| Hotline: 0983.970.780

Mỹ lo Taliban chiếm Afghanistan trong 6 tháng

Thứ Hai 26/07/2021 , 15:58 (GMT+7)

Trận chiến giữa Taliban với quân đội chính phủ Afghanistan được đẩy mạnh trong vòng 2 tháng gần đây đã để lại hệ quả là một nửa lãnh thổ rơi vào tay quân Taliban.

Chính phủ Afghanistan ban hành lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ đêm thứ Bảy tuần trước và kéo dài trong 1 tháng, từ 22h đến 4h sáng hàng ngày, trong một nỗ lực nhằm kiểm soát được sự di chuyển quân và lối đánh du kích của Taliban nhằm vào các thành phố.

Gần như cứ nơi nào lính Mỹ hoàn tất rút quân là xảy ra giao tranh và Taliban chiếm thế thượng phong, đến mức mà nhiều vùng biên giới và nông thôn miền núi giờ chính phủ không còn kiểm soát được.

Quân đội Afghanistan đang nỗ lực tái chiếm các quận huyện từ lực lượng Taliban. Ảnh: Getty Images.

Quân đội Afghanistan đang nỗ lực tái chiếm các quận huyện từ lực lượng Taliban. Ảnh: Getty Images.

Trong bối cảnh đàm phán hòa bình đi ngang chậm chạp từng ngày, Taliban đã kịp mở chiến tuyến nhằm vào các khu đô thị đông đúc. Mỹ vừa rút quân vừa tắc bụp sử dụng uy lực không quân để ngáng đường tiến của Taliban ngõ hầu giúp quân đội Afghanistan đủ thời gian để thiết lập phòng tuyến, nhưng như thừa nhận của tướng Mỹ Kenneth MacKenzie từ chiến trường, thắng lợi của Taliban là không thể tránh khỏi. Mỹ bị ràng buộc bởi cam kết với Taliban sẽ không can dự vào thực địa chiến trường sau ngày 31/8, nhưng quãng thời gian hơn 1 tháng nữa không đảm bảo được các phòng tuyến của quân đội chính phủ Afghanistan trụ vững.

Nhìn từ tình hình thực tế, nhiều nhà phân tích quân sự Mỹ lo ngại lực lượng Taliban sẽ giành quyền kiểm soát toàn bộ Afghanistan chỉ trong vòng 6 tháng sau khi Mỹ rút toàn bộ quân đội vào ngày 11/9 tới đây. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vẫn tin là quân đội chính phủ Afghanistan sẽ đảo ngược được tình hình và chiếm lại những vùng lãnh đổ đã rơi vào tay Taliban.

Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết, lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn bạo lực, hạn chế quân Taliban di chuyển và chính phủ nước này chỉ tự tin loại trừ 3 đô thị lớn gồm thủ đô Kabul và 2 tỉnh Panjshir, Nangarhar. Kandahar, một thành phố chiến lược và có thể làm đối trọng với Kabul đang chịu vòng vây ngày một siết chặt của Taliban. Các tuyến đường huyết mạch duy trì sự tồn tại cho thành phố này đã bị Taliban kiểm soát.

Chiến phí 1.000 tỷ USD

Tổng thống Joe Biden đặt hạn chót là ngày 11/9 để rút toàn bộ 3.500 binh sĩ còn lại khỏi Afghanistan. Anh cũng quyết định tương tự với 750 binh sĩ của họ.

Sau 20 năm can dự để tiễu trừ tổ chức khủng bố Al Qaeda khỏi chỗ trú chân là Afghanistan, tổn thất với các bên là khủng khiếp. Khoảng 2.300 binh sĩ Mỹ thiệt mạng cùng với hơn 20.000 người khác chịu thương tật cùng với Anh là hơn 450 binh sĩ tử trận, chưa tính các nước khác tham gia cùng liên quân do Mỹ dẫn đầu. Chiến phí các loại đã tiêu tốn của người đóng thuế Mỹ vào khoảng 1.000 tỷ USD. Phía Afghanistan thì hơn 60.000 thành viên lực lượng an ninh thiệt mạng cùng với gần gấp đôi con số đó là dân thường.

Cuộc tấn công ồ ạt của Mỹ và đồng minh đã quét sạch Al Qaeda và “chủ nhà” Taliban ở Afghanistan được xem như thắng lợi, phương Tây tự tin đã an toàn hơn trước mối lo khủng bố, nhưng an ninh cho Afghanistan thì chưa một ngày trọn vẹn.

Theo tổ chức Hành động ngăn chặn bạo lực vũ trang, trong năm 2020 Afghanistan hứng chịu nhiều vụ nổ bom tự chế nhất thế giới. Al Qaeda tan rã nhưng “hậu duệ” là IS thì vẫn thoắt ẩn thoắt hiện.

Taliban cam kết để Mỹ rút quân và đổi lại họ sẽ không cung cấp chỗ trú ẩn cho bất kỳ tổ chức khủng bố nào nữa. Taliban cũng hứa sẽ cởi mở hơn khi tham gia vào tiến trình xây dựng hòa bình và ổn định Afghanistan. Nhưng bên ngoài bàn đàm phán, họ vẫn tiến chiếm các vùng lãnh thổ từ tay quân đội chính phủ bằng vũ khí, và ở những nơi chiếm đóng được thì luật Sharia hà khắc ngay lập tức được áp dụng.

Trên bản đồ, các khu vực màu đỏ đang do Taliban kiểm soát, màu xanh là của chính phủ Afghanistan và màu vàng là vùng đang tranh chấp. Ảnh: BBC.

Trên bản đồ, các khu vực màu đỏ đang do Taliban kiểm soát, màu xanh là của chính phủ Afghanistan và màu vàng là vùng đang tranh chấp. Ảnh: BBC.

Bức tranh hỗn độn

Kể từ năm 2012 đến nay, khoảng 5 triệu người Afghanistan không còn nhà cửa và đang lánh nạn ở đâu đó cả trong và ngoài nước, riêng năm 2020 con số này được bổ sung là 400.000 người, chưa tính số lượng bị tác động bởi dịch Covid-19. Tổ chức Nhân quyền Liên hợp quốc đánh giá, Afghanistan hiện là quốc gia hiện có số người tỵ nạn lớn thứ 3 thế giới, còn ở trong nước thì hơn 30% đối mặt khủng hoảng lương thực trầm trọng.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, hết năm 2020, khoảng 3,5 triệu bé gái Afghanistan đã được đến trường phổ thông và 1/3 số sinh viên đại học là nữ. Tuy vậy, vẫn còn khoảng 3,7 triệu học sinh chưa được đến trường và 60% số đó là nữ.

Những tín hiệu khác đáng mừng là phụ nữ đã tham gia ngày càng nhiều vào lĩnh vực kinh tế và chính trị, khác hẳn thời chính quyền Taliban. Năm 2019, số doanh nhân nữ khởi nghiệp vượt 1.000 người và hiện có 69 trong tổng số 249 hạ nghị sĩ là nữ. 22% dân số (khoảng 8,6 triệu người) cũng đã tiếp cận với Internet, hơn 1 triệu người có tài khoản mạng xã hội và khoảng 68% dân số sở hữu điện thoại thông minh.

Afghanistan vẫn là quốc gia có thu nhập bình quân thấp với khoảng 80% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, dù những năm qua các tòa nhà cao tầng đã mọc lên nhiều mang lại dáng dấp cho đô thị. Trong khi đó, đây vẫn là mảnh đất màu mỡ của cây thuốc phiện. Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, Afghanistan có 34 tỉnh thì 12 tỉnh vẫn trồng bạt ngàn cây thuốc phiện. Tỷ lệ thất nghiệp cao cộng hưởng với lợi nhuận lớn tiếp tục xô đẩy người dân đến với loại cây này.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.