| Hotline: 0983.970.780

Nghĩ về luồng gió mới nơi cực Tây Tổ quốc

Thứ Ba 03/12/2024 , 10:29 (GMT+7)

Ánh chiều từ phía Tây hắt bóng Cột mốc số 0 về phía Việt Nam, quang cảnh cô tịch mà thiêng liêng, im lặng đến không ai nỡ cất tiếng.

Cột mốc số 0 chúng tôi đang có mặt nằm trên đỉnh núi Khoan La San có độ cao 1.866m, thuộc bản Tá Miếu, bản này được tách ra từ bản A Pa Chải, cả hai bản đều thuộc xã Sín Thầu, xã cực Tây của Việt Nam. Chiều xuống. Chúng tôi đứng bên Cột mốc số 0 nhìn về ba hướng. Cả vùng biên giới mênh mông trong hoàng hôn. Ánh chiều từ phía Tây hắt bóng Cột mốc số 0 về phía Việt Nam, quang cảnh cô tịch mà thiêng liêng, im lặng đến không ai nỡ cất tiếng. Chúng tôi đứng lặng giữa tiếng gió thì thào những âm điệu biên cương…

Mặt trời từ phía Tây rọi xuống Cột mốc số 0. Ảnh: Thành Duy.

Mặt trời từ phía Tây rọi xuống Cột mốc số 0. Ảnh: Thành Duy.

Để đến được nơi này, từ thành phố Điện Biên Phủ, thủ phủ của tỉnh Điện Biên chúng tôi phải vượt qua quãng đường 267km. Mường Nhé giờ đã khác so với mươi, mười lăm năm trước. Đường giao thông thuận tiện hơn, quốc lộ 12, quốc lộ 4.H được mở rộng, nâng cấp nên việc di chuyển từ tỉnh lỵ vào đã thuận lợi hơn nhiều, đường xuống các xã, các bản cũng đã được trải bê tông, bà con đi lại dễ dàng. Bởi thế, việc di chuyển của chúng tôi về vùng đất cực Tây Tổ quốc cũng nhanh hơn so với dự tính.

Sau khi làm việc tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Nhé, Thiếu tá Tô Quang Trưởng, Trợ lí chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Nhé dẫn chúng tôi ngược lên Sín Thầu làm việc với Đồn Biên phòng A Pa Chải, rồi từ Đồn Biên phòng A Pa Chải chúng tôi tiếp tục tăng bo bằng xe máy để lên Cột mốc số 0. Thượng úy Lục Vĩnh Lương, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng A Pa Chải dẫn đầu thê đội ba xe máy vượt qua những chặng đường đất quanh co.

Đi hết đường đất và những đoạn cua ngược dốc, đến vị trí cột cờ có tấm bia “A Pa Chải - Cực Tây của Tổ quốc”, Lương cho biết còn 5,6 cây nữa mới lên đến Cột mốc số 0 nhưng bắt đầu từ đây là đường khó đi, tuy có trải xi măng và xe máy chạy được chứ không đến nỗi phải đi bộ. Đi được chừng non nửa đường Lương dừng lại ngoái đầu dặn: “Đoạn tới đây, khi nào thấy em bấm một hồi còi dài thì các anh về số 1 và ga hết cỡ mới vượt dốc được nhé”. Đúng là chỉ những người lính biên phòng mới hiểu hết thung thổ đất đai nước mình, mới hiểu hết cái quanh co của những cung đường biên giới.

Đồn A Pa Chải trấn giữ mảnh đất cực Tây Tổ quốc. Đây cũng là đồn biên phòng duy nhất quản lí đồng thời hai đoạn biên giới tiếp giáp với hai nước là Lào và Trung Quốc. Chính trị viên Đồn, Trung tá Đoàn Thanh Tuấn cho biết, Sín Thầu là xã nông thôn mới, nhưng 19 chỉ tiêu mới đạt 17, còn hai tiêu chí đang được trên “cho nợ”, trong đó có tiêu chí về hộ nghèo. Bộ đội biên phòng vẫn đang tích cực cùng nhân dân trả nợ nốt hai tiêu chí còn thiếu.

Ngoài 22 mô hình, chương trình của Bộ đội biên phòng áp dụng cho toàn lực lượng đã được triển khai, cùng với đó, Đồn A Pa Chải còn những sáng kiến riêng như mô hình “Vườn cây biên phòng” giúp dân trồng cây ăn quả, từ mô hình này 31 hộ dân đã được cung cấp giống, hướng dẫn trồng 1.300 cây ăn quả; hay như mô hình “Ánh sáng đường biên” thắp sáng các bản làng bằng đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời. 25 đảng viên của Đồn đã tham gia phụ trách 113 hộ, mỗi đồng chí chỉ huy cũng phụ trách 2 hộ. Sín Thầu là xã duy nhất của Mường Nhé đạt 4 không: Không phá rừng, không di cư tự do, không có người nghiện ma túy và không có truyền đạo trái phép.

Thượng úy Lục Vĩnh Lương, Đồn Biên phòng A Pa Chải bên Cột mốc. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Thượng úy Lục Vĩnh Lương, Đồn Biên phòng A Pa Chải bên Cột mốc. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Từ Cột mốc số 0 trở về Sín Thầu, Thiếu tá Tô Quang Trưởng chở tôi đến thăm ông Pờ Dần Xinh ở bản Tả Kố Khử. Ông Xinh là nhân vật được coi như linh hồn của vùng ngã ba biên giới. Ông và dòng họ Pờ của ông là thủ lĩnh nhiều đời của đồng bào Hà Nhì nơi đây, dòng họ đã đồng hành cùng cách mạng thuở đánh đuổi giặc Pháp, giải phóng quê hương, đấu tranh với những âm mưu chia cắt, tạo phản, nạn phỉ quấy phá suốt một thời gian dài từ những năm năm mươi của thế kỉ trước. Nhà ông Xinh nằm ngay ven đường, đó là khoảng đất rộng lớn với nhiều khu nhà, vừa là nhà ở, vừa kinh doanh dịch vụ lưu trú. Giải thích về tên bản mình, ông Pờ Dần Xinh nói rằng, Tả Kố Khử nghĩa là “đường đi tắt lớn”.

Thuở xưa nơi đây có tuyến đường lên A Pa Chải, qua đoạn này có một triền đất thấp, nơi hợp lưu của ba con suối Mo Phí, Chang Xín Chái và Y Ma Hù tạo thành một thung lũng bằng phẳng rộng rãi, bao quanh là rừng nguyên sinh, có rất nhiều cây chò chỉ. Đi đến đây mọi người thường nghỉ chân và nói rằng “đường rừng đi tắt mà rộng lớn quá”. Gọi nhiều mà thành tên. Cái tên Tả Kố Khử không biết chính xác có từ bao giờ nhưng theo ông Pờ Dần Xinh phải từ trước đánh Pháp, bởi khi bộ đội, dân công đi kháng chiến, tiễu phỉ đã thấy nhắc đến cái tên này.

Những năm kháng chiến chống Pháp, Tả Kố Khử được sử dụng như một binh trạm, nhiều người già ở đây vẫn còn nhớ ngày bộ đội về dựng kho, dựng lán trại, đưa vào cất giữ những quả đạn màu vàng bóng loáng. Trước đó, phỉ vùng biên luôn quấy nhiễu cuộc sống của người dân, đến khi ta giải phóng Tây Bắc, bộ đội về chúng mới dạt qua biên giới. Sau đó, các hoạt động vũ trang tuyên truyền, củng cố tư tưởng cho bà con các dân tộc khắp các vùng Hồng Phú, Mường Hát Hinh, Mường La, Mường Ly Tao, A Pa Chải, Leng Su Sìn… đã được lực lượng công an vũ trang ngày đó mà sau này là bộ đội biên phòng tiến hành. Khi đi vận động, các chiến sĩ Tiểu đoàn 999 đã phát hiện đồng bào Cò Sung vì sợ giặc, sợ phỉ đã trốn trong rừng sâu, dùng vỏ cây che thân, đào củ rừng ăn lay lắt qua ngày. Bộ đội đã tiếp cận, giúp đỡ, vận động đồng bào trở về bản, tổ chức lao động sản xuất, ổn định đời sống.

Nhưng vùng biên ấy yên ổn không được lâu. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị bộ đội rút về xuôi đi làm nhiệm vụ khác, phỉ lại về lộng hành. Bấy giờ ta mới có chủ trương lập xã để thành lập các phân đội dân quân du kích đối phó với nạn phỉ, xã Sín Thầu đã ra đời như thế. Một trong những vị chủ tịch xã đầu tiên của xã Sín Thầu chính là cụ Pờ Pố Chứ, thân sinh của ông Pờ Dần Xinh. Từ đó, bộ đội và nhân dân đã cùng chung tay bảo vệ vùng biên này. Việc tiếp tục tham gia công tác xã của ông Xinh như một sự nối dài truyền thống gia đình, đóng góp cho bình yên của mảnh đất giáp hai vùng biên giới địa đầu Mường Nhé.

Cờ Tổ quốc giữa ngã 3 biên giới. Ảnh: Thành Duy.

Cờ Tổ quốc giữa ngã 3 biên giới. Ảnh: Thành Duy.

Hôm nay, A Pa Chải - Mường Nhé đang cụ cựa cho một sự chuyển mình. Lối mở A Pa Chải cũng chuẩn bị được nâng cấp lên cửa khẩu, công trình cột cờ cực Tây đã xây dựng xong, và đường lên Cột mốc số 0 được mở rộng nữa... Rồi mọi thứ sẽ khác!

Để đón đầu luồng gió mới đó, khu homestay nhà ông Pờ Dần Xinh đã xây dựng và đi vào vận hành. Nhằm tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế, Đề án Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được huyện xây dựng và thông qua. Từ đó, Dự án Phát triển du lịch cộng đồng bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu đã được triển khai; các địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch; các di tích lịch sử, các di sản văn hóa phi vật thể của huyện Mường Nhé đã được khảo sát, phục dựng, khai thác cùng với việc phát triển các dịch vụ du lịch đã từng bước thu hút du khách. Nhiều tour du lịch gắn với điểm Mường Nhé đã hình thành tạo nên chuỗi hành trình du lịch Điện Biên - Mường Nhé.

Du khách đến nơi đây sẽ được trải nghiệm và tham quan bản sắc văn hóa, tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán, thưởng thức những món ăn độc, lạ của người dân được chế biến từ những sản phẩm quen thuộc, sẵn có của thiên nhiên ban tặng và được làm ra bởi bàn tay cần cù lao động của người dân địa phương, từ cơm gạo đỏ được nấu theo kiểu truyền thống của đồng bào, xôi nếp nương, cá suối nướng, rêu đá..., để cảm nhận những nét văn hóa vô cùng độc đáo nơi ngã ba biên giới.

Chợ phiên Nậm Pố tại bản Nậm Pố 2, xã Mường Nhé là phiên chợ nổi tiếng đối với không chỉ người dân địa phương mà cả với khách du lịch trong và ngoài huyện. Di tích lịch sử đồn Pháp xã Mường Nhé, cách trung tâm huyện lị khoảng 1,5km, tọa lạc trên quả đồi thuộc địa bàn bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé, năm 2022 đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đồn Pháp hiện nay không còn nguyên vẹn nhưng vẫn còn đó những dấu tích và một số công trình. Đồn được xây dựng trên một ngọn đồi, từ đây có thể quan sát toàn cảnh vùng lòng chảo Mường Nhé.

Cờ Tổ quốc nơi Cột mốc số 0. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Cờ Tổ quốc nơi Cột mốc số 0. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Ngày trước là đánh đuổi quân xâm lược, ngày sau, những thế hệ người dân và lực lượng vũ trang Mường Nhé đã cùng chung tay đánh đuổi giặc đói, giặc dốt. Hơn 20 năm làm Chủ tịch UBND rồi làm Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu ông Pờ Dần Xinh đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, xóa bỏ tệ nạn ma túy, xóa bản trắng đảng viên. Đồng cam cộng khổ với dân bản từ cái ngày bản Tả Kố Khử còn chưa có lối vào, từ Mường Nhé chỉ đi xe máy được lên đến  Chung Chải là hết đường, muốn lên Sín Thầu chỉ có một cách là đi bộ nốt 35km còn lại, đi từ sáng đến chiều. Còn từ hướng Lai Châu sang thì phải cuốc bộ cả… 150km từ Mường Tè mới tới.

Ông Xinh luôn đi đầu tiên phong trong xóa đói giảm nghèo và cả trong làm giàu. Ông bảo suốt mấy chục năm, đồng bào nơi đây từ chỗ ăn đói mặc rét phấn đấu để ăn no mặc ấm, và bây giờ là ăn ngon mặc đẹp. Chiếc máy xay xát gạo đầu tiên ở Sín Thầu là do ông mua về, chiếc xe máy đầu tiên của người dân Sín Thầu cũng là từ ông. Mô hình VAC đầu tiên cũng do ông triển khai. Đàn bò mấy chục con trong mô hình chăn nuôi nhà ông đã trở thành mô hình điểm để bà con noi theo.

Sau này, vạt rừng mắc ca đầu tiên ở Sín Thầu cũng là do ông trồng để xuất sang bên kia biên giới. Khi cuộc sống khấm khá hơn, ông Sinh lại nghĩ đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc, ông sưu tầm những câu chuyện truyền miệng của người Hà Nhì, những điệu hát cổ, điệu múa xòe, những phong tục tập quán đang dần thất truyền để lưu giữ cho các thế hệ con cháu Hà Nhì mai sau. Ông cũng là nghệ nhân dân gian được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú.

Sín Thầu theo tiếng Hà Nhì có thể hiểu là “đất mới” hoặc “cái đầu mới”. Đất mới thì đúng rồi, vì các khu dân cư ở Sín Thầu cũng mới lập được vài chục năm nay. Còn “cái đầu mới” thì nghe chuyện già làng Pờ Dần Xinh tôi có liên tưởng cách giải nghĩa này là dành cho ông, với những cái đi đầu, tiên phong để đưa người Hà Nhì và mảnh đất vùng biên đặc biệt qua những chặng phát triển ấn tượng vượt bậc.

Câu chuyện với ông Pờ Dần Xinh kéo dài mãi tới khuya, ông vui vẻ mời chúng tôi nghỉ lại homestay của gia đình để cảm nhận không khí đặc biệt vùng ngã ba biên giới.

Tác giả và đoàn công tác bên Cột mốc số 0. Ảnh: Hải Hưng.

Tác giả và đoàn công tác bên Cột mốc số 0. Ảnh: Hải Hưng.

Chúng tôi ghé Huyện uỷ - UBND huyện Mường Nhé trong lúc Bí thư Huyện ủy Bùi Minh Hải đang bận rộn. Không biết có phải từng gắn bó với ngành NN-PTNT của Điện Biên ở cương vị cao nhất hay không mà anh Bùi Minh Hải thuộc đến từng nhân vật, bối cảnh trong “Mùa lạc” của nhà văn Nguyễn Khải gắn với mảnh đất Điện Biên.

Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Bùi Minh Hải cho biết, huyện Mường Nhé được thành lập năm 2002 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ hai huyện Mường Tè của Lai Châu và Mường Lay của Điện Biên. Khi mới thành lập, Mường Nhé là huyện vùng cao biên giới xuất phát điểm rất thấp, từ 6 xã nghèo ở một tỉnh miền núi, giao thông đi lại bất tiện, hạ tầng kĩ thuật - xã hội còn lạc hậu; là địa bàn phức tạp về tình hình an ninh trật tự, tình trạng phá rừng, di cư tự do khó kiểm soát, tỉ lệ hộ nghèo cao, chiếm trên 80%, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn; nhưng bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường Nhé đã luôn đoàn kết khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên.

Đến nay, huyện đã đạt được một số kết quả nổi bật: Kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư. Hiện huyện có 11 đơn vị hành chính cấp xã với 115 bản, tổ dân cư; dân số toàn huyện là 50.063 người với 10 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó Sín Thầu luôn có một ý nghĩa đặc biệt về mọi mặt đối với huyện Mường Nhé, với tỉnh Điện Biên và cả nước.

Anh Hải chia sẻ rằng, thiên nhiên đã ban tặng cho Mường Nhé một vẻ đẹp hoang sơ nhưng cũng không kém phần thơ mộng. Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé được đánh giá là một trong những khu dự trữ, bảo tồn lớn nhất tại Việt Nam có tính đa dạng về mặt sinh học và hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú. Với diện tích khoảng 45,5 nghìn ha, trải dài qua 5 xã Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè, Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé có rất nhiều rừng nguyên sinh đang được bảo tồn nguyên vẹn với hệ sinh thái phong phú, có tính đa dạng sinh học cao và là nơi lưu giữ nguồn gen của nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Bí thư Huyện ủy cũng rất quan tâm đến việc phát triển du lịch từ tiềm năng, lợi thế của địa phương. Những năm qua, công tác quản lí nhà nước về văn hóa, du lịch được tăng cường, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, hộ kinh doanh du lịch và nhân dân có chuyển biến tích cực, không gian phát triển du lịch được mở rộng, nhiều sản phẩm du lịch mới đã được đưa vào khai thác, thu hút khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch cũng đã được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả hơn, góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến huyện Mường Nhé.

Theo đó, tổng lượt khách du lịch đến với Mường Nhé đã tăng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022 huyện đã đón 4.000 lượt khách, năm 2023, khi tình hình dịch bệnh đã chấm dứt, số du khách đến Mường Nhé tăng lên gấp ba lần với 12.000 lượt khách, năm 2024 là năm cả nước kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nên lượng khách đến với Điện Biên, đến với Mường Nhé rất đông. Việc khai thác lợi thế cảnh quan và sự đa dạng về văn hóa bản địa để phát triển du lịch huyện Mường Nhé theo Bí thư Hải thực sự sẽ là lĩnh vực có lợi thế trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Mường Nhé, nơi có mốc giao điểm biên giới giữa ba nước Việt - Lào - Trung Quốc nằm tại xã Sín Thầu là nét độc đáo riêng có. Chúng tôi đã chạm vào cực Tây như thế trong những câu chuyện lịch sử và hiện tại, những gì của hôm qua và hôm nay. Cảm thức về đất nước chẳng ở đâu rõ hơn vùng biên giới. Trước khi chia tay, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé đọc tặng chúng tôi mấy câu thơ về vùng đất mà anh đang gắn bó: “Mời các bạn về cực Tây Tổ quốc/ Nghe tim mình thao thức gọi Việt Nam/ Từng tấc đất mang hồn thiêng sông núi/ Từ ngàn xưa cha ông đã giữ gìn”. Ở nơi đây tự bao giờ gió Lào vẫn ràn rạt thổi, cỏ cây vạn vật đã quá quen với thứ gió này, bởi thế, đất và người vùng ngã ba biên giới vẫn bình thản đón nhận. Có lẽ sẽ còn nhiều điều để nói về đất và người Mường Nhé, nhưng tôi cảm nhận rõ, cùng với gió Lào khát cháy Mường Nhé đang có những luồng gió mới đánh thức vùng đất cực Tây này.

Xem thêm
VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cuốn pháo tự chế gây nổ lớn ở Bắc Giang

Cuốn pháo tự chế, một người đàn ông ở huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) đã thiệt mạng trong vụ nổ lớn xảy ra tối 2/12. Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra.