| Hotline: 0983.970.780

Mứt tết 'ba không' tràn ra thị trường

Thứ Năm 28/01/2016 , 13:35 (GMT+7)

Chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, đây cũng là thời điểm “mứt chợ” ba không (không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng) hoạt động mạnh, lượng hàng bán ra nhiều hơn và sức mua lớn hơn.

Đủ loại giá

Tại khu vực chợ An Đông, quận 5, TP.HCM, theo quan sát của PV, các loại hàng mứt tết bắt đầu tràn ngập thị trường với đủ loại như mứt gừng quế, gừng dẻo, me cay, me ngọt, mãng cầu, bí, khoai lang, dừa, bí đao, chuối..., nhiều màu sắc đặc trưng như đen, trắng, vàng, xanh, tím. Mức giá thấp nhất 60 - 70 ngàn đồng/kg là mứt bí, mứt khoai lang; cao hơn nữa có mứt gừng quế 120 ngàn đồng/kg, mãng cầu 110 ngàn, mứt dừa 120 ngàn; mứt mãng cầu, mứt me cũng có nhiều giá khác nhau.

Điều đáng nói tất cả các loại mứt nói trên hoàn toàn "ba không" (không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng) đựng trong các túi giấy lớn ngăn từng ô riêng, ghi tên từng loại sản phẩm.

Chị Tuệ (BQL chợ An Đông), thừa nhận, đa số các loại mứt Tết đều là hàng xá, không rõ nguồn gốc nên có trường hợp cùng một loại như mứt dừa, nhưng có sạp bán 120 ngàn đồng/kg mà cũng có sạp bán chỉ có 80 ngàn đồng/kg, chênh lệch đến 40 ngàn/kg; mứt gừng cũng vậy, có sạp bán 75 ngàn đồng/kg nhưng có sạp bán giá đến 105 ngàn đồng/kg.

“Tôi không rõ vì sao lại có sự chênh lệch giá trong cùng một loại mứt Tết, nhưng theo phản ảnh của các tiểu thương thì mứt có giá thấp thường đi đôi với nguyên liệu không đảm bảo và có trộn với hóa chất”, chị Tuệ nói.

14-50-51_h3
Mứt bí đao sau khi “ngậm” hóa chất

Theo tiểu thương cung cấp, chúng tôi tìm đến lò mứt ở khu vực Cư xá Đường Sắt nằm ở góc đường Lý Thái Tổ và Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM, là nơi cho ra lò nhiều loại mứt me ngọt, mứt mãng cầu có màu trắng hiện đang bán khá nhiều ở một số chợ.

Đến nơi mới thấy việc tiếp cận các cơ sở sản xuất làm mứt (thực chất là hộ dân) tại đây rất khó khăn bởi họ thường đóng cửa, chỉ cho người quen biết vào mua hàng.

Ông Nguyễn Văn Chữ, tổ trưởng khu phố, cho biết, ngoài 2 cơ sở làm mứt thì trước đây có khoảng 20 hộ dân chuyên SX mứt vào thời điểm gần Tết, nhưng nay gom lại khoảng 10 hộ do không cạnh tranh nổi với các cơ sở làm mứt ở các huyện ngoại thành.

Theo giới thiệu của ông Chữ, chúng tôi tìm gặp bà Bé, một hộ dân chuyên SX mứt me, mứt mãng cầu cách đây cả chục năm. Bà Bé cho hay, nguyên liệu (trái mãng cầu, me ngọt Thái Lan) thu mua chủ yếu từ các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước.

“Mứt me chua đã đành, nhưng vì sao lại có “me cay” mà trên thị trường bán giá đến 140 ngàn đồng/kg. Vậy me cay có trộn chất gì không?" - tôi hỏi.

“Me cay có pha thêm ớt tự nhiên và ít hương liệu (!?). Tuy nhiên tụi này giao sỉ giá chỉ có 120 ngàn đồng/kg mà thôi!” - bà Bé giải thích.

14-50-51_h4
Hóa chất dùng để tẩm màu mứt

Khi chúng tôi mong muốn được vào lò mứt xem hàng thế nào để mua với số lượng lớn, bà Bé từ chối khéo: “Tụi chị làm chỗ khác, còn tại đây chỉ là nơi chứa hàng và giao hàng. Người lạ như em muốn mua loại nào thì chị mang hàng ra cho, không vào được đâu".

Chúng tôi quyết định mua 2kg mứt me và mãng cầu để mong có thêm thông tin. Bà Bé bảo đứng chờ, bà đi sâu trong hẻm khoảng 50m rồi mất hút. Lát sau bà mang ra cho chúng tôi hai bịch mứt mãng cầu và mứt me với giá 120 ngàn đồng/kg.

“Lần sau em mua nhớ để ý, nếu mứt màu sấy thì chất lượng ngon, mặc dù nhìn bên ngoài mứt có vẻ hơi đen, không đẹp lắm. Trái lại, loại mứt có màu trắng trong là có sử dụng hóa chất tẩy trắng, có giá rẻ hơn mứt màu đen từ 30 - 40 ngàn đồng/kg, thậm chí phân nửa đấy!” - bà Bé tiết lộ.

Ôi thối, hóa chất!

Theo tìm hiểu chúng tôi, hầu như các sản phẩm mứt chợ, mứt “ba không” đều có sử dụng hóa chất bảo quản nhằm làm cho mứt để lâu mà không bị hư, thối. Ngoài ra, mứt được “ngậm” các loại hóa chất khác khiến cho người tiêu dùng khi ăn vào có cảm giác như “thơm, ngon” hơn.

Trong trường hợp mứt mãng cầu, theo tiết lộ của nhiều người trong cuộc, sau khi được xử lý bằng các loại hóa chất thì nguyên liệu mãng cầu sẽ được trộn với đường hóa học, bột nổi (để gia tăng trọng lượng), chất làm chua và hương liệu tạo mùi thơm. Sau đó sẽ được “sên” trên bếp than để cho ra thành phẩm.

Từng miếng mứt mãng cầu được gói trong các bịch ni lông nhỏ, rồi đóng thành gói lớn. Cuối cùng, các cơ sở làm mứt không quên nhét vào gói mứt vài hột mãng cầu để minh chứng cho món mứt mãng cầu truyền thống.

Mứt me cũng vậy. Những trái me sau khi lột vỏ cũng được ướp hàn the để tạo độ dai, giòn. Để mứt me trong, thẳng và nhìn không thấy xơ, người ta nhúng qua bột và chất tạo màu vàng sáng, chất làm trong, chất bảo quản được mua ở chợ Kim Biên (quận 5) với giá rất rẻ, chỉ vào khoảng 30 - 50 ngàn đồng/kg.

Thế nên, không ngạc nhiên khi trước đó vào những ngày đầu tháng 1/2016, các cơ quan chức năng của TP.HCM tiến hành kiểm tra 3 cơ sở SX mứt Tết tại hai phường Bình Trị Đông và An Lạc thuộc quận Bình Tân, đã phát hiện tại đây hầu hết đều có sử dụng hóa chất tẩy trắng, vôi công nghiệp, phẩm màu không rõ nguồn gốc để tẩy trắng và làm mứt Tết. 

Đáng chú ý là tại cơ sở sản xuất bánh mứt Kim Hoa (hẻm 207, đường Hồ Học Lãm, P.An Lạc) cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm thùng phuy đang ngâm tẩm các loại nguyên liệu làm mứt như khoai lang, gừng, bí cùng các loại hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp có tên Sodium Hydrosulfite và nhiều bao vôi công nghiệp. 

14-50-51_h2
Một cơ sở làm mứt “ngậm” hóa chất vừa bị cơ quan chức năng phát hiện

Bà Nguyễn Trang Thùy (34 tuổi, chủ cơ sở Kim Hoa) thừa nhận mua sodium hydrosulfite để tẩy rửa khoai, bí, gừng cho trắng, đẹp trước khi chế biến thành mứt. Ngoài ra, bà Thùy cũng dùng vôi công nghiệp để ngâm khoai, gừng, bí cho sản phẩm “săn chắc”.

Tương tự, tại cơ sở sản xuất mứt Trường Thọ (hẻm 48 đường Trương Quốc Phan, P.Bình Trị Đông) cơ quan chức năng còn phát hiện một bịch hóa chất và các phẩm màu không rõ nguồn gốc. Theo chủ cơ sở, các loại hóa chất nhằm tẩy trắng và tạo màu cho mứt. 

Riêng tại cơ sở sản xuất mứt (không đăng ký tên cơ sở) đặt tại nhà số 43/9 đường Trương Quốc Phan (KP.18, P.Bình Trị Đông) thì phát hiện cơ sở dùng vôi công nghiệp để tẩy trắng nguyên liệu làm mứt. Điều đáng nói là, theo khai nhận của các cơ sở, các loại mứt được sản xuất ra đều bán theo dạng đóng bao hàng xá, không dán nhãn mác, ghi địa chỉ của cơ sở và hạn sử dụng của sản phẩm mứt Tết.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất