| Hotline: 0983.970.780

Năm 2017 - Dự án VnSAT khẳng định vai trò thúc đẩy tái canh cà phê Tây Nguyên

Thứ Ba 26/12/2017 , 13:21 (GMT+7)

Tây Nguyên hiện có hơn 450 nghìn ha cà phê, chiếm trên 90% diện tích cà phê cả nước. Tuy nhiên, cả trăm ngàn héc ta cà phê ở Tây Nguyên đã trở nên già cỗi, làm sụt giảm cả sản lượng và chất lượng chung của cà phê toàn vùng.

Vườn Cà Phê - thôn 9 xã Lộc An Tỉnh Lâm Đồng được tái canh từ nguồn vốn tín dụng của Dự án VnSAT

Trong bối cảnh như hiện nay những tác động tích cực mà Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT mang lại là động lực góp phần đẩy nhanh tiến độ và chất lượng tái canh cà phê Tây Nguyên.
 

Thực trạng đáng lo ngại

Theo thống kê của Viện khoa học Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên, trong số hơn 450.000 ha cà phê của khu vực hiện đã có hơn 120.000 ha bị già cỗi (hơn 20 năm tuổi), năng suất dưới 1,5tấn/ha. Dự tính, đến năm 2020, hơn 70% diện tích cà phê ở khu vực này cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự. Các diện tích cà phê ở đây đều có tuổi đời từ 20 -30 năm, mặc dù trong quá trình khai thác vẫn cho sản lượng quả, tuy nhiên hiện sản lượng và năng xuất của diện tích cà phê này đang có dấu hiệu giảm dần theo từng niên vụ.
 

Nhận định khó khăn trong quá trình tái canh cà phê

Mặc dù chương trình tái canh cà phê đã được triển khai từ nhiều năm nay, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu ngành nông nghiệp trong việc tìm ra mô hình và phương pháp tái canh phù hợp với từng vùng miền. Tuy nhiên, tốc độ tái canh cây cà phê trong thời gian qua diễn ra rất chậm và chưa hiệu quả vì nhiều nguyên nhân trong đó nổi bật là:

Người dân trồng cà phê hiện nay chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về sản xuất cũng như tái canh cà phê bền vững. Ngay tại hai tỉnh có diện tích Cà Phê lớn nhất là Đắk Lăk và Lâm Đồng người dân vẫn sử dụng phương pháp tưới truyền thống gây lãng phí nguồn nước trong bối cảnh hạn hán thường xuyên diễn ra ở Tây Nguyên. Việc lựa chọn giống cà phê đạt tiêu chuẩn để sử dụng trong quá trình tái canh cũng gây khó khăn cho người nông dân do thị trường giống mập mờ về nhãn mác, thương hiệu và còn thiếu về nguồn cung cây giống đạt chuẩn.

11-09-57_hinh_2
Cây giống cà phê tại Vườn ươm đạt chứng nhận của dự án VnSAT

Nguồn vốn phục vụ tái canh cũng là bài toán khó giải đối với nông dân Tây Nguyên. Nhiều bà con cho biết, mức cho vay của các ngân hàng lâu nay tối đa chỉ 150 triệu đồng/ha nhưng việc giải ngân 2 hoặc 3 lần khiến nông dân vẫn thiếu vốn để đầu tư. Bên cạnh đó, yêu cầu về tài sản thế chấp vẫn còn khắt khe trong khi ở nhiều nơi, nông dân đã cầm cố sổ đỏ tại ngân hàng để vay vốn trước đó nên không còn tài sản đảm bảo để vay vốn tái canh.
 

VnSAT thúc đẩy tái canh bằng các hoạt động hỗ trợ có tính tổng thể

Tại Tây Nguyên, dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT với sự hỗ trợ nguồn vốn từ Ngân hàng thế giới, được thực hiện tại năm Tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nông dân các tỉnh thuộc vùng dự án tái canh bền vững và nâng cao giá trị ngành hàng lên từ 40 – 60 triệu USD 1 năm.

Ông Sergiy Zorya – Chuyên gia kinh tế cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng thế giới cho biết: “Chúng tôi bắt đầu bằng việc đào tạo cho nông dân về các biện pháp canh tác sản xuất và tái canh cà phê bền vững để nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải áp dụng khi tái canh. Thứ hai, chúng tôi có biện pháp nâng cao chất lượng giống cây cà phê. Dự án của chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các vườn ươm của nhà nước và tư nhân tại Tây nguyên để nâng cao chất lượng cây giống và cung cấp cho nông dân. Thứ 3, chúng tôi cũng hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức nông dân. Cuối cùng là chúng tôi hỗ trợ về tín dụng. Như vậy, dự án có rất nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm nâng cao nhận thức và cung cấp các dịch vụ công, để có thể tái canh thành công hơn, giúp nông dân trang trải chi phí đầu tư ban đầu và thu lợi nhuận trong dài hạn.”
 

Năm 2017 - VnSAT đương đầu với khó khăn để bứt phá ngoạn mục

Điểm sáng nhất trong bức trang VnSAT – Tái canh cà phê năm 2017 đó là việc tìm ra lời giải cho bài toán vốn tái canh cho bà con nông dân. Nếu như Quý I/2017 hoạt động giải ngân nguồn vốn tín dụng diễn ra chậm với nhiều vướng mắc thì đến T4/2017 sau hội nghị thúc đẩy dòng vốn tín dụng của Dự án VnSAT cho tái canh cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Dự án VnSAT đã mang đến sự kỳ vọng mới cho bà con với gói tín dụng hỗ trợ tái canh lên đến 400 triệu đồng/ 1 hecta (bao gồm chi phí tái canh và chi phí cho hệ thống tưới tiết kiệm) , thủ tục vay vốn đơn giản, quá trình thẩm định cho vay nhanh và sự linh hoạt trong việc xử lý tài sản đảm bảo , chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng con số giải ngân nguồn vốn tín dụng Tái canh cà phê đã đạt gần 300 tỷ đồng với hơn 1000 hộ nông dân được vay vốn để tái canh trên diện tích xấp xỉ 1700 hecta.

Ông Trần Văn Yên – Trưởng ban mặt trận thôn 9 – Xã Lộc An – Tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Bà con nông dân thôn 9 vay được nhiều từ nguồn vốn tái canh của dự án VnSAT, mỗi hecta tái canh vay được 280 triệu nếu có nhu cầu lắp hệ thống tưới tiết kiệm thì vay thêm được 120 triệu nữa. Lãi suất cho vay là 6,5% trong 3 năm đầu và lãi suất theo thị trường trong 6 năm còn lại. Như gia đình nhà tôi từ lúc nộp đơn xin vay vốn đến lúc được giải ngân thời gian chỉ có 2 ngày thủ tục rất nhanh gọn.”

Một kết quả đáng ghi nhận khác đó là việc Dự án VnSAT đã hoàn thành việc đánh giá và cấp chứng nhận vườn ươm đạt chuẩn cho 21 vườn ươm với khả năng cung cấp giống đáp ứng 80% nhu cầu giống tái canh của toàn vùng dự án. Những vườn ươm sau khi được cấp chứng nhận còn được dự án hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng bao gồm: tường rào, nhà lưới, hệ thống tưới, kho và đường vận chuyển từ đó nâng cao năng lực sản xuất cây giống , đảm bảo chất lượng cây giống đầu ra cho bà con nông dân. Trong bối cảnh loạn thị trường giống cà phê tại Tây Nguyên như hiện nay thì việc dự án VnSAT công bố danh sách các vườn ươm đạt chuẩn và phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương thường xuyên giám sát chất lượng cây giống đã tạo được niềm tin cho bà con nông dân từ đó tiền đề đầu tiên nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả kinh tế lâu dài cho các vườn cà phê tái canh của Tây Nguyên

Ông Lê Văn Hiến – Giám đốc dự án VnSAT cho biết: “Trong thời gian tới VnSAT sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các vườn ươm tư nhân trong vùng dự án để sản xuất ra cây giống cà phê chất lượng nhằm mục đích tái canh cây cà phê bền vững theo hướng công nghệ cao, với kết quả cuối dự án là xây dựng hoàn thiện 57 vườn ươm tư nhân đạt chuẩn để hàng năm cung cấp ra thị trường 10 triệu cây giống có nguồn gốc và chất lượng cao, có khả năng chống hạn và chống sâu bệnh tốt phục vụ nhu cầu tái canh cho bà con nông dân toàn vùng Tây Nguyên”.

Con đường dẫn vào Vườn Cà Phê của HTX Minh Toàn Lợi – Tỉnh Đắk Lăk sẽ được dự án VnSAT hỗ trợ nâng cấp vào Quý I năm 2018

Ngoài ra Tính đến tháng 10 năm 2017 Dự án VnSAT đã đào tạo , tập huấn quy trình sản xuất cà phê bền vững cho tổng số 15.679 nông dân với diện tích 18.425 ha, xây dựng 95 điểm trình diễn với diện tích 81ha. Bên cạnh đó dự án cũng đã tiến hành đào tạo tái canh cà phê cho 9.332 nông dân với diện tích 7.924 ha, xây dựng 44 điêm trình diễn với diện tích 36 ha.
 

Năm 2018 – Hứa hẹn nhiều thành quả

Ngay trong Quý I, năm 2018 Dự án VnSAT sẽ tiến hành đầu tư nâng cao năng lực cho 20 tổ chức nông dân với tổng mức đầu tư lên đến 144 tỷ đồng bao gồm: nâng cấp hệ thống đường giao thông, xây dựng nhà kho, sân phơi cà phê, máy sấy v…Cùng với đó là hoạt động kết nối tiêu thụ và xây dựng thương hiệu từ đó hình thành các chuỗi giá trị cà phê tại khu vực Tây Nguyên.

Với mục tiêu thúc đẩy hoạt động tái canh bền vững dự án cũng chú trong vào việc xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm giúp nông dân trồng cà phê có thể thích ứng với tình hình khô hạn kéo dài thường diễn ra tại Tây Nguyên trong thời gian gần đây. Hiện nay đã có 69 hộ tham gia xây dựng mô hình tưới tự động tích kiệm và được dự án hỗ trợ đên 50% chi phí thiết kế, lắp đắt hệ thống tưới . Trong năm 2018 , 69 mô hình này sẽ đi vào hoạt đông và trở thành điểm thăm quan học hỏi cho bà con trồng cà phê toàn vùng Tây Nguyên để từ đó nâng cao hiệu quả tưới và năng suất cà phê toàn vùng.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất