Taliban đang đẩy nhanh việc mở rộng quyền kiểm soát ra nhiều tỉnh thành và đàm phán hòa bình dần trở thành mục tiêu ảo tưởng.
Sau 10 năm phát động cuộc chiến rầm rộ nhằm vào Taliban, cộng thêm 10 năm nâng lên đặt xuống tính chuyện rút quân, cuối cùng nước Mỹ thời Tổng thống Joe Biden cũng chọn ngày 11/9/2021 là thời điểm cuối cùng đưa binh sĩ khỏi bãi sa lầy Afghanistan.
Đúng là đút chân vào thì chóng, nhưng rút ra không phải chuyện dễ dàng. Dư luận và cả giới quân sự đang muốn càng nhanh càng tốt, dù di sản họ để lại sẽ là cơn đau đầu kinh niên. Mỹ mở màn cuộc tấn công 20 năm trước nhằm vào đối thủ là Taliban cùng tổ chức khủng bố Al Qaeda do họ tài trợ, nhưng muốn rút khỏi Afghanistan, bẽ bàng thay cũng chỉ đạt được khi phải đàm phán với chính Taliban. Đau đầu nhất, giờ chính Taliban lại ở thế cửa trên, ngồi nhìn để tính xem đối thủ có tuân thủ cam kết hay không.
Các tỉnh thành miền Nam Afghanistan vẫn là sào huyệt vững chãi của Taliban. Trong thỏa thuận với lực lượng này, binh sĩ Mỹ đã rời khỏi các tỉnh phía Nam vốn luôn là địa bàn Taliban có sự ủng hộ. Người đi, nhưng thiết bị quân sự Mỹ vẫn ở lại, dù chỉ một phần và được bàn giao cho quân đội Afghanistan. Nói vậy để thấy, bài học và tổn hại của Mỹ không chỉ là về vật chất mà còn là tinh thần.
Mất 20 năm hao tài tốn của và một kết cục lửng lơ, mục tiêu chính của Mỹ là xóa sổ các mối đe dọa chống lại quyền lợi của Mỹ trong khu vực vẫn còn như nguyên vẹn. Taliban cam kết trong thỏa thuận sẽ ngăn chặn các nhóm Hồi giáo cực đoan sử dụng Afghanistan làm bàn đạp để tấn công Mỹ, nhưng không một ai dám chắc điều đó sẽ được đảm bảo, nếu chưa muốn nói mối lo ngại đó vẫn còn nguyên.
Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đôn đáo tìm một cơ sở ngay trong khu vực để từ đó giám sát và ngăn chặn từ sớm các lực lượng thù địch. Hai quốc gia Trung Á gồm Uzbekistan và Tajikistan đã được các chuyên gia lựa chọn nhưng ảnh hưởng của Nga khiến Mỹ đắn đo chưa dám quyết. Dịch sang Pakistan, nơi sẵn sàng cung cấp hậu cần cho sự hiện diện của Mỹ thì vấp phải cảnh báo từ chính Taliban, đe dọa bất cứ nước nào hợp tác với Mỹ sẽ trở thành kẻ thù.
Cuộc “mèo vờn chuột” giữa Mỹ và Taliban quanh bàn đàm phán chưa ngã ngũ thì diễn biến ở ngay Afghanistan đã gia tăng bất ổn, từ chính nội bộ nước này chứ chưa nói đến các nhóm cực đoan mà Mỹ lo ngại.
Từ những ngày đầu tháng 5, Taliban đã tấn công một số trung tâm ở các tỉnh. Ở phía nam, Taliban mở một đợt tổng tấn công trên nhiều mặt trận nhằm vào Lashkar Gah, trung tâm của tỉnh Helmand, nơi trước đây liên quân Mỹ- Anh dồn khá nhiều quân đẩy bật Taliban mà không thành; hay Ghazni ở tỉnh cùng tên, Qalat ở tỉnh Zabul và xa hơn lên phía bắc ở tỉnh Baghlan cùng Laghman cũng bị tấn công.
Điều may là Taliban chưa thành công trong bất kỳ cuộc tiến chiếm trung tâm tỉnh lỵ nào. Quân đội Afghanistan đã đẩy lùi Taliban với sự trợ giúp của Mỹ. Tuy vậy, chiến lược của Taliban lúc này dường như chưa muốn tạo ra sự gây hấn mạnh mẽ hơn, bởi chỉ ra ngoài trung tâm tỉnh lỵ là địa bàn của họ và chính phủ như quân cờ bị vây hãm bên trong.
Taliban còn tự tin nhờ kiểm soát được địa bàn nông thôn một cách vững chắc. Các tiền đồn của họ kiểm soát tốt đến mức quân đội chính phủ không hề có ý định tấn công vào. Lực lượng này tuyên bố đang kiểm soát 1/4 trong tổng số gần 400 quận huyện của Afghanistan.
Trong một phép thử mới nhất, hôm 4/7 vừa rồi, Taliban lại mở thêm cuộc tấn công ở tỉnh Kandahar, đẩy bật đội quân chính phủ chạy sang quốc gia láng giềng Tajikistan lánh nạn. Có nguồn tin còn nói với hãng tin AP rằng, quân đội chính phủ tự buông súng và chủ động tìm chỗ nương náu.
Hiện tại, một số sứ quán nước ngoài đã rút bớt nhân lực về nước đề phòng tình hình xấu đi sau ngày 11/9, bất chấp sự trấn an từ Mỹ là họ tiếp tục duy trì 1.000 binh sĩ đóng trong sân bay quốc tế Kabul để bảo vệ các phái đoàn ngoại giao. Theo BBC, Taliban đã tuyên bố bất cứ binh sĩ nước ngoài nào còn ở Afghanistan sau ngày 11/9 sẽ bị coi là đội quân chiếm đóng.
Trong khi Taliban chưa bỏ cuộc đàm phán nào với chính phủ Afghanistan, thì giao tranh vẫn tiếp diễn và không hề có chỉ dấu chấm dứt.