc rời Mường Lay, chúng tôi ghé quán cơm của một người dưới Thái Bình lên Mường Lay lập nghiệp. Ông chủ quán bảo: Tiếng là công dân thị xã nhưng nhiều người muốn chuyển xuống huyện, xuống xã có khi còn khá hơn. Nếu không có gì đột phá e rằng Mường Lay mãi chỉ là thị xã buồn.  

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội

Tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cuốn pháo tự chế gây nổ lớn ở Bắc Giang

Cuốn pháo tự chế, một người đàn ông ở huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) đã thiệt mạng trong vụ nổ lớn xảy ra tối 2/12. Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra.